Học sinh không khỏi bỡ ngỡ khi bắt đầu học chương trình lớp 1 mới. Khi đó, sự đồng hành của phụ huynh và giáo viên là vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển này của trẻ. Đặc biệt là khi chương trình lớp 1 mới được triển khai.
1. Cần dạy trẻ thế nào với chương trình lớp 1 mới?
1.1 Dành thời gian đồng hành, chia sẻ với con
Là giáo viên (GV) dạy lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm nay, cô Vũ Thị Thương, Trường tiểu học Ngô Quyền (Q.Bình Tân, TP.HCM), thừa nhận chương trình lớp 1 năm nay khá khó, nhiều học sinh (HS) sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận bài vở.
“Mọi năm HS có thể tự hoàn thành tốt chương trình nhưng năm nay thì cần lắm đến sự hỗ trợ của phụ huynh. Chương trình năm nay ngay từ đầu đã có những yêu cầu bài rất dài, lượng chữ nhiều trong khi bé lại chưa biết mặt chữ. Trên lớp, GV phải hỗ trợ đọc và phân tích đề bài thì các em mới làm được. Nếu ở nhà phụ huynh không đọc, sẽ không hiểu được yêu cầu của bài”, cô Thương chia sẻ.
Phụ huynh thật sự cần thiết theo sát con, đặc biệt là trong thời điểm đầu của lớp 1, đừng giao hết cho giáo viên với quan niệm con chỉ cần học ở trường là đủ. Sự đồng hành của phụ huynh như là một điểm tựa để con có thể chia sẻ những vấn đề, khó khăn mà con gặp phải khi đi học
Ngoài ra, GV sau khi dạy xong bài học cũng phải nhắc nhở HS về nhà xem lại bài để các em dễ nhớ. Mỗi lớp, GV đều có liên lạc với phụ huynh theo nhóm, phụ huynh có thể dựa trên những dặn dò của GV để hỗ trợ cho con trong việc học.
Phụ huynh thật sự cần thiết theo sát con, đặc biệt là trong thời điểm đầu của lớp 1, đừng giao hết cho giáo viên với quan niệm con chỉ cần học ở trường là đủ
“Không cần nhiều đâu, mỗi buổi tối phụ huynh dành cho con khoảng 1 tiếng để cùng học bài. Ví dụ, cùng trò chuyện, thảo luận với con về một bức tranh, bài học trong chương trình. Hỏi xem trên lớp hôm nay con học được những gì, lúc đó tự động bé sẽ chia sẻ và khoe các bài mới được học, nếu thấy con còn đọc sai thì mẹ có thể giúp con chỉnh lại”, cô Thương nhắn nhủ.
“Chưa kể, việc phụ huynh thường xuyên chăm chú lắng nghe, chia sẻ với con cũng dễ tạo được hứng thú cho trẻ. Các em sẽ tập trung lắng nghe trên lớp để đem bài học của mình về kể lại cho cha mẹ”, nữ GV này nói thêm.
Cũng theo cô Thương, với HS bán trú thì vở bài tập, sách giáo khoa đều để lại ở trường, cuối tuần mới mang về một lần. Phụ huynh cuối tuần nên dành thời gian kiểm tra bài vở cũng như quá trình học tập của con để nhắc nhở, hỗ trợ thêm, dù bài vở đã được GV chấm, sửa tại lớp nhưng các bé còn nhỏ rất nhanh quên.
Lớp có tới 50 HS, nhưng cô Thương cho biết: “Sau một học kỳ hầu hết các em đã đọc trơn và làm toán tốt, chỉ còn 1 - 2 bé còn chậm. Phụ huynh vì vậy không nên quá lo lắng với chương trình học, chỉ cần dành thời gian đồng hành chia sẻ cùng con là được”.
1.2 Tuyệt đối không gây áp lực cho trẻ
Tương tự, cô Bùi Thị Tuyết Trinh, GV lớp 1 Trường tiểu học ICS (Q.2, TP.HCM), cũng nhấn mạnh vai trò của phụ huynh trong việc đồng hành với con.
