Các chuyên gia cho rằng, những người làm cha mẹ dễ dãi - tức cho con thích làm gì thì làm, ít kỷ luật, ranh giới - thực sự đang làm hại con.
Cha mẹ có nên dạy con theo cách ít kỷ luật, để cho con 'Tự Do'?
Theo Stephen Glicksman, Phó giáo sư tâm lý tại Đại học Yeshiva (Mỹ), trong nuôi dạy con, điều quan trọng là phải "cho phép" con được lựa chọn, vạch ra con đường và để con tự học hỏi từ những sai lầm. Tuy nhiên các bậc cha mẹ dễ dãi bắt con "chịu trách nhiệm" về sự phát triển của chính mình mà không tạo lập bất cứ cơ sở nào an toàn để con bắt đầu hoặc trở về khi chúng cần hỗ trợ.
Bề ngoài, cha mẹ dễ dãi có mối quan hệ tốt với con cái. Trẻ em được phép làm những gì chúng muốn và cha mẹ thường thuận theo ý muốn của trẻ. Những bậc cha mẹ dễ dãi rất ấm áp và yêu thương con cái. Việc nuôi dạy con cái dễ dãi có vẻ bắt nguồn từ tình yêu thương và sự thấu hiểu, nhưng Glicksman cho biết không phải lúc nào cũng vậy.
"Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn những gì tốt nhất cho con, nhưng tôi nghĩ rằng đôi khi mọi người chọn phong cách nuôi dạy con cái dễ dãi vì họ sợ - sợ con mình không hạnh phúc hoặc sợ con không phải là 'bạn' của mình", ông nói.
Các bậc cha mẹ dễ dãi có thể để con cái tự do chọn giờ đi ngủ hoặc bữa ăn nhẹ mà không đòi hỏi phải đúng giờ, không có thưởng, có phạt. Thường thì điều này có ý tốt, nhưng nó không giúp ích gì cho trẻ. Theo Glicksman, cha mẹ không nhất thiết phải là "bạn" với con. "Bạn bày tỏ tình yêu thương bằng cách tôn trọng sở thích và ý kiến của con nhưng cũng cần ranh giới rõ ràng thì sẽ giúp trẻ hạnh phúc hơn về lâu dài", ông nói.
Nghiên cứu của Glicksman cho thấy rằng những đứa trẻ có cha mẹ dễ dãi có thể cảm thấy hạnh phúc và tích cực khi còn nhỏ nhưng dễ bị phụ thuộc và thiếu các kỹ năng xã hội khi lớn lên. "Vì được cho nhiều tự do khi còn nhỏ, trẻ đã học được rằng tính cách thời thơ ấu của họ đã đủ và cuối cùng trở thành những 'gà cưng'", chuyên gia nói.
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thiết lập ranh giới và đặt kỳ vọng với con. Các chuyên gia khuyến nghị nên hướng tới một phong cách nuôi dạy con uy quyền hơn. Có 3 cách giúp bạn:
- Hãy bắt đầu bằng cách nói "có" và "không" thường xuyên hơn, đồng thời giải thích lý do tại sao bạn nói vậy với con ứng với từng tình huống cụ thể. "Mục tiêu là nói 'có' đủ thường xuyên để con học được một khi bạn nói 'không' là chính đáng", Glicksman bật mí.
- Lập danh sách các kỳ vọng và công việc gia đình, tùy thuộc vào độ tuổi của con bạn. Ví dụ thời gian sử dụng thiết bị bằng việc quét nhà, rửa cốc chén.
- Bắt đầu nói "không" nhiều hơn và kiên trì với câu này. Glicksman nói rằng việc điều chỉnh có thể khó khăn đối với những đứa trẻ chưa từng có ranh giới. Chúng có khả năng sẽ phản ứng, nhưng nếu một khi kiên trì thì lâu dài sẽ tốt hơn cho cả con, cả bạn.
Theo VnExpress