Bố mẹ nên thực hiện quy tắc 4S gồm dừng lại (stop), ngồi xuống (squat), thì thầm (shhh) và hát (sing) để giúp con bình tĩnh, không la hét nơi công cộng.
Thực hiện quy tắc 4S sẽ giúp trẻ bình tĩnh, ngừng la hét nơi công cộng
Khi con la hét nơi công cộng, làm gián đoạn hoạt động của mọi người xung quanh, bố mẹ thường bối rối, chịu ánh nhìn phán xét từ mọi người. Nhiều bố mẹ lựa chọn giải quyết vấn đề bằng cách la hét vào mặt con, yêu cầu giữ im lặng.
Một số sử dụng phương pháp cực đoan hơn là tát vào mặt bé. Tuy nhiên, đây không phải những ý kiến hay, có thể khiến tình hình chuyển biến xấu đi. Đặc biệt, hành động đánh trẻ ở nơi đông người sẽ càng khiến việc nuôi dạy con cái trở nên phức tạp hơn trong tương lai.
Tiến sĩ Wendela Whitcomb Marsh ở bang Oregon, Mỹ, nhà phân tích hành vi, lập luận khi bị đánh, trẻ nhận thức mình không có khả năng giải quyết vấn đề cá nhân và cần sự can thiệp của người lớn. Tiếp đó, trẻ sẽ khuất phục trước suy nghĩ việc người lớn tuổi hoặc mạnh hơn có hành vi bạo lực với người nhỏ tuổi hoặc người yếu thế là bình thường. Cuối cùng, trẻ sẽ bắt chước hành vi của cha mẹ.
Marsh khuyến khích phụ huynh thử tưởng tượng cảnh con mình túm tay hoặc tát vào mặt đứa trẻ khác trong sân chơi vì đứa trẻ ấy làm gián đoạn hoạt động của các em. Đây sẽ là viễn cảnh tồi tệ nhưng nhiều khả năng xảy ra nếu cha mẹ lựa chọn đánh con ở chốn đông người để yêu cầu chúng giữ yên lặng.
Thay vì vậy, Marsh gợi ý quy tắc 4S, bao gồm: Dừng lại (stop), ngồi xuống (squat), thì thầm (shhh) và hát (sing). Trường hợp phụ huynh có thể đưa con rời khỏi đám đông đến nơi yên tĩnh hơn thì không cần sử dụng quy tắc 4S.
4S thường được áp dụng trong trường hợp phụ huynh và trẻ không thể rời khỏi vị trí, như: xem phim, đi dự tiệc hay trên máy bay. Marsh chỉ ra cách thức hoạt động của 4S như sau.
Dừng lại: Cha mẹ nên dừng việc đang làm và chú ý đến con mình. Hãy tự trả lời câu hỏi chúng đang hào hứng, buồn bã, đói bụng hay đau đớn. Việc xác định cảm xúc của trẻ là rất quan trọng để tìm ra phương pháp phù hợp giúp trẻ bình tĩnh.
Ngồi xuống: Sau khi xác định nguyên nhân, cha mẹ hãy ngồi xuống trước mặt con, hạ tầm mắt ngang tầm mắt của con và nhìn vào mắt chúng. Điều này giúp trẻ cảm thấy được quan tâm, tôn trọng và giúp phụ huynh đánh giá tình hình.
Thì thầm: Bước tiếp theo là mỉm cười, hạ thấp tông giọng để trò chuyện riêng. Bạn nên nói chuyện một cách chậm rãi, nhẹ nhàng. Không yêu cầu trẻ trả lời vì chúng có thể đang lắng nghe và suy nghĩ để ức chế cảm xúc quá khích trong lòng.
Hát: Nếu trẻ vẫn chưa nguôi ngoai, phụ huynh có thể hát nhỏ giọng. Một bài hát quen thuộc giữa cha mẹ và con cái hoặc bài hát trẻ yêu thích có thể giúp các em lấy lại bình tĩnh.
Lấy ví dụ khi trẻ la hét trên máy bay, phụ huynh hãy bế con trong tư thế thoải mái, miệng kề gần tai con và thì thầm những lời yêu thương hoặc hát trong khi vỗ về. Bằng cách đó, trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương, không bị đe dọa hay chế nhạo. Sự vỗ về của cha mẹ làm hạ nhiệt cơn nóng giận, giúp trẻ lấy lại bình tĩnh trong khi việc đe dọa, tức giận chỉ càng kích thích những hành vi quá khích.
Khi la hét, trẻ có thể thu hút những ánh nhìn thiếu thiện cảm của mọi người xung quanh. Tuy nhiên, việc phụ huynh giáo dục trẻ không nên xuất phát từ sự xấu hổ với mọi người mà phải từ sự thật tâm chăm lo cho trẻ. Một số người nghĩ rằng không cho roi, cho vọt là đang dung túng và nuông chiều trẻ, nhưng không chính xác. Có sự khác nhau giữa việc nuông chiều và bày tỏ sự đồng cảm với xúc cảm của các con. Một đứa trẻ tin tưởng vào cha mẹ thay vì sợ hãi bị đánh mắng sẽ giữ bình tĩnh tốt hơn trong mọi trường hợp.
Tuy nhiên, dù nắm rõ quy tắc 4S trong lòng bàn tay, trong nhiều trường hợp phụ huynh vẫn không thể giữ bình tĩnh. Nếu bạn la hét, che miệng hoặc đánh trẻ thì điều tốt nhất nên làm sau đó là nói sự thật. Việc phụ huynh giả vờ như chưa làm gì và để trẻ tự xử lý những ảnh hưởng từ hành động này là không thỏa đáng.
Khi cả hai đã lấy lại bình tĩnh, hãy giải thích với con rằng bạn hành động như vậy vì trẻ đã làm ồn, không giữ im lặng nơi công cộng. Sau đó, tiếp tục nói rằng bạn không thích hành động của chính mình, có lẽ trẻ cũng cảm thấy như vậy và bạn xin lỗi. Đừng quên nói rằng nếu tình huống này còn xảy ra, bạn sẽ tìm cách xử lý khác để khiến cả hai không buồn bã. Với những đứa trẻ lớn tuổi hơn, hai bên có thể cùng thảo luận hướng xử lý phù hợp hơn cho những lần tiếp theo.
Và một khi bố mẹ và con đã tìm ra hướng giải quyết mới, nhất định phải thử nghiệm nó trong những tình huống sau. Bạn và con càng luyện tập đủ lâu, hai bên sẽ càng giữ bình tĩnh khi các vấn đề phát sinh, không chỉ dừng ở việc la hét nơi công cộng. Trong bất cứ vấn đề nào, cha mẹ cần hành động bằng tấm lòng đồng cảm, sẵn sàng chia sẻ lắng nghe con.
Theo VnExpress