Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ: Học từ việc nhỏ nhất

Lâu nay trong việc giáo dục trẻ em, chúng ta vẫn nghe thấy nói đến cụm từ “kỹ năng sống”. Thực chất của kỹ năng sống cho trẻ chính là giáo dục cho trẻ những việc hàng ngày để chuẩn bị cho cuộc sống tự lập sau này.

Thực trạng kỹ năng sống của trẻ qua lời tâm sự của một phụ huynh:

“Một hôm ở nhà, tôi nhờ con tôi (học lớp 4) quét nhà. Cháu trả lời tôi rất vô tư: “Ở lớp có bao giờ bọn con phải quét lớp đâu mà ba bắt con quét nhà?”…. Sau đó, tôi có đi hỏi môt số giáo viên xung quanh thì được biết việc trực nhật lớp hàng ngày của các cháu đã bỏ lâu rồi và bây giờ giao cho bác lao công trực luôn.

Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ: Học từ việc nhỏ nhất

Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ: Học từ việc nhỏ nhất

Có thể tôi là người bảo thủ, nhưng tôi xin trình bày ý của bản thân như sau: Việc các cháu tự cầm chổi trực nhật ở lớp rất có ích, vì đó cũng là cách rèn luyện cho các cháu biết tham gia lao động. Các cháu có quét lớp thì mới biết mệt nhọc, biết nhắc nhở các bạn khác không được xả rác lung tung để giữ gìn vệ sinh chung. Khi về nhà các cháu mới biết thương cha mẹ làm việc vất vả, để làm những việc nhỏ một cách tự giác.

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” - Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy thế và điều đó được nhấn mạnh ở một trong 5 điều Bác dạy. Chuyện của tôi có thể nhỏ nhưng tôi tin là không nhỏ vì đây chỉ là thể hiện một thực tế khác lớn hơn hiện nay: trong nhiều gia đình, các cháu nhỏ hầu như không phải làm gì cả, ngoài việc học. Đến trường cũng vậy.

Trong khi chúng ta đang cho rằng phải dạy thế hệ trẻ hôm nay kỹ năng sống. Hoàn toàn đúng, nhưng đừng xem kỹ năng sống là cái gì đó quá cao siêu. Và tôi chỉ xin đề nghị: kỹ năng sống bắt đầu từ nhưng việc nhỏ nhất, gần gũi nhất trong gia đình và trong trường học: quét dọn nhà cửa, lớp, bàn ghế, sân trường”  - (theo báo Giáo dục và Thời đại). Qua lời tâm sự của bậc phụ huynh này, chúng ta không khỏi suy nghĩ. Vậy cần giáo dục kỹ năng sống cho trẻ bắt đầu từ đâu? Xin thưa, phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất.

Giải pháp nào để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ?

  • Trước hết, đừng nên là “ô sin” của con:

Có những bà mẹ khi con ăn xong, lẽ ra phải nhắc con dọn dẹp bát đũa thì đã làm thay con việc ấy. Lâu dần trẻ thành ỉ lại, lười lao động. Cần phải ý thức được cho trẻ rằng mọi nhu cầu cá nhân như tắm giặt, ăn uống, gấp chăn màn, xếp dọn phòng ở của mình phải do các em tự làm. Trẻ phải tự biết phục vụ chăm sóc bản thân. Thậm chí học hỏi ở người giúp việc những công việc bếp núc, nữ công gia chánh hay thu vén sắp xếp trong nhà. Để sau này khi lớn lên, sẽ không gặp khó khăn trong việc tự lập kế hoạch cuộc đời của mình.

Cha mẹ cũng nên quy định rõ những việc nào trẻ cần tự làm (thường là những việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân), bởi những việc này không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của trẻ, mà ngược lại rèn cho các em nhiều kỹ năng, đức tính tốt.

  • Dạy con kỹ năng tự phục vụ bản thân.

Nói thì nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó lại là sự thật. Trẻ em ngày nay hầu như không biết tự phục vụ bản thân trong sinh hoạt đời thường. Mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, mà thường thì bố mẹ ngày xưa đã từng sống vất vả nên muốn cho con sung sướng hơn mình, vì vậy thường thuê người giúp việc. Thế là các em không những không phải làm việc nhà, mà còn không phải làm cả việc tự phục vụ bản thân như giặt giũ, tắm rửa, thậm chí tự xúc cơm ăn...

Thế hệ chúng ta ngày trước đi học về còn phải nấu cơm, trông em, làm các việc vặt, thậm chí còn giúp bố mẹ làm thêm những việc nhỏ để tăng phần nào thu nhập cho gia đình. Tất nhiên các em sẽ nghĩ rằng bây giờ chỉ học và phấn đấu sao cho vào được đại học, còn những việc khác “đã có người giúp việc lo”. Bố mẹ nào đã tạo cho các em suy nghĩ như vậy, thật là sai lầm.

  • Rèn luyện ý thức tự giác lao động

Cần rèn luyện con kỹ năng sống: ý thức tự giác lao động mà trước hết là ý thức giúp đỡ người lớn làm việc nhà. Trẻ cần biết làm các việc vặt như quét nhà, rửa ấm chén, nấu cơm và chế biến một số món đơn giản dễ làm. Cốt sao khi bố mẹ vắng nhà, trẻ có thể tự cơm nước, phục vụ được bản thân. Nên cho trẻ biết rằng học trong sách vở chưa đủ mà còn phải biết “hành”. Muốn vậy phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, mà bước đầu tiên là tự phục vụ mình khi không có người lớn ở bên.

Ngoài ra, bố mẹ cần giáo dục cho con về đường ăn ý ở, cách tiếp khách khi người lớn vắng nhà; cách thưa gửi với người hơn tuổi, cách trả lời điện thoại, cách pha trà, cắm hoa, trang trí nhà cửa…Trẻ cũng cần học cách bảo vệ mình và em nhỏ, người thân, ứng xử thế nào khi có sự cố xảy ra  (như chập điện, cháy nổ, kể cả khi bị bắt nạt…).


Phụ huynh nên dạy con những kỹ năng sống cần thiết nào?

1. Dạy trẻ không ngừng học hỏi và đọc sách

Càng học và đọc sách nhiều, trí tuệ của trẻ sẽ càng phát triển. Chúng sẽ lĩnh hội được nhiều điều, tiếp thu thêm kiến thức.

Có nhiều cách để học và đọc, không chỉ mỗi đọc sách giáo khoa, bạn hãy đưa cho trẻ đọc những cuốn sách liên quan đến tình huống trong đời sống, truyện cổ tích… trẻ sẽ biết được thế nào là những hành vi tích cực và tiêu cực, đúng và sai. Và dĩ nhiên, cha mẹ trước tiên phải là tấm gương để con cái noi theo.

2. Dạy trẻ chơi với bạn bè

Bạn hãy khuyến khích những đứa trẻ của bạn làm việc theo nhóm, đồng đội. Với cách này, trẻ sẽ tập quan sát và cảm nhận những suy nghĩ và cảm xúc của người khác; đồng thời chúng dễ dàng chấp nhận những bất đồng quan điểm.

Có những điều cơ bản mà trẻ sẽ học được trong giao tiếp ứng xử, như là nói “cảm ơn”, “xin lỗi” và phát triển kĩ năng vận động.

3. Dạy trẻ giải quyết bất đồng quan điểm một cách thân thiện

Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những bất đồng quan điểm, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh như hiện nay. Trẻ nên tập đối mặt với những ý tưởng, lối tư duy khác nhau, và học cách đối diện với những điều đó.

Ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm, nhưng bày tỏ nó như thế nào để không xúc phạm hay lấn lướt người khác. Hãy dạy trẻ cách nói ra những gì chúng nghĩ một cách ôn hòa.

Hãy động viên và bảo ban trẻ cân nhắc đến suy nghĩ và cảm nhận của người khác, và tự đặt ra những câu hỏi như “Tại sao” và “Giả như”. Chúng nên dựa trên cơ sở của vấn đề để giải quyết, không nên đứng trên lập luận cá nhân. Điều này sẽ giúp chúng kiểm soát được tính khí và cảm xúc của mình khi giải quyết vấn đề.

4. Dạy trẻ đối mặt với mọi trở ngại trong cuộc sống

Bạn hãy giúp con trẻ nhận ra cách để chúng tự đứng trên đôi chân của mình mà không phụ thuộc vào cha mẹ. Không nên để chúng nghĩ rằng chúng luôn có cha mẹ chăm sóc và bảo vệ.

Một số cha mẹ Việt Nam thường có xu hướng bảo bọc con quá nhiều, và đem đến ngay câu trả lời hoặc giải pháp khi con cần. Đôi khi hãy để trẻ cố gắng một chút, chúng sẽ biết kiên trì hơn.

Trẻ nhỏ khi vấp ngã hay nhìn cha mẹ để xem họ có xuýt xoa vỗ về hay không, và có thể mè nheo làm nũng đôi chút. Nếu cha mẹ “tỉnh bơ” trong trường hợp này, chúng cũng sẽ coi chuyện đó chẳng có gì to tát, và sẽ tự biết đứng lên sau khi ngã.

5. Dạy trẻ xin lỗi và tha thứ khi chúng mắc lỗi lầm

Trẻ nên biết rằng, ai cũng đều mắc phải sai lầm. Vì vậy, chúng nên học cách nhận lỗi và biết tha thứ cho người khác. Không có gì phải xấu hổ khi yêu cầu được tha thứ hay tha thứ cho người khác, mà ngược lại, điều đó thể hiện sự can đảm khi đối mặt với một vấn đề.

