Quốc hội yêu cầu thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết 63 về kỳ họp 3 Quốc hội khóa XV.
Trong đó, liên quan vấn đề môn lịch sử là môn học lựa chọn ở cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà dư luận quan tâm, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan “nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”.
Quốc hội yêu cầu môn lịch sử có phần bắt buộc và phần lựa chọn
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai chương trình này; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học lịch sử.
Yêu cầu nghiên cứu thiết kế môn lịch sử gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn là một yêu cầu mới so với dự thảo Nghị quyết kỳ họp 3 Quốc hội khóa XV được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp hôm 16.6.
Tại dự thảo nghị quyết được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua chiều 16.6, nội dung yêu cầu về môn lịch sử ghi rõ:
“Nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về môn học lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp THPT”.
Theo đó, nội dung nghị quyết được Chủ tịch Quốc hội ký ban hành đã yêu cầu rõ hơn đối với việc thiết kế môn lịch sử gồm cả phần bắt buộc và phần tự chọn chứ không chỉ yêu cầu nghiên cứu tiếp thu ý kiến về việc môn lịch sử là môn bắt buộc.
Trước đó, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hôm 22.5, các ủy viên ủy ban đã thống nhất đề nghị quy định môn lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình THPT trong báo cáo gửi tới Quốc hội về vấn đề môn lịch sử.
Ủy ban này cũng nêu ý kiến nên thiết kế môn lịch sử bậc THPT gồm 2 phần: kiến thức lịch sử (bắt buộc), kiến thức định hướng nghề nghiệp (lựa chọn).
Tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 20.6 để báo cáo kết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội) cũng cho biết, Bộ GD-ĐT thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, nghị quyết của Quốc hội, cũng như tiếp thu các ý kiến của người dân, bố trí phần giáo dục lịch sử bao gồm phần bắt buộc và phần lựa chọn.
Lựa chọn tức là có thiết kế trong chương trình, các nhà trường căn cứ vào điều kiện, tình hình và nhu cầu để bố trí cho học sinh học. Việc bố trí này trong khung thời gian cho phép của năm học, đảm bảo tính khả thi. Trên cơ sở này, ngay năm học 2022 - 2023 tới cũng chưa cần phải điều chỉnh trong sách giáo khoa.
Ông Sơn cũng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn để các nhà trường có thể thực hiện thuận tiện.
> Những trường ngoài công lập nào tại TP.HCM chưa đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10?
> Sách giáo khoa đã bị lãng phí như thế nào?
Theo Báo Thanh Niên