Mỗi đứa trẻ là mầm chồi cần được uốn nắn và dạy dỗ cẩn thận để hình thành nên thế giới quan đúng đắn. Giáo dục về tính cách và kỹ năng chính là những bước nền tảng quan trọng của mỗi đứa trẻ để chúng trưởng thành. Và một trong những đức tính ấy thì trách nhiệm là một đức tính mà mỗi cha mẹ cần thiết phải giáo cho con trẻ.
1. Khuyến khích trẻ biết tự lập từ nhỏ
Cha mẹ không nên giành hết mọi việc mà trẻ có thể tự mình làm được. Khi con còn nhỏ hãy khuyến khích con biết tự rửa tay, rửa mặt trước khi ăn, tự chuẩn bị áo quần, sách vở để đi học, tự dọn giường ngủ, thu dọn góc học tập, đồ chơi gọn gàng. Trẻ phải làm các việc đó một cách tự nguyện và hiệu quả. Từ đó, trẻ mới hình thành được tinh thần trách nhiệm cho những việc lớn sau này.
2. Hãy để con giúp bạn
Theo Parenting, đừng cằn nhằn nếu con làm các công việc chưa thật sự hoàn chỉnh. Nụ cười và những gợi ý nhờ vả con giúp đỡ có tác dụng giúp con cảm thấy mình có giá trị. Ngoài ra, thông qua cách làm việc theo nhóm, con sẽ nhận được một bài học quý giá mà một ngày nào đó khi con ra thế giới bên ngoài, con sẽ có được khả năng sắp xếp công việc với đồng nghiệp một cách hợp lý.
3. Chỉ con biết thế nào là có trách nhiệm
Trước tiên, cha mẹ hãy chứng minh cho con thấy làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ nhỏ. Chẳng hạn, nếu con trai bạn muốn ăn vặt, hãy hỏi con xem quả táo đó lấy từ đâu ra và trước khi ăn cần phải rửa sạch, hoặc con gái bạn có thói quen luôn ném quần áo bẩn trên sàn, hãy làm một bảng thông báo gắn trong phòng con và yêu cầu những công việc mà bạn mong đợi con hoàn thành.
Phương pháp dạy con sống có trách nhiệm
4. Cha mẹ hãy làm gương
Một điều quan trọng khi dạy về trách nhiệm cho trẻ em là chính cha mẹ phải làm gương cho con về việc biết chịu trách nhiệm trước mọi việc. Không bao giờ dạy trẻ những điều mà chính cha mẹ lại không thực hiện được. Ngoài ra, bố mẹ sẽ không thể dạy một đứa trẻ dám chịu trách nhiệm khi nó biết rằng hình phạt cho người không hoàn thành sẽ rất kinh khủng. Đánh con, mắng con, dọa nạt... khi con không hoàn thành công việc chỉ khiến đứa trẻ càng trở nên sợ hãi. Vì vậy trẻ sẽ gian dối, tìm mọi cách chối bỏ trách nhiệm.
5. Khen ngợi
Trẻ em rất thích giúp đỡ người khác, nhưng chúng lại không hào hứng với những công việc nhàm chán. Vì thế, cha mẹ phải tìm cách duy trì những cảm xúc tích cực ở trẻ bằng cách đưa ra những lời khen ngợi cụ thể cho những hành động của con.
6. Không giao việc quá sức với trẻ
Trẻ sẽ thích thú và tích cực hơn trong việc sống và làm việc có trách nhiệm nếu như những yêu cầu của người lớn phù hợp và không làm trẻ cảm thấy đuối sức hay chán nản. Vì vậy, khi giao công việc cho trẻ, cần chú ý không giao những việc vượt quá khả năng của trẻ. Nếu cần, bố mẹ có thể chia nhỏ những công việc lớn thành những việc nhỏ và hướng dẫn trẻ từng cách làm cụ thể.
7. Giải thích cho con hiểu giá trị của trách nhiệm
Đứa trẻ sẽ không hiểu trách nhiệm là gì và nếu sống không trách nhiệm sẽ có những hệ lụy gì, vì thế trước khi muốn con sống có trách nhiệm phải giải thích cho con hiểu trách nhiệm là gì? Sống có trách nhiệm mang lại điều gì và ngược lại. Khi trẻ hiểu được giá trị của việc sống có trách nhiệm bé sẽ dễ dàng làm theo một cách tự nguyện.
> Cách người Nhật giáo dục con khiến thế giới ngưỡng mộ
> Cách người Nhật phạt con mà các bậc phụ huynh nên suy ngẫm
Theo Báo Thanh Niên