Ngày 30-11, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc chọn sách giáo khoa trong chương trình học ở các trường, các cơ sở giáo dục phổ thông.Việc chọn sách sẽ dựa trên hình thức bỏ phiếu kín, hoàn thành các bước triển khai chương trình giáo dục mới.
>Sách giáo khoa hãy để giáo viên được chọn lựa
>Những vấn đề cải cách trong giáo dục
Sách giáo khoa biên soạn mới được nhận định sẽ giúp học sinh hứng thú hơn
Theo đó, việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ do các cơ sở giáo dục (trường) thực hiện. Người đứng đầu mỗi trường (hiệu trưởng) thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa.
Hội đồng bao gồm hiệu trưởng và các cấp phó lãnh đạo trường, tổ trưởng chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Trong đó, người đứng đầu nhà trường sẽ là chủ tịch hội đồng.
Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Dự thảo thông tư cũng nêu người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia hội đồng chọn sách giáo khoa.
Việc lựa chọn sách giáo khoa theo nguyên tắc lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp trong số sách giáo khoa đã được bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Theo đó, các sở GD-ĐT xây dựng tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện địa phương, đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Hội đồng chọn sách giáo khoa của mỗi trường sẽ họp thảo luận, trên cơ sở đề xuất danh mục sách giáo khoa của các tổ trưởng chuyên môn, dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí chọn sách giáo khoa.
Việc quyết định sách giáo khoa sẽ dựa trên hình thức bỏ phiếu kín. Trong đó, sách giáo khoa được chọn phải có trên 50% số thành viên của hội đồng bỏ phiếu lựa chọn.
Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, hiệu trưởng nhà trường ban hành quyết định danh mục sách giáo khoa được lựa chọn và công bố công khai danh mục sách giáo khoa đã chọn, niêm yết tại trường trước khi bắt đầu năm học mới 5 tháng.
Trước đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, giám đốc dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) - cho biết việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 sẽ theo quy định tại nghị quyết 88/NQ-QH, chưa thực hiện theo Luật giáo dục 2019.
Luật giáo dục 2019 tại điểm c khoản 1 điều 32 quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn".
Tuy nhiên, Luật giáo dục 2019 tới tháng 7-2020 mới có hiệu lực. Trong khi việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2020-2021 phải triển khai sớm.
Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Quốc hội cho phép thực hiện điểm c, khoản 1, điều 32 từ ngày 1-1-2020.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lần thứ 11 vào chiều 26-11, các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc cần có thời gian để lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị in ấn, phát hành, phục vụ tập huấn giáo viên để triển khai sách giáo khoa lớp 1 trong năm học 2020 - 2021.
Nhưng xét về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong quy định pháp luật, đề xuất của Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện điểm c khoản 1 điều 32 của luật chưa phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật giáo dục (sửa đổi) từ ngày 1-7-2020.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tuân thủ nghị quyết 88/2014/QH13, nghị quyết 51/2017/QH14, Luật giáo dục (sửa đổi), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ GD-ĐT phải dự thảo thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa lớp 1 theo quy định tại nghị quyết 88.
Với những dự thảo đổi mới trển, hy vọng chương trình giáo dục mới sẽ đem lại hiệu quả cao, phù hợp với nền giáo dục Việt Nam phát triển.
Theo Tuổi Trẻ