Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Sở GD-ĐT TP.HCM đã biên soạn bộ tài liệu dạy học vật lý 6, 7, 8 và được cả giáo viên lẫn học sinh đón nhận hào hứng và thích thú. Đây được xem như bước đột phá trong quá trình đổi mới giáo dục ở TP.HCM.

Bộ tài liệu dạy học này được xem như một bộ sách giáo khoa khác (bên cạnh bộ sách giáo khoa chính thống của Bộ GD-ĐT) như một nỗ lực nhằm đa dạng hóa sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông.

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, phó trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM (đồng thời là tác giả bộ TLDH môn vật lý): “Bộ TLDH được sở triển khai biên soạn từ năm 2009.

Bắt đầu từ năm học 2011-2012, TP đưa vào thực hiện thí điểm TLDH lớp 6 tại một số trường THCS. Việc thí điểm đã và đang thực hiện theo kiểu cuốn chiếu nên năm học 2013-2014, ngoài học sinh khối 6, 7, học sinh khối 8 cũng bắt đầu học bộ TLDH này”.

**Sách giáo khoa "chưa thân thiện"

Thuận lợi để đổi mới

Khác với SGK hiện hành, TLDH vật lý có rất nhiều hình ảnh bắt mắt, gần gũi với học sinh thành phố (như trong bài “Đo độ dài” chương trình lớp 6 có hình ảnh tượng đài Trần Nguyên Hãn và chợ Bến Thành ở TP.HCM).

Mỗi bài học cũng gồm bốn phần như SGK nhưng được thể hiện chi tiết hơn: phần dẫn nhập (giới thiệu một số tình huống xảy ra trong thực tế cuộc sống, có liên quan đến các hiện tượng vật lý sẽ nêu lên trong bài học; phần nội dung bài; phần luyện tập: gồm các câu hỏi tự luận, trắc nghiệm khách quan, thực hiện thí nghiệm; phần thế giới quanh ta: cung cấp những kiến thức mở rộng, gắn với thực tiễn, gợi mở những vấn đề mới cho học sinh...

Cô Hoàng Thị Kim Anh, tổ trưởng tổ vật lý Trường THCS Nguyễn An Ninh, Q.12, nhận xét: “TLDH được in màu, hình ảnh chủ yếu là từ thực tế nên học sinh rất thích.

Những nội dung kiến thức quan trọng của từng chủ đề được tô màu vàng hoặc xanh, kích thích sự chú ý đối với học sinh. Đặc biệt, TLDH có nhiều thí nghiệm dễ thực hiện ngay trên lớp, buộc giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy”.

Tương tự, cô Trần Ngọc Quyên - cán bộ chuyên môn bộ môn vật lý Phòng GD-ĐT quận Tân Phú - cho rằng TLDH rất thuận tiện cho giáo viên thực hiện đổi mới vì các chủ đề đều cập nhật thông tin thời sự và gần gũi với cuộc sống.

“Nếu như phần dẫn nhập của TLDH kích thích sự tò mò của học sinh thì “Thế giới quanh ta” khiến chính giáo viên cũng cảm thấy thú vị. Chính “Thế giới quanh ta” đã làm học sinh yêu môn vật lý hơn. Nó như một minh chứng môn vật lý được ứng dụng rất nhiều vào cuộc sống” - cô Nguyễn Thị Ngọc Giàu - giáo viên đã sử dụng TLDH vật lý 6, 7 để giảng dạy trong hai năm qua - cho biết.

Cô kể: “Thế giới quanh ta trong TLDH đưa ra rất nhiều thông tin. Nó không chỉ giúp học sinh mở rộng tầm nhìn mà còn rèn luyện các em kỹ năng thực hành theo bài đã học như chủ đề 6 (lớp 6) hướng dẫn làm một ảo thuật nhỏ về sợi chỉ vô hình với nam châm. Chủ đề 9 hướng dẫn các em tự làm mô hình xe chạy bằng dây thun. Chủ đề 5 lớp 7 hướng dẫn các em làm kính vạn hoa...”.

Đáp ứng nhu cầu tự học

Theo các giáo viên vật lý bậc THCS ở TP.HCM, TLDH vật lý cũng có một số nhược điểm như cách diễn đạt quá dài dòng, quá cụ thể, một số học sinh sẽ “ngán” đọc; giá thành lại quá cao (TLDH vật lý 7, 180 trang giá 40.000 đồng trong khi SGK vật lý 7 của Bộ GD-ĐT chỉ 88 trang, giá 5.500 đồng)...