Cô Trinh cho rằng, trước khi trẻ vào lớp 1 phụ huynh không nên cho con học trước chương trìnhnhưng cũng cần phải có một bước chuẩn bị, không chỉ về tâm lý và còn cả những kỹ năng cần thiết như kỹ năng ngôn ngữ, toán học, khả năng tập trung như có thể cho con ngồi vẽ, tô màu hay làm việc gì đó liên tục trong 10 - 25 phút…
1.3 Cha mẹ nên phát âm đúng khi nói chuyện với con
Theo cô Trinh, chương trình học lớp 1 cũng khá nặng ở phần chính tả. Qua học kỳ 2, HS bắt đầu tập viết đúng chính tả. Thường em nào phát âm sai thì sẽ viết sai, do vậy khi nói chuyện với con, cha mẹ nên phát âm đúng, tránh dùng phương ngữ. Ví dụ, khi nghe mẹ nói “mái bai” thì trẻ sẽ quen và nhập tâm với từ này, khi viết chính tả, con vì thế cũng sẽ viết “mái bai” thay vì “máy bay”. Những bé nào được cha mẹ đọc sách, kể chuyện thường xuyên thì khả năng học tiếng Việt của các em tốt hơn, vốn từ phong phú, kỹ năng nghe nói và viết vì thế cũng tốt hơn...
Theo cô Trinh, cha mẹ có thể cho con chơi những trò chơi về đánh vần, ghép số... để trẻ có khả năng cảm âm, khi vào học con sẽ dễ dàng tiếp nhận chương trình hơn. Còn nếu để con vào lớp 1 mà con chưa biết gì thì trẻ sẽ mất 1 - 2 tháng đầu để thích nghi, điều này dễ khiến HS cảm thấy việc học nặng nề, khó khăn. Còn về kỹ năng tập viết, nếu phụ huynh biết cách cầm bút đúng thì nên hướng dẫn cho con, còn không thì để khi vào lớp 1 con sẽ được hướng dẫn. Tránh tình trạng để trẻ quen với việc cầm bút sai, GV sau đó sẽ rất khó sửa lại.
Phần lớn các GV cho rằng khi con bắt đầu học lớp 1, phụ huynh nên dành thời gian cùng con học hằng ngày vì giai đoạn đầu trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi trẻ học theo chương trình mới sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Khi theo dõi quá trình học của con, phụ huynh sẽ biết được con có theo kịp chương trình hay không, gặp khó khăn chỗ nào để hướng dẫn thêm, nhưng tuyệt đối không gây áp lực cho trẻ.
“Phụ huynh thật sự cần thiết theo sát con, đặc biệt là trong thời điểm đầu của lớp 1, đừng giao hết cho GV với quan niệm con chỉ cần học ở trường là đủ. Sự đồng hành của phụ huynh như là một điểm tựa để con có thể chia sẻ những vấn đề, khó khăn mà con gặp phải khi đi học”, cô Trinh nhấn mạnh.
Cha mẹ có thể cho con chơi những trò chơi về đánh vần, ghép số... để trẻ có khả năng cảm âm, khi vào học con sẽ dễ dàng tiếp nhận chương trình hơn
2. Những thực trạng xoay quanh chương trình lớp 1 mới
2.1 Nửa lớp nắm được chương trình
Cô M.Hoài (giáo viên lớp 1 một trường tiểu học ở Q.5, TP.HCM) chia sẻ:
“Tôi đang dạy lớp 1 có 33 học sinh. Những buổi đầu, khoảng nửa lớp nắm được chương trình lớp 1 mới. Trong khi đây là lớp tiếng Anh tích hợp, nhiều phụ huynh đã cho con học chữ trước.
Ở môn tiếng Việt, đầu tiên vỡ lòng các em phải được viết các nét móc trên, móc dưới, nét thẳng. Đằng này nhập môn là các em viết luôn chữ "a", "b". Thời gian chỉ có 35 phút không đủ để tiếp thu, chưa kể những hôm học 3-4 vần trong một tiết.
Ở chương trình cũ, sáng học nội dung chính, chiều học hai tiết toán, hai tiết tiếng Việt bổ sung. Nghĩa là khoảng thời gian này giáo viên dạy thêm, kèm thêm cho các em buổi sáng chưa nắm kịp bài.
Còn với chương trình sáng tạo mới, buổi chiều là tiết hoạt động trải nghiệm. Nhiều kiến thức nhưng thời gian ít, chương trình nặng thì giáo viên có giỏi mức nào cũng rất khó xoay xở để các em theo kịp một cách tương đối.
Ngoài ra, môn tiếng Việt những tuần đầu đã có tiết đọc. Học trò viết không xong, đọc chưa rành nhưng tiếp đến là phần chính tả vừa có chữ vừa có số. Hơn 20 em khi viết số 1 tôi phải dùng bút đỏ chấm nét mô phỏng trước sau đó các em viết đậm ở hàng bên.
Còn bộ thực hành tiếng Việt, tôi nhận thấy thiết kế chưa ổn. Chẳng hạn ghép chữ "bà", học sinh lấy chữ "b" ghép với chữ "a". Thao tác này các em làm được, nhưng khi ghép thanh huyền vào các em... ú ớ vì thanh điệu bị rời rạc.
Các môn tự nhiên xã hội, đạo đức thì giáo viên thấy ổn, vừa phải. Môn toán cũng khá vừa sức, nhẹ nhàng, giảm tải, bỏ luôn phần nội dung giải toán bằng lời văn với học sinh lớp 1.”
2.2 Giáo viên phải đổi mới phương pháp
Theo chia sẻ từ cô Trần Thị Xuân (giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An): “Tôi cho rằng lo lắng của phụ huynh về chương trình học của khối lớp 1 tăng nặng là có thật, bởi chương trình cũ đã tồn tại 20 năm, phụ huynh cảm thấy quen thuộc.
So với những năm học trước, tôi thấy nội dung chương trình lớp 1 mới không quá khó, mà có tính toàn diện và theo đúng định hướng phát triển năng lực học sinh.
Chương trình học năm nay yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy, hướng học sinh việc nhận biết và tăng tính tương tác với nhau thông qua các hoạt động tập thể, trải nghiệm.
Phần luyện chữ của học sinh do luyện các nét ít hơn nên một vài tuần đầu gặp khó khăn khi học sinh phải viết đúng ô li, đúng cỡ chữ. Lúc dạy học, chúng tôi nhắc thêm, điều chỉnh để các em đọc được, hiểu được nghĩa của từ mới đó.
Ở môn toán, năm trước kiểm tra có bốn mức độ, năm nay có ba mức độ đỡ áp lực cho học sinh hơn. Ở bộ sách mới, kênh hình quá nổi bật, kênh chữ hơi nhỏ khiến học sinh nhiều lúc chỉ chú ý đến kênh hình mà "quên mất" kênh chữ.
Hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục hoàn toàn mới, hấp dẫn học sinh nhất. Với thiết kế 3 tiết/tuần, ở môn hoạt động trải nghiệm học sinh có dịp được tham quan để hiểu về trường, xem video giới thiệu và hoạt động theo chủ đề từng tuần. Tôi nhận thấy đây là môn học mới mẻ và khiến các em hào hứng, thích thú nhất.”
2.3 Chưa quen đổi mới sẽ áp lực
Cô Nguyễn Thị Lương (Trường tiểu học Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) chia sẻ:
“Chương trình mới nặng hơn chương trình cũ nếu đề cập đến đầu ra sau khi học lớp 1. Cụ thể, xong lớp 1 thì học sinh phải đọc thông thạo và với tốc độ 80-120 tiếng/phút. Viết thì chính tả nghe - viết, không nhìn chép nữa. Các văn bản đọc cũng rất dài. Đó là cái nặng.
Nhưng cũng chừng đó âm chữ tiếng Việt, các em nhớ tốt thì đọc tốt. Vấn đề ở đây là phương pháp giáo viên dạy phải thay đổi sao cho rèn kỹ năng rất nhiều. Học âm từ ghép tiếng, biết tiếng này sẽ liên hệ đến tiếng kia. Mục đích rèn các em tự phán đoán, tự phát huy năng lực tích cực.
Tinh thần hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cho hướng mở. Tùy theo tình hình thực tế, giáo viên có thể giảm số tiếng từ trong bài và dạy vào các tiết ôn luyện buổi chiều nếu bài khó học sinh tải không hết.
Chương trình đổi mới mà giáo viên, phụ huynh chưa đổi mới cách nghĩ sẽ tạo nên áp lực, và từ áp lực đó dẫn đến làn sóng than thở, chứ chưa thực sự tìm giải pháp.
Học sinh lớp 1 mới vào học thì sao biết đọc tốt, viết đẹp được. Cô giáo nhận xét viết yếu, viết chưa đúng ô li thì đúng là vậy, nhưng cô quên mất giờ con mới bắt đầu học.”
"Chương trình đổi mới mà giáo viên, phụ huynh chưa đổi mới cách nghĩ sẽ tạo nên áp lực, và từ áp lực đó dẫn đến làn sóng than thở, chứ chưa thực sự tìm giải pháp" - Theo cô Lương chia sẻ
> Đổi mới dạy và học Sử đang diễn ra như thế nào?
> Phụ huynh nghèo lao đao vì gánh nặng học phí
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp