Sự kiện: Giáo dục / tuyển sinh / học MBA / chương trình MBA

Thông tin tuyển sinh sau đại học tại trường đại học Ngân Hàng 2013

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh thông báo tuyển sinh sau đại học năm 2013 như sau:

I. CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO:

1/ Thạc sĩ  chuyên ngành Tài chính - ngân hàng, mã số: 60 34 02 01

2/  Nghiên cứu sinh chuyên ngành Tài chính - ngân hàng, mã số: 62 34 02 01

II. HÌNH THỨC ĐÀO TẠO:

Các học viên dự thi cao học được tuyển chọn qua kỳ thi tuyển sinh và xét tuyển (đối với nghiên cứu sinh)

1/ Đào tạo thạc sĩ: thời gian đào tạo 2 năm hình thức tín chỉ.

2/ Đào tạo tiến sĩ:  thời gian đào tạo 3 năm.

III. ĐIỀU KIỆN DỰ THI VÀ TUYỂN CHỌN:

Công dân Việt Nam có lý lịch bản thân rõ ràng, hiện không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cần có đủ các điều kiện sau đây được dự thi sau đại học:

1/  Dự thi đào tạo trình độ thạc sỹ:

a/ Bằng tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành Tài chính - ngân hàng.

b/ Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành gần ( Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính, Hệ thống thông tin kinh tế, Tiếng Anh ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính công) đã học bổ túc kiến thức các môn học để có trình độ tương đương với chuyên ngành Tài chính - ngân hàng theo chương trình hiện đang áp dụng tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

c/ Bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành khác với chuyên ngành Tài chính - ngân hàng và bằng đại học thứ hai chuyên ngành Tài chính - ngân hàng.

d/ Bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành khác với chuyên ngành Tài chính - ngân hàng và bằng 2 chính quy ngành gần, đã học bổ túc kiến thức các môn học hay học phần để có trình độ tương đương với hệ chính quy chuyên ngành Tài chính - ngân hàng.

e/ Bằng tốt nghiệp đại học tại chức chuyên ngành Tài chính - ngân hàng:

Đã bổ túc kiến thức những môn chưa học so với chương trình đào tạo chuyên ngành Tài chính - ngân hàng hiện đang áp dụng tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

f/ Có bằng tốt nghiệp hoàn chỉnh đại học ngành Tài chính - ngân hàng và trước đó có bằng tốt nghiệp Cao đẳng hoặc Trung cấp cùng ngành với bằng tốt nghiệp đại học.

Ghi chú: Các chuyên ngành đào tạo bậc đại học phù hợp và gần với chuyên ngành dự thi Tài chính - ngân hàng.

a/ Các ngành phù hợp: Tài chính - Tín dụng, Tài chính - Tiền tệ - Tín dụng, Tài chính - Ngân hàng, Ngân hàng.

b/ Các chuyên ngành gần:  Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính, Hệ thống thông tin kinh tế, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính công hoặc các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh và Hệ thống thông tin kinh tế, Tiếng Anh ngân hàng (của Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh).

2/ Điều kiện dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ: xét tuyển phải có điều kiện sau ( học mba )

2.1/ a/ Có bằng thạc sĩ  chuyên ngành Tài chính - ngân hàng.

b/ Có bằng thạc sĩ chuyên ngành gần , đã học bổ sung kiến thức các môn học hay học phần để có trình độ tương đương với thạc sĩ chuyên ngành Tài chính - ngân hàng.

c/ Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành Tài chính - ngân hàng loại khá trở lên.

2.2/ Có một bài luận về dự định nghiên cứu, trong đó trình bày rõ ràng đề tài hoặc lĩnh vực nghiên cứu, lý do lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu, mục tiêu và mong muốn đạt được, lý do lựa chọn cơ sở giáo dục; kế hoạch thực hiện trong từng thời kỳ của thời gian đào tạo; những kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết cũng như những chuẩn bị của thí sinh trong vấn đề  hay lĩnh vực dự định nghiên cứu; dự kiến việc làm sau khi tốt nghiệp; đề xuất người hướng dẫn.

2.3/ Có hai thư giới thiệu của hai nhà khoa học có chức danh khoa học như giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành; hoặc một thư giới thiệu của một nhà khoa học có chức danh khoa học hoặc học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành và một thư giới thiệu của thủ trưởng đơn vị công tác của thí sinh. Những người giới thiệu này cần có ít nhất 6 tháng công tác hoặc cùng hoạt động chuyên môn với thí sinh. Thư giới thiệu phải có những nhận xét, đánh giá về năng lực và phẩm chất của người dự tuyển, cụ thể: Phẩm chất đạo đức, đặc biệt đạo đức nghề nghiệp; năng lực hoạt động chuyên môn; phương pháp làm việc; khả năng nghiên cứu; khả năng làm việc theo nhóm; điểm mạnh và yếu của người dự tuyển; triển vọng phát triển về chuyên môn; những nhận xét khác và mức độ ủng hộ, giới thiệu thí sinh làm nghiên cứu sinh.

2.4/ Có đủ trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án quy định.

2.5/ Đối với những chuyên ngành có yêu cầu về kinh nghiệm làm việc, Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn mà thí sinh cần có trước khi dự tuyển và nêu rõ trong thống báo tuyển sinh.

2.6/ Được cơ quan quản lý nhân sự (nếu là người đã có việc làm), hoặc trường nơi sinh viên vừa tốt nghiệp giới thiệu dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ. Đối với người chưa có việc làm cần được địa phương nơi cư trú xác nhận nhân thân tốt và hiện không vi phạm pháp luật.

2.7/ Cam kết thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với quá trình đào tạo theo quy định của cơ sở đào tạo (đóng học phí; hoàn trả kinh phí với nơi đã cấp cho quá trình đào tạo nếu không hoàn thành luận án tiến sĩ).

3/ Đối tượng và chính sách ưu tiên (dự thi đào tạo thạc sĩ):

3.1/ Đối tượng:

- Thương binh, bệnh binh người có giấy chứng nhận được hưởng chính sách như thương binh;

- Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; người có công với cách mạng;

- Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Người có thời gian công tác hai năm liên tục trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi) tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ở các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo (phải có quyết định tiếp nhận công tác hoặc biệt phái công tác của cấp có thẩm quyền);

- Con liệt sĩ;

- Con nạn nhân chất độc màu da cam.

3.2/ Điểm ưu tiên:

Người dự thi thuộc đối tượng ưu tiên được cộng 01 điểm vào kết quả thi (thang điểm 10) cho môn cơ bản. Người thuộc nhiều đối tượng ưu tiên chỉ được hưởng chế độ ưu tiên của một đối tượng.

4/ Điều kiện xét trúng tuyển (dự thi đào tạo thạc sĩ):

Để được trong diện xét công nhận trúng tuyển, thí sinh phải đạt tất cả các môn thi từ 5,0 điểm trở lên (theo thang điểm 10).

Việc xét trúng tuyển sẽ được xét theo chỉ tiêu đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Trường tính tổng điểm thi của hai môn: chuyên ngành và cơ bản của thí sinh từ cao xuống thấp. Trường hợp có nhiều thí sinh cùng điểm chuẩn sẽ lần lượt xét đến mức điểm cao hơn của môn cơ sở chuyên ngành, cơ bản và ngọai ngữ để xác định học viên trúng tuyển.

IV/ NỘI DUNG THI TUYỂN CAO HỌC:

A/ Đào tạo thạc sĩ:

1/ Môn ngoại ngữ: yêu cầu ngoại ngữ dùng trong thi tuyển là tiếng Anh trình độ B

2/ Môn cơ bản: Toán kinh tế

3/ Môn cơ sở chuyên ngành:  Lý thuyết tài chính - tiền tệ

Nội dung thi theo chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

B/ Đào tạo tiến sĩ: xét tuyển và có thông báo riêng.

V/ HỒ SƠ DỰ THI CAO HỌC:

Mỗi thí sinh làm một bộ hồ sơ đăng ký dự thi. Hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh sau đại học phải có đầy đủ các giấy tờ gốc hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ theo quy định hành chính:

1/ Đơn xin dự thi: theo mẫu của cơ sở đào tạo cần ghi rõ ngành đăng ký dự thi, đối tượng dự thi (cán bộ, công chức, tự do) nghề nghiệp và nơi làm việc (có xác nhận của nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương). Cam kết thực hiện quy chế sau khi trúng tuyển.

2/ Phiếu đăng ký dự thi: (theo mẫu của cơ sở đào tạo) có xác nhận của nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương.

3/ Giấy chứng nhận đủ sức khỏe (của một Bệnh viện đa khoa).

4/ Bản sao có công chứng giấy tờ hợp pháp và đối tượng ưu tiên:

- Bằng tốt nghiệp đại học và bảng điểm đại học.

- Chứng chỉ bổ túc kiến thức (nếu thuộc diện phải học bổ túc kiến thức).

- Các giấy tờ pháp lý về đối tượng ưu tiên (nếu có).

5/ Các giấy tờ pháp lý về thâm niên nghề nghiệp.

Quyết định cử đi dự thi của cơ quan quản lý có thẩm quyền hoặc chứng thực của chính quyền địa phương.

6/ Ảnh làm hồ sơ: nộp 5 ảnh 3 x 4 (2 ảnh dán vào hồ sơ có đóng dấu giáp lai của cơ quan hoặc chính quyền; 3 ảnh còn lại phục vụ cho tuyển sinh) và 3 phong bì ghi rõ Họ tên, địa chỉ của thí sinh và có dán tem (địa chỉ dễ nhận thư).

Trường không nhận hồ sơ thiếu giấy tờ hoặc thiếu điều kiện dự thi và không chấp nhận bổ sung hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm, đối tượng ưu tiên, chứng nhận thâm niên, công trình khoa học công bố sau khi tuyển sinh sau đại học.

VI/ THỜI GIAN ÔN THI NỘP HỒ SƠ VÀ THI TUYỂN:

1/ Thời gian ôn thi: từ ngày 02/05/2013 đến ngày 31/07/2013.

- Có các lớp ôn thi cao học vào các buổi tối: thứ 2, thứ 4, thứ 6 , hoặc thứ 3, thứ 5, thứ 7 hoặc thứ bảy, chủ nhật.

Địa điểm ôn thi cao học tại TP. Hồ Chí Minh (Trường THPT Gia Định số 195/29 Xô Viết Nghệ Tĩnh Quận Bình Thạnh TP. Hồ Chí Minh )

2/ Thời gian nộp hồ sơ tuyển sinh:

- Từ ngày 06/05/2013 đến ngày 25/05/2013: nhận hồ sơ tuyển sinh.

- Thi tuyển sinh dự kiến vào 3 ngày 16/08; 17/08 & 18/08/2013.

- Thí sinh nộp hồ sơ tại Khoa sau đại học - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí  Minh, số 36 Tôn Thất Đạm, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 08 - 38212590.

* Địa điểm thi và học sau khi trúng tuyển tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí  Minh.

3/ Lệ phí đăng ký dự thi:

- Lệ phí đăng ký dự thi, lệ phí thi, lệ phí ôn tập và kinh phí đào tạo theo quy định của cơ sở đào tạo trên cơ sở quy định hiện hành.

- Nộp tại Phòng Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, số 36 Tôn Thất  Đạm, Quận 1 TP. Hồ Chí Minh.

4/ Địa chỉ liên hệ:

Mọi vấn đề liên quan đến tuyển sinh sau đại học năm 2013 của Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, xin vui lòng liên hệ: Khoa sau đại học -Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, số 36 Tôn Thất Đạm,Quận 1 TP. Hồ Chí Minh. ĐT:  08 - 38212590.  Fax: 08 - 38212584. Email: [email protected]

Theo Trường đại học Ngân Hàng