Ủy ban Văn hóa và giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT quy định lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn bắt buộc. Thời gian bắt đầu năm học mới không nhiều, vậy cách nào thực hiện điều này?
Môn lịch sử ở THPT liệu có phải là môn bắt buộc?
Sáng 23.5, trình bày báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp THPT.
Tính đến ngày 5.9 khai giảng năm học 2022-2023 thì còn chưa đến 100 ngày. Trong khi đó, triển khai tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, chọn sách giáo khoa, xây dựng tổ hợp môn trong 3 nhóm môn học lựa chọn… về cơ bản đã hoàn tất theo hướng lịch sử là môn học lựa chọn ở cấp THPT. Nếu lúc này Bộ GD-ĐT chuyển hướng thì các cơ sở giáo dục trong cả nước sẽ bị động.
Vậy làm thế nào bảo đảm mục tiêu giáo dục THPT và tích hợp được ý kiến của cử tri, người dân trong cả nước trong thời gian quá ngắn trừ phi dừng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT vào năm học 2022-2023?
Trước tình hình này, có thể thực hiện các giải pháp sau:
Có đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý bằng cách chỉ đạo lựa chọn (tổ hợp môn trong nhóm môn học lựa chọn) có tính định hướng, tập trung với môn lịch sử. Sách giáo khoa lịch sử được viết theo hướng chuyên sâu đáp ứng mục tiêu phân hóa ở cấp THPT nên nếu theo ý kiến này, cần cắt bỏ một vài chủ đề, chuyên đề hoặc lược bớt một số nội dung gắn với chủ đề, chuyên đề. Các trường làm tốt tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh học sinh, không để xảy ra mâu thuẫn khi học sinh quyết chọn tổ hợp môn không có môn học lịch sử.
Trong 5 môn học và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc, Bộ GD-ĐT cần tập huấn kỹ lưỡng, biên soạn tài liệu hướng dẫn giúp các trường, thầy cô và học trò tích hợp chủ đề, chuyên đề lịch sử vào các môn học, hoạt động bắt buộc.
Thực tế cho thấy, một bộ phận người dân chưa nắm bắt hết vấn đề vì sao môn lịch sử cấp THPT là môn học lựa chọn, một số khác hoài nghi vì những lần cải cách, thay sách không thành công trước đây, những vấn đề nóng của học đường, thi cử… Những vấn đề này chưa được Bộ GD-ĐT giải quyết rốt ráo, hoặc im lặng. Ngay lúc này, Bộ GD-ĐT tập trung làm tốt công tác truyền thông, khi dân biết, dân hiểu thì sẽ tin.
Nguồn lực quan trọng để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - niềm tin - chưa được khai thác, vấp phải sự phản ứng là tất yếu. Bộ GD-ĐT tại sao không tranh thủ giờ vàng trên sóng (phát thanh, truyền hình) quốc gia để trả lời cho dân hiểu.
Kết hợp đồng bộ các giải pháp trên giúp Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục gỡ nút thắt môn lịch sử THPT.
> Những trường ngoài công lập nào tại TP.HCM chưa đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10?
> Sách giáo khoa đã bị lãng phí như thế nào?
Theo Thanh Niên