Nhưng điều quan trọng hơn là TLDH có nhiều ưu điểm. Theo các giáo viên, ưu điểm lớn nhất của TLDH là đáp ứng nhu cầu tự học của học sinh. Với TLDH, nếu không có điều kiện đến lớp, học sinh đọc sách cũng hiểu được trọng tâm bài học. Ngoài ra, phụ huynh có thể dựa vào TLDH này để dạy con một cách dễ dàng.

Theo ông Phạm Ngọc Tiến: “Chủ trương của sở khi tiến hành biên soạn bộ TLDH là làm sao giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng mà Bộ GD-ĐT quy định. Ví dụ: trình bày chủ đề về điện, TLDH sẽ không đưa dụng cụ cầu chì lắp (SGK hiện hành vẫn còn - PV) vào nữa vì hiện người dân thành phố không còn dùng dụng cụ này.Thay vào đó, chúng tôi đưa CB (dụng cụ ngắt điện tự động khi quá tải) vào bài; giới thiệu cho học sinh tìm hiểu về cầu dao chống giật: một dụng cụ cần thiết trong mỗi gia đình mà giá thành cũng chấp nhận được. Ngay cả thí nghiệm cũng là những vật liệu dễ tìm, thiết thân với học sinh. Phần thực hành sẽ không chú trọng kiểm chứng lý thuyết mà vận dụng kiến thức lý thuyết. Các bài tập cũng lồng trong bối cảnh xử lý các vấn đề của cuộc sống chứ không xa lạ với học sinh. Tóm lại, TLDH không thay đổi nội dung kiến thức mà chỉ thay đổi cách thức tiếp cận với kiến thức”.

Cũng theo ông Tiến, Sở GD-ĐT không áp đặt các trường phải sử dụng TLDH mà tùy điều kiện từng trường, nếu giáo viên thấy phù hợp thì sử dụng, không thì thôi. “Theo thông tin chưa đầy đủ chúng tôi có được, hiện có khá nhiều quận đang sử dụng TLDH này. Riêng quận 11, Gò Vấp, Tân Bình không sử dụng” - ông Tiến cho biết.

Về hiệu quả của bộ TLDH, cô Trần Ngọc Quyên nhận định: “Qua khảo sát của Phòng GD-ĐT Tân Phú thì học sinh cảm thấy thích thú hơn khi học với TLDH vật lý. Điều này thể hiện ở chỗ số học sinh giỏi môn vật lý tăng theo từng năm; điểm số môn vật lý của học sinh tuy không tăng vọt nhưng có nhích lên so với những năm trước. Về phía giáo viên, năm đầu tiên một số người cũng tỏ ra ngại ngần khi phải tìm hiểu, đầu tư lại bài dạy. Tuy nhiên, sau hai năm hầu hết giáo viên đều cho rằng dạy theo TLDH thuận lợi hơn rất nhiều”.

Thay đổi cách tiếp cận kiến thức

Mục đích của TP.HCM khi biên soạn TLDH là tạo ra cuốn tài liệu thể hiện theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng nhưng chỉ thay đổi cách thức tiếp cận với kiến thức ấy cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh học sinh TP.HCM. Trước khi xuất bản, TLDH đã được hội đồng bộ môn vật lý của Sở GD-ĐT TP và Nhà xuất bản Giáo Dục thẩm định. Sau mỗi năm học, những người biên soạn TLDH sẽ tổ chức lấy ý kiến của giáo viên để sửa đổi, bổ sung khi tái bản và sử dụng cho năm học sau. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, đến thời điểm này mới chỉ có TLDH vật lý được xuất bản và bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt khi sử dụng dạy học. Còn các môn khác thì nội dung TLDH hiện vẫn còn trong dạng bản thảo”.

Ông NGUYỄN HOÀI CHƯƠNG (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Gần gũi với cuộc sống

sách giáo khoa

Cùng một bài học, TLDH bên trái có hình ảnh minh họa và SGK của Bộ GD-ĐT bên phải - Ảnh:H.HG.

Ví dụ với bài “Ứng dụng định luật truyền thẳng của ánh sáng”, TLDH vật lý 7 có phần dẫn nhập: “Nếu để ý các em sẽ thấy cửa và cửa sổ lớp học, phòng học - để lấy ánh sáng mặt trời chiếu vào thường được bố trí ở bên trái của học sinh ngồi trong phòng (có hình minh họa). Buổi tối khi ngồi học, học sinh chúng ta cũng thường đặt đèn chiếu sáng ở bên trái của mình (hình minh họa). Các em có biết vì sao?”.

Phần này trong SGK của Bộ GD-ĐT là: “Ban ngày trời nắng, không có mây, ta nhìn thấy bóng của một cột đèn in rõ nét trên mặt đất. Khi có một đám mây mỏng che khuất Mặt trời thì bóng đó bị nhòe đi. Vì sao có sự biến đổi đó?”.

Theo Hoàng Hương, tuổi trẻ