Hơn năm trước, tôi nhận được một bộ sách giáo khoa gửi đến tòa soạn. Thư đi kèm rất trang trọng, trình bày rằng đây là một bộ sách giáo khoa, gửi “ông Đức Hoàng”, nhưng lại không đề nghị tôi phải làm gì với cái bộ sách ấy.
Tôi bối rối. Trước mặt tôi là một bộ sách giáo khoa phổ thông được biên soạn riêng, khác với bộ sách do NXB Giáo dục đang phát hành, với đủ các môn ở nhiều cấp học. Trong các cuốn sách này, là một phương pháp luận giáo dục riêng. Đằng sau nó, hẳn nhiên, là một nhóm trí thức với một khối lượng nghiên cứu lớn, kéo dài qua nhiều năm.
Những logic đơn giản tiếp nối: nhóm biên soạn này, chắc đã làm việc không vì mục tiêu lợi nhuận. Vì sách giáo khoa bây giờ là độc quyền. Thành tựu đáng kể nhất của bộ sách này, nếu có, chỉ là việc đề xuất một phương pháp khoa học mới. Số lượng tiếp cận cũng sẽ rất hạn chế.
Tôi chưa bao giờ dám liên lạc lại với những người đã tình nguyện viết ra "bộ sách giáo khoa" đó. Vì tôi sợ. Đời tôi, thỉnh thoảng cũng đề xuất dăm ba suy nghĩ vắn tắt qua mấy bài báo, công sức nghiên cứu cùng lắm kéo dài hai tháng, không dám nghĩ đến việc người ta ngồi lại và viết ra đống sách trước mặt mình. Họ không giống một lão nông nghiên cứu ra máy tuốt ngô hay là máy cày tự hành. Đây không phải chuyện ý tưởng sáng tạo gì cả. Họ mong chờ gì từ việc viết ra một bộ sách như thế? Và tôi giúp gì được họ?
Những người này chắc không ngu ngơ đến mức nghĩ rằng sách của họ có thể chen chân vào guồng máy hiện tại. Chương trình phổ thông hiện nay được bảo vệ không chỉ bởi pháp luật, lợi ích kinh tế mà còn bởi các nếp nghĩ giáo dục tồn tại hàng thế kỷ. Vậy họ kỳ vọng cái gì?
Tôi cứ để bộ sách trên bàn làm việc. Thỉnh thoảng, có một đồng nghiệp đi ngang qua, giở vài trang xem, khen hay, rồi hỏi xin một quyển về cho con đọc. Tôi nghĩ đến những rào cản mà một bộ sách giáo khoa mới có thể gặp, và chưa bao giờ đủ can đảm để đi sâu hơn trong đề tài này.
Nhưng hôm nay, tại Quốc hội, các nhà lập pháp của Việt Nam đang bàn về việc có nhiều hơn một bộ sách giáo khoa. Bây giờ là lúc chúng ta - trong vai những người hưởng thụ giáo dục - nghiêm túc nghĩ về tính đa dạng của giáo dục.
Có ít nhất hai đại biểu được VnExpress trích ý kiến nêu ra băn khoăn rằng nếu có nhiều bộ sách giáo khoa có thể gây khó khăn cho kỳ thi chung. Một đại biểu cho rằng việc lựa chọn sách giáo khoa căn cứ theo ý kiến của phụ huynh và học sinh là không hợp lý vì "họ biết gì mà cho ý kiến".
Đây là một ví dụ điển hình cho những gì mà một bộ sách giáo khoa mới sẽ đối mặt: nỗi sợ bị lệch ra khỏi hệ thống giáo dục hiện hành. Hệ thống hiện tại, với "kỳ thi chung" là biểu hiện tối thượng, chưa bao giờ bị xét lại một cách triệt để. Dù đôi lúc có sửa chỗ này thêm chỗ kia, nhưng nó vẫn là một hệ thống khoa cử điển hình, với sự tưởng thưởng dành cho những người vượt qua được các kỳ thi để lên cấp cao hơn. Hệ thống này, do bối cảnh lịch sử, được chấp nhận là sẽ do một cơ quan chính phủ duy nhất thiết kế từng chi tiết, áp từ trên xuống.
Bản thân người hưởng thụ cũng quen với lối thiết kế này. Họ được giáo dục, bằng nhiều cách, rằng mình cần tuân thủ hệ thống "chính quy" để có thể có một kết cục đẹp trong cuộc đời. Học tốt là để thi tốt. Thi tốt là để có tấm bằng tốt. Tấm bằng tốt sẽ có một cuộc đời tốt.
Ngay cả các đại biểu quốc hội cũng tư duy ngược, rằng thi là quan trọng nhất, nhiều bộ sách giáo khoa thì thi cử ra làm sao?
Trong Poor Economic, hai nhà kinh tế Banerjee và Duflo có một nhận xét rất gay gắt: "Chương trình học và cách tổ chức trường lớp ở một số nước thường giữ y nguyên từ thời thuộc địa, khi trường học buộc phải là nơi huấn luyện những người dân địa phương ưu tú trở thành tay sai đắc lực cho chính quyền thực dân... Người học hôm nay đã khác xưa nhưng giáo viên vẫn tâm niệm nhiệm vụ của mình là chuẩn bị học sinh giỏi nhất cho những kỳ thi khó". Tôi không đủ tầm để phán xét rằng trong "một số nước" này có bao gồm Việt Nam không, nhưng mỗi lần nghĩ về nhận định này lại cảm thấy đau lòng.
Dù thế nào, hệ thống khoa cử này đã lỗi thời. Chính phủ không còn ở vị trí của thập kỷ 70-80, có khả năng tưởng thưởng cho mọi thành viên nếu họ thi tốt kỳ thi của chính phủ.
Nền kinh tế đã chuyển sang một trạng thái mới. Không còn kế hoạch hóa tập trung. Tư nhân là chính yếu. Cạnh tranh là lẽ sống còn. Sự đa dạng là sức đẩy. Ở đây, mỗi thành phần kinh tế tổ chức kỳ thi riêng, và chịu trách nhiệm tưởng thưởng cho kỳ thi của họ.
Công ty truyền thông "tổ chức thi" để tìm ra các thí sinh đạt chuẩn khác với công ty xây dựng; nhà tuyển dụng Nhật Bản sẽ đi tìm những ứng viên khác với nhà tuyển dụng Trung Quốc; các đại học tư nhân có quyền "tổ chức thi" để tìm ra các thí sinh đạt chuẩn khác với đại học của Bộ Giáo dục (vì họ nắm bắt nhu cầu của nhà tuyển dụng Nhật hoặc công ty truyền thông kể trên). Thậm chí là mỗi công ty tự thiết kế chương trình giáo dục của riêng họ, nặn ra con người họ cần. Xã hội phát triển bằng hàng triệu kỳ thi như vậy.
Nền kinh tế chuyển động mà không cần sự cho phép của ai. Vài nhà lập pháp vẫn còn lăn tăn với nền khoa cử hiện hành như thể nó là thứ hiển nhiên. Nhưng họ không thể ép được khối kinh tế tư nhân chấp nhận mấy cái bằng của mình: khối này sẽ tự đề ra các tiêu chuẩn, mà đôi lúc không đếm xỉa đến ứng viên có được 9 điểm môn Ngữ văn theo sách giáo khoa của NXB Giáo dục không.
Trong nền kinh tế mới này, giáo dục cần được xã hội hóa triệt để - để cung ứng cho xã hội sự muôn màu mà nó cần, tạo ra những con người được khuyến khích phát triển các năng lực khác nhau, chứ không phải con người đỗ đạt một kỳ thi chung. Chính phủ vẫn ở đó, làm nhiệm vụ đảm bảo sự bình đẳng và sử dụng nguồn lực nghiên cứu của mình để thiết kế "chương trình chung". Nhưng phương pháp truyền đạt, tính sáng tạo trong giáo dục, cần liên tục được nghiên cứu và bổ sung bởi nhiều lực lượng khác nhau.
Để hiểu hơn về sự đa dạng, hãy tưởng tượng rằng Bộ Y tế sẽ quy định cứng về phác đồ điều trị tất cả các loại bệnh. Những bệnh viện tư nhân, các nhà nghiên cứu tâm huyết không còn được tự nghiên cứu và đề xuất phác đồ mới nữa. Y học sẽ dừng lại. Không ai dở hơi đến mức tư duy theo hướng này: Bộ Y tế chỉ ở đó để đảm bảo những quy chuẩn khoa học thiết yếu nhất. Tương tự, Bộ Xây dựng cũng không đưa ra thiết kế của tất cả các công trình được xây trên đất nước. Bộ Công thương không quy định chi tiết phương pháp vận hành một doanh nghiệp.
Năm nay con trai tôi vào lớp 1. Con trai tôi, cho dù chỉ một trong một triệu đứa trẻ và chẳng gây ấn tượng với ai, với bố mẹ nó sẽ luôn là một cá nhân đặc biệt. 5 tuổi, nó đã đủ lớn để biết bản thân thích vẽ hơn là thích tiếng Anh, giỏi không gian hơn logic trừu tượng. Tôi không chịu đựng nổi suy nghĩ nó sẽ trải qua toàn bộ hệ thống rập khuôn mà bố nó đã trải qua, và hơn bao giờ, khao khát có nhiều phương pháp giáo dục để mình lựa chọn. Hơn bao giờ, tôi muốn có nhiều hơn một ngôi trường sẽ áp dụng những nghiên cứu mới, như cái nhóm trí thức viết sách mà tôi không dám đối mặt ở trên kia.
Tôi không biết cháu sẽ thành người như thế nào. Nhưng có một điều tôi dám chắc: đến thế hệ của cháu, thì cái "kỳ thi chung", cái triết lý giáo dục áp từ trên xuống theo một chuẩn mà người ta đang đem ra lập luận cho hoạt động dạy và học, không còn ăn thua với sự tồn tại của con người trong xã hội nữa.
Theo Nhà báo Đức Hoàng, đăng tải trên Góc Nhìn của VnExpress.net