Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Lâu nay, dư luận cũng như các nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục đều ủng hộ sử dụng nhiều bộ SGK cho 1 chương trình học, điều mà nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu.

Việc sử dụng chung một bộ SGK hiện nay, theo GS. Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội), là không khoa học khi cả nước có những khác biệt về vùng miền, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa.

Cơ hội cho những bộ sách chất lượng, hiệu quả

Một học sinh dân tộc miền núi đọc-viết tiếng Việt còn chưa sõi làm sao có thể giải toán, nói tiếng Anh "nhoay nhoáy” như học sinh ở Thủ đô Hà Nội hoặc TPHCM được”, GS. Văn Như Cương nêu vấn đề.

Do đó, việc cùng lúc sử dụng nhiều bộ SGK sẽ mang lại nhiều sự lựa chọn cho học sinh cũng như giáo viên. Tùy vào điều kiện, sự khác biệt mà mỗi vùng miền cần có 1 bộ sách phù hợp với học sinh.

***Đổi mới SGK: Xứng đáng tài liệu gia công tri thức cho HS

Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều bộ SGK sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục (NXB Giáo dục) Phan Doãn Thoại, bộ SGK nào đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học theo phương án đổi mới, được giáo viên và học sinh tín nhiệm thì bộ sách đó sẽ có tính ứng dụng cao. Ngược lại, những bộ SGK vẫn quá tải về kiến thức, nặng về lý thuyết hàn lâm, không tạo được hứng thú học tập cho học sinh thì sẽ tự bị đào thải.

Tán đồng quan điểm này, GS. Nguyễn Lân Dũng và GS. Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình SGK phổ thông) cũng cho rằng vấn đề cốt lõi là chương trình học, với vai trò như cái khung mà SGK hay bất kỳ một tài liệu giáo dục, sách tham khảo nào cũng sẽ là “thịt” đắp trên nền cái khung đó, xoay theo cái khung đó. Những bộ SGK do cơ quan hay cá nhân chủ biên, biên soạn đều phải theo chương trình khung này.

 

GS. Đinh Quang Báo: Có thể ví chương trình học là thành Rome mà những người viết SGK muốn đi đường bộ, đường thủy hay hàng không đều được, miễn là đến Rome nhanh nhất. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Ai là người chọn sách?

Tuy nhiên, để thay đổi thói quen sử dụng 1 bộ SGK từ hàng chục năm nay đến việc cùng lúc sử dụng nhiều bộ SGK là chuyện không hề đơn giản, nếu không muốn nói đây sẽ là một cuộc cách mạng thực sự.

Nhiều chuyên gia giáo dục dự báo sẽ có rất nhiều xáo trộn, rất nhiều vấn đề không chỉ Bộ GDĐT mà cả xã hội phải cùng giải quyết khi quyết định lựa chọn bộ sách nào giữa rất nhiều bộ SGK.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Phan Doãn Thoại, Bộ GDĐT có trách nhiệm thành lập Hội đồng thẩm định chất lượng SGK dựa trên các tiêu chí như: Bộ sách thể hiện được sự đổi mới cách dạy và học, lấy học sinh làm đối tượng trung tâm; khuyến khích sáng tạo, phản biện, bày tỏ quan điểm cá nhân; lược bớt kiến thức hàn lâm và thay vào đó là những kiến thức thiết thực, hữu ích trong cuộc sống, rồi áp dụng tích hợp, liên môn, xuyên môn và theo cách thức tiếp cận năng lực…

Những bộ SGK đáp ứng được tiêu chí của Hội đồng thẩm định sẽ được đưa vào sử dụng trong nhà trường. Hội đồng sẽ không quyết định sử dụng bộ sách nào mà đối tượng lựa chọn sử dụng sẽ là giáo viên và chính các em học sinh.

Một bộ sách không đảm bảo chất lượng phải bị loại bỏ ngay từ khâu tuyển chọn, thẩm định. Người cho phép lưu hành sách sẽ phải chịu trách nhiệm trước cả ngành Giáo dục cũng như xã hội về chất lượng của những bộ sách mà họ cho phép sử dụng trong nhà trường”, ông Phan Doãn Thoại nhấn mạnh.

Tuy nhiên về lâu dài, GS. Đinh Quang Báo cho hay vai trò thẩm định cao nhất vẫn là thực tiễn, là đánh giá của chính học sinh và giáo viên. “Với một chương trình chuẩn sẽ có nhiều bộ sách, giáo viên dạy theo bộ sách nào, phương pháp nào là quyền sáng tạo của họ. Như vậy, sự sáng tạo của giáo viên sẽ có độ mở”, ông Báo nói.

Tại Hội thảo đổi mới SGK do NXB Giáo dục tổ chức mới đây, một chuyên gia của ĐH Upsala (Thụy Điển) khẳng định SGK cũng chỉ là một nguồn tài liệu trong vô vàn các nguồn tài liệu khác. Do đó, lấy tài liệu nào phải trao quyền cho giáo viên, vì chỉ có giáo viên mới hiểu được học sinh của mình cần gì. Vì thế, chính nguồn học liệu phong phú sẽ tạo ra sự sáng tạo, linh hoạt của giáo viên, giúp họ có nhiều cách, nhiều thông tin thuận lợi cho sự phát triển của chính mình cũng như của học sinh.

Cùng quan điểm này, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có cạnh tranh mới mong sớm có được những bộ SGK tốt. Đây là một sự cạnh tranh rất khoa học, lành mạnh”.

Còn theo GS Đinh Quang Báo, không phải ai cũng chọn được sách mà phải là những người có chuyên môn. Nhiều quốc gia thường để nhà trường hoặc giáo viên lựa chọn bộ sách tùy theo tính chất giáo dục của họ.

Ở Việt Nam, thời gian qua, trong chương trình trường học mới đã có sự phân cấp nhất định và nhà trường đã được trao nhiều quyền hơn trong việc tự hoạch định kế hoạch, nhân sự, tài chính. Do đó, theo GS. Đinh Quang Báo, trao quyền cho nhà trường lựa chọn bộ SGK là phù hợp nhất.

Mỗi nhà trường sẽ có Hội đồng Giáo dục, thành phần là những giáo viên tham gia giảng dạy, của riêng mình để thẩm định danh mục sách, thăm dò ý kiến học sinh về bộ sách, sau đó sẽ quyết định lựa chọn bộ sách sử dụng chung, thống nhất trong mỗi năm học”, GS. Đinh Quang Báo kết luận.

Theo tác giả Nguyệt Hà, báo chính phủ