Sự kiện Hot: TUYEN SINH 2012DIEM THI DAI HOCTI LE CHOI

Tin liên quan:

> Không được bỏ rơi học sinh yếu

>> Ôn thi đến giờ chót

>>>  Lớp có học sinh ngồi nhầm bị kiểm tra đột xuất

Thầy cô giáo trên “đường đua bất đắc dĩ”

Cuối năm học, giáo viên chúng tôi - những người đang gắn đời mình với nghiệp “trồng người” - đứng trước hai lựa chọn: hoặc phải “cày” cho ra điểm để đạt chỉ tiêu bộ môn hoặc bị cắt danh hiệu thi đua.

Chỉ tiêu bộ môn từ đâu ra? Đó là “đứa con tinh thần” được sinh ra từ hội nghị cán bộ công chức hằng năm mà trước đó các cuộc họp nhỏ lẻ như họp tổ chuyên môn, họp hội đồng sư phạm, họp công đoàn, chi đoàn... đã có những bàn luận “lót đường”. Ai cũng than vãn vì chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước. Và ai cũng biết để có những chỉ tiêu cao ngất ngưởng, giáo viên phải làm việc cật lực, đặc biệt là tìm trăm phương ngàn kế đối với học sinh (HS) yếu kém. HS yếu kém vì mất căn bản, vì lười học, vì gia cảnh, vì phương pháp dạy của giáo viên chưa phù hợp hay vì bất cứ lý do gì khác nữa, số phận các em đã được ấn định sẵn - các em nhất quyết không được tiếp tục yếu kém nữa.

Thật khó hình dung làm thế nào để các môn văn - toán phải đạt 83% HS có học lực trung bình trở lên đối với một trường đại trà, chẳng lớp chọn lớp chuyên. (Vậy mà nó vẫn nhan nhản ở các trường, những con số có khác nhau đôi chút nhưng phải rất cao). Thật khó hình dung tỉ lệ ấy phải tiếp tục được đẩy lên qua mỗi năm học, đẩy lên đến khi nào không còn lên cao hơn nữa. (Khi ấy chúng ta sẽ có những ngôi trường trong mơ, trẻ em VN từ đồng bằng đến thành thị đều giỏi cả). Xét trên thực tế dạy và học, chúng tôi e rằng ta đang lý tưởng hóa mục tiêu giáo dục.

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trong “Bàn luận về phép học” (Luận học pháp) có quan điểm: mục đích chân chính của việc học là học để làm người. Hệ quả của lối học chân chính là “người tốt nhiều”; người tốt nhiều thì “triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị”.

Ông cũng nêu một lối học khác, lối học chuộng hình thức, chỉ có danh mà không thực chất, để rồi dẫn đến cảnh nước mất nhà tan. Ngẫm bài tấu mà thấy chạnh lòng về cách ứng xử của chúng ta đối với kết quả học tập của HS. Thay vì phải để cho cha mẹ HS và HS hiểu rằng kết quả học tập này là tương xứng với những cố gắng chưa tới hay bệnh lười nhác, thái độ học tập chưa đúng của các em;  thay vì để cho hội đồng sư phạm nhà trường nhìn thấy rõ những việc chưa làm được, nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, ta đã không cho HS cơ hội để nhìn thấy rõ những khiếm khuyết bằng một kết quả trung thực.

Để rồi đồng nghiệp chúng tôi, người dạy cấp III trách thầy cô cấp II nhẹ tay, HS chả biết gì cứ cho lên lớp phà phà. Và thầy cô dạy cấp II thì trách giáo viên tiểu học. Rồi cũng có lúc ngậm ngùi nghe, trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, dư luận đổ lỗi cho thầy cô chính là nguyên nhân để kết quả thi cử HS thấp như thế.

Chúng ta đang đứng trước một nhiệm vụ chẳng đặng đừng. Ai đó lỡ dại vì đã nghiêm túc trong việc ra đề kiểm tra cho HS mà quên “mớm” bài cho các em? Ai đó không đủ “bản lĩnh” để làm việc “cấy điểm”, hay không lao đầu vào việc cho HS kiểm tra lại hòng kịp cứu vãn tình thế thì giờ đây các bạn đang đứng trước những thách thức vô cùng khó khăn. Nhưng nếu bạn đang ùa cùng làn sóng chạy - rượt theo chỉ tiêu đề ra thì cũng hãy nên nghĩ đến sẽ ăn nói thế nào với phụ huynh, với HS khi mà chính chúng ta đang cố xây một căn nhà tri thức không nền móng cho cả một thế hệ trẻ. Và điều quan trọng là hãy đối diện với lương tâm của chúng ta. Sẽ có những lúc trăn trở rồi tự tạo cho mình những cái giật mình, thảng thốt: “Nói sao đây với các em về lòng trung thực khi chính chúng ta đã hành động như những kẻ dối lừa?”.

Tin liên quan đến xét tuyển:

 

** Bạn có thể để lại thắc mắc về tuyển sinh 2012, câu hỏi hoặc ý kiến tại ô bên dưới

(Theo: Tuoitre)