Nhiều bậc cha mẹ đánh chửi con khi chúng phạm lỗi. Điều này tàn phá lòng tự trọng và tự tin của trẻ. Vì thế, phụ huynh chỉ nên phê bình việc làm sai, và khẳng định rằng “Bố/mẹ vẫn yêu con, bố/mẹ chỉ không thích hành động/việc làm chưa tốt này thôi.”

6. Dạy trẻ học cách biểu hiện lòng tốt và giúp đỡ những người kém may mắn

Lòng tốt là điều vô cùng quý giá trong cuộc sống này, nó thể hiện ở sự chân thành, quan tâm và giúp đỡ người khác. Lòng tốt sẽ khiến con người xích lại nhau hơn, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Bạn hãy dạy trẻ thể hiện lòng tốt và giúp đỡ người khác, bắt đầu từ những điều nhỏ như giúp cha mẹ việc nhà, trông em, giúp người lớn tuổi những việc nhỏ, tham gia các hoạt động cộng đồng và từ thiện phù hợp với trẻ em.

7. Dạy trẻ suy nghĩ tích cực và tập trung nhiều hơn vào mặt sáng của cuộc sống

Cuộc sống không phải lúc nào cũng là nắng mặt trời hay bảy sắc cầu vồng, nhưng cũng không hoàn toàn là một màu đen tối, ảm đạm. Cuộc sống là sự kết hợp giữa xấu và tốt, do đó quan trọng là nhìn nhận vấn đề như thế nào.

Nên dạy cho trẻ cách suy nghĩ tích cực khi hòa mình vào trong thế giới này. Luôn suy nghĩ tích cực và mỉm cười có thể giúp con bạn trở nên vui vẻ và sống có ý nghĩa hơn.

8. Dạy trẻ bảo vệ môi trường và chăm sóc thú vật

Trẻ con cần biết rằng, con người chỉ có duy nhất một Trái Đất này để sống. Do đó, chúng ta cần bảo vệ và giữ gìn nó. Điều đó có nghĩa là chăm sóc cây xanh, vật nuôi và môi trường thiên nhiên xung quanh là việc cần làm của mỗi người.

Hãy để trẻ tự cho chim ăn, dẫn chó đi dạo hoặc tưới cây; dạy trẻ tiết kiệm nước và tắt điện sau khi dùng xong. Chúng sẽ biết được cách để bảo vệ Trái Đất và môi trường sống nơi chúng ta đang ở.

9. Dạy trẻ tự chăm sóc và giữ bản thân gọn gàng

Bạn hãy dạy kỹ năng sống cho trẻ ngay từ bé cách tự chăm sóc bản thân như đánh răng, mặc áo quần, sắp xếp đồ chơi sau khi chơi xong, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. v.v… Điều đó sẽ giúp chúng kiên nhẫn hơn và có một lối sống lành mạnh, ngăn nắp.

10. Dạy trẻ yêu thương chân thành

Yêu thương là một chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của con người. Bạn hãy dạy trẻ biết yêu thương bản thân và những người khác, cách trao và nhận yêu thương.

Hãy cùng trẻ chuẩn bị quà sinh nhật cho bạn bè, người thân, hay những tấm thiệp Giáng sinh. Hãy trò chuyện để hướng trẻ tới những suy nghĩ tốt đẹp “Con cảm thấy thế nào khi chuẩn bị quà cho bạn?”, “Nếu bạn không thích nó thì con có buồn không?”…

Các bậc cha mẹ cũng có thể dạy trẻ cách bày tỏ sự quan tâm khôngqua giá trị vật chất, có thể là lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với bạn bè… Chúng sẽ học được điều này qua cách cha mẹ thường xuyên trò chuyện và động viên chúng.

Kết luận:

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà còn ở bố mẹ, người thân. Làm sao để trẻ lớn lên trở thành người tự lập, tự chủ trong mọi tình huống. Đó là cái đích mà người lớn chúng ta hướng tới. Muốn vậy phải có sư kết hợp chặt chẽ giữa các môi trường giáo dục mà gia đình, nhà trường và  xã hội phải giữ thế vững chắc của “kiềng ba chân”. Và giáo dục kỹ năng sống không phải là cái gì cao siêu xa vời. Hãy bắt đầu cho các em làm quen với cuộc sống từ những việc nhỏ nhất hàng ngày.

Bài viết theo chủ đề: giáo dục, ky nang song, học kỹ năng sống, đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng sống cho trẻ, giáo dục kỹ năng sống, dạy con kỹ năng sống.