Vào đại học top đầu thế giới là mơ ước của nhiều thế hệ du học sinh chẳng hạn như Harvard, Standford hay Princeton. Những trường đại học ấy có bề dày lịch sử ra sao và có tỷ lệ chọi như thế nào? Hãy cùng Kênh tuyển sinh điểm qua những trường đại học khó vào nhất thế giới ấy nhé.
1. Đại học Harvard
Nếu tìm một ngôi trường là “cái nôi” đào tạo ra những con người tiếng tăm nhất thế giới thì phải nhắc đến ĐH Harvard đầu tiên với 8 Tổng thống Mỹ, 150 sinh viên, giảng viên và nhân viên Harvard được trao giải Nobel, đứng thứ hai trong danh sách những trường đào tạo nhiều tỷ phú nhất (do hãng nghiên cứu tài sản Wealth - X và Ngân hàng UBS bình chọn).
Đại học Harvard là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ, là thành viên của Liên đoàn Ivy League - nhóm “Các trường đại học xuất chúng nhất nước Mỹ”.
Với các khóa học cùng cơ sở hạ tầng tuyệt vời, Harvard trở thành một trong những đại học danh tiếng nhất thế giới. Đây cũng là một trong những nơi khó ghi danh nhất với tỷ lệ trúng tuyển vô cùng thấp: 5,4%.
Những trường đại học khó vào nhất trên thế giới
2. Viện Công nghệ California
Viện Công nghệ California được biết đến là một trong những viện kỹ thuật hàng đầu của Mỹ. Nằm ở Pasadena, California, ngôi trường này được thành lập năm 1891 và đã đặt nền móng cho nhiều dự án mang tính cách mạng như Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA.
Viện Công nghệ California tập trung vào các khóa học liên quan đến kỹ thuật và khoa học ứng dụng, là trường đại học thu hút các thần đồng từ khắp nơi trên thế giới. Tỷ lệ trúng tuyển khá khiêm tốn, với 6.800 thí sinh nhưng chỉ có 235 suất, chiếm 8% (năm 2015). Phần lớn sinh viên của trường đều là những người đứng đầu trong các lớp học hay các kỳ thi thời phổ thông.
3. Đại học Stanford
Đại học Stanford hay còn gọi là Đại học Leland Stanford Junior toạ lạc tại trung tâm của thung lũng Silicon, được đánh giá là "trường đại học mơ ước" ở Mỹ. Đây là “lò” đào tạo ra 30 tỷ phú, 17 phi hành gia và 60 người đoạt giải Nobel thế giới.
Tỷ lệ trúng tuyển của trường trung bình khoảng 4.8%. Năm 2015, trong 43.997 hồ sơ mà chỉ chọn ra 2.114 người, khiến ngôi trường trở thành trường đại học khó vào nhất trên thế giới.
4. Viện Công nghệ Massachusetts
Học tập, nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) gần như là mơ ước của mọi kỹ sư. Ngôi trường nằm tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ, chuyên đào tạo về các lĩnh vực khoa học ứng dụng. Ngày nay, MIT bao gồm nhiều khoa học thuật khác nhau như kinh tế, ngôn ngữ học và quản lý. Viện đại học này có 85 người đạt giải Nobel, 52 người nhận Huân chương Khoa học Quốc gia (National Medal of Science) và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là tài chính và kinh tế.
MIT là một trong những cơ sở giáo dục bậc cao có tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên khắt khe nhất. Tỷ lệ chấp nhận là 7.9% (năm 2015), tương đương 19.020 chỉ chọn lấy 1.511 người.
5. Đại học Princeton
Đại học Princeton là một trường tư thục nằm ở Princeton, NewJersey, là 1 trong 8 trường của hệ thống giáo dục Ivy League và là đại học lâu đời thứ 4 ở Mỹ, được thành lập vào năm 1746. Princeton đào tạo các khóa học về khoa học nhân văn, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Ngôi trường này luôn đứng trong top những trường đại học hàng đầu của Mỹ với rất nhiều cựu sinh viên hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong Thượng viện, Quốc hội, Tòa án Tối cao của Mỹ.
Tỷ lệ trúng tuyển rất thấp với 6,5%, 1.911 sinh viên trong tổng số 29.303 đơn xin xét tuyển vào năm 2015.
6. Đại học Yale
Đại học Yale là một trong những trường đại học lâu đời nhất ở Mỹ và là 1 trong 10 trường hàng đầu trên thế giới. Được thành lập vào năm 1701, thuộc hệ thống các trường Ivy League và là nơi đầu tiên đào tạo tiến sĩ tại Mỹ. Đại học Yale cung cấp hơn 2.000 khóa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nổi tiếng nhất là Luật và Y khoa.
Ngôi trường cũng đào tạo ra rất nhiều nhà ngoại giao, nhà khoa học và học giả. Đây cũng là trường có tỉ lệ tân sinh viên được chấp nhận vô cùng thấp, chỉ 6,3%.
7. Đại học Pennsylvania
Đại học Pennsylvania (Upenn) là 1 trong những trường thuộc hệ thống Ivy League, được thành lập vào năm 1740. Upenn là ngôi trường đầu tiên đào tạo về y học (Trường Y khoa Perelman) và kinh doanh (Trường kinh doanh Wharton). Đây cũng là cái nôi đào tạo các nhà ngoại giao và CEO có tiếng.
Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi nó là một trong những trường học đáng mơ ước và khó khăn nhất để trúng tuyển với và tỷ lệ 9,4%.
8. Học viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh)
Học viện Kinh tế và Chính trị London (London School of Economics and Political Science – LSE) là cơ sở đào tạo nghiên cứu khoa học xã hội hàng đầu trên thế giới. Ra đời vào năm 1895, tới nay, với 25 khoa học, chất lượng học thuật của LSE đã được công nhận trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo đánh giá chất lượng nghiên cứu quốc gia gần đây nhất, LSE hiện dẫn đầu các trường Đại học của Vương quốc Anh về tỷ lệ các công trình nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.
Nơi đây là cái nôi đào tạo của nhiều nhà lãnh đạo, tư tưởng hàng đầu – những người có ảnh hưởng lớn trong việc hoạch định chính sách của thế giới. Cơ hội trở thành một sinh viên của LSE là 8,9%.
9. Trường Juilliard
Nằm ở thành phố NewYork, Mỹ. Juilliard có lẽ là ngôi trường biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới. Trường cung cấp các khóa học về nghệ thuật biểu diễn ở lĩnh vực kịch, âm nhạc và khiêu vũ. Các diễn viên như Viola Davis, Robin Williams, Kevin Spacey đều là cựu sinh viên của trường. Tỷ lệ trúng tuyển vào trường Juilliard là 6% ít ỏi.
10. Học viện Công nghệ Ấn Độ
Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) là cơ sở giáo dục công