Bộ Giáo dục, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với vi phạm trong sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tổ chức triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đảm bảo chất lượng, không được để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách tiếng Việt lớp 1 thời gian qua.
Sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định, lâu dài, tránh lãng phí, với giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người dân.
Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các nhà trường.
Hai là, các địa phương thực hiện rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên theo đúng các quy định của nhà nước; chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo từng môn học, cấp học để khắc phục cho được tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, đồng thời phải đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ba là, các địa phương chủ động rà soát nhu cầu để có kế hoạch và chủ động bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học, trước hết là các thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục, nhất là đối với giáo dục mầm non và giáo dục đại học; phát triển các cơ sở giáo dục tư thục chất lượng cao, hội nhập quốc tế.
Bốn là, tạo chuyển biến rõ rệt trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Các địa phương huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước hết khắc phục tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở một số địa phương gây bức xúc xã hội thời gian qua.
Năm là, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương, trước hết là phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành đối với từng vấn đề cụ thể trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các cấp học, hoạt động giáo dục. Đổi mới quản trị nhà trường, coi trọng quản lý chất lượng, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản lý nhân sự và quản lý tài chính. Phát huy dân chủ, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các trường phổ thông đáp ứng đủ điều kiện.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học. Các bộ, cơ quan chủ quản sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tập trung kiện toàn Hội đồng trường bảo đảm là một thiết chế thực quyền, hiệu lực, hiệu quả. Khuyến khích phát triển các ngành, các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, kinh tế số.
Đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, kết nối nhà trường với doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Tăng cường hội nhập quốc tế, thu hút học sinh, sinh viên Việt Nam học tập trong nước và thu hút sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập. Tăng cường kiểm định chất lượng, chú trọng kiểm định quốc tế các cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì xây dựng và triển khai Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung xây dựng một số đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới, làm đầu tàu để dẫn dắt hệ thống, đồng thời cương quyết đóng cửa các trường đại học không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không tuyển sinh được trong thời gian dài.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các chương trình liên kết giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động tư vấn du học. Xem xét dừng tuyển sinh các chương trình, các ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng.
Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam