Dạy con chưa bao giờ là việc đơn giản đối với cha mẹ. Đặc biệt là vào giai đoạn tuổi mới lớn khi con trẻ không những lột xác về thể xác mà còn cả tâm trí nữa. Vậy hãy nhớ dạy con về việc tự đưa ra quyết định nhé!
1. Dạy trẻ lập ra bảng so sánh
Đây là một yếu tố quan trọng để dạy con kỹ năng ra quyết định, vì khi đứng trước một quyết định trẻ thường không biết cách để quyết định đúng, những lúc như thế cha mẹ nên giúp con mình cách viết ra một bảng so sánh: có lợi và bất lợi.
Khi trẻ viết ra như thế, não bộ của trẻ sẽ nhạy bén hơn, biết cách suy nghĩ và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của quyết định sắp tới của mình. Nhưng cha mẹ cũng nên dạy con biết cách cân đối, không phải nếu như có lợi nhiều thì quyết định theo hướng đấy, phải dạy trẻ biết thêm rằng nếu “chuyện có lợi nhiều nhưng không quan trọng” thì cũng nên biết cân nhắc đến quyết định theo chiều hướng “chuyện bất lợi ít nhưng lại quan trọng”.
Ví dụ như trẻ muốn chuyển trường học, không muốn học ở trường cũ nữa. Sau khi tìm ra được nguyên nhân trẻ muốn như thế, cha mẹ nên cho trẻ lập ra một bảng với 2 cột: Có lợi khi chuyển lớp và Bất lợi khi chuyển lớp. Để trẻ có thể ngồi xuống suy nghĩ, so sánh được những điều khó khăn mình sắp đối mặt khi chuyển trường là như thế nào.
Bên cạnh đó cha mẹ cũng nên ở cạnh để góp ý cho trẻ, nhưng nhớ là góp ý một cách khách quan nhất. Cha mẹ hãy cùng Mẹ và Con ghi nhớ rằng, việc để con mình tự nhìn nhận và đưa ra hướng giải quyết chính là một phương pháp dạy con thông minh đấy.
Phương pháp dạy con tự đưa ra quyết định
2. Dạy trẻ biết cách nghĩ đến hậu quả
Sau khi lập ra bảng so sánh và trẻ đã có được quyết định của mình. Cha mẹ nên hỏi chúng rằng “Nếu con làm như thế thì chuyện gì sẽ xảy ra?”, “Chuyện con sắp làm có ảnh hưởng đến ai không?”, “Nó có thật sự quan trọng với con?”
Để trước khi quyết định chuyện gì đó, trẻ sẽ biết cách suy nghĩ xa và sâu hơn về vấn đề của mình, tập cho trẻ có thói quen tư duy một cách thấu đáo và kỹ càng hơn, để trẻ có thể đưa ra một quyết định đúng cho mình.
3. Dạy trẻ biết cách theo đuổi hoặc chuyển hướng quyết định
Nên dạy trẻ làm sao để phân biệt được quyết định mà trẻ đưa ra phải là một quyết định nghiêm túc nhất? Trong trường hợp này, chúng ta cần phải hỏi trẻ rằng “Đây là quyết định tạm thời hay là quyết định duy nhất của con?”.
Sau đó, cha mẹ nên giúp trẻ cũng như tập cho trẻ thói quen đưa ra những phương án dự phòng, nếu như quyết định đó có tầm ảnh hưởng lớn đối với trẻ. Dạy trẻ biết cách chọn một phương án an toàn cho mình, nhưng không nên khuyến khích trẻ làm theo những điều cha mẹ thích, phải cho trẻ tự quyết định được sự việc của mình như thế nào là tốt nhất.
4. Dạy con biết chịu trách nhiệm với quyết định của mình
Đây cũng chính là mấu chốt của mọi vấn đề. Dù sau cùng quyết định ấy không dẫn đến mong muốn tốt nhất, thì cha mẹ cũng nên dạy con mình biết chịu trách nhiệm với tất cả quyết định của mình, không dạy con cách nói dối hay trốn chạy.
Bạn nên nói với trẻ rằng “Sau khi mọi chuyện xảy ra thì cha/mẹ vẫn còn ở đây và ủng hộ con”, để trẻ có thể tự tin hơn, khuyên trẻ rằng đó là một bài học để trẻ có thể rút được kinh nghiệm cho bản thân mình, giúp chúng có thể hoàn thiện được chính mình.
Tâm sinh lý của trẻ đối với việc tự quyết định một vấn đề nào đấy sẽ tạo nên một nguồn cảm hứng rất tích cực, khiến chúng cảm thấy mình dần chín chắn và sẽ quan tâm hơn đến những vấn đề gặp phải hằng ngày dù nhỏ nhất. Việc tập những thói quen ở trên sẽ khiến trẻ trở nên điềm tĩnh, tự tin hơn khi đối mặt với những vấn đề.
5. Hãy để trẻ thoải mái và tự làm chủ
Bản thân người lớn khi đứng trước một quyết định cũng luôn xem xét một cách kỹ lưỡng mọi khả năng có thể xảy ra và thường cân nhắc thật kỹ rồi mới đưa ra một chọn lựa nào đó. Bởi vậy, không có lý do gì mà cha mẹ không khuyến khích trẻ thực hiện giống như vậy, nghĩa là suy nghĩ cẩn thận về ảnh hưởng của những quyết định mà mình đưa ra.
Cha mẹ hãy thảo luận với trẻ để biết được tại sao trẻ lại chọn cái này mà không chọn cái kia. Cha mẹ nên cởi mở, thẳng thắn chia sẻ để trẻ dễ dàng bộc lộ quan điểm, vì nếu không, trẻ sẽ nghĩ là chúng ta đang phê phán những quyết định của trẻ.
Trò chuyện thoải mái cũng là một hình thức trao đổi kinh nghiệm trực tiếp sẽ giúp trẻ biết cách đánh giá kỹ trước những chọn lựa. Quá trình này cần được thực hiện xuyên suốt trong tất cả các trường hợp phải đưa ra quyết định.
> TOP 10 cách dạy con quản lý thời gian hiệu quả
> Mách bố mẹ 6 cách từ chối để trẻ không cảm thấy khó chịu
Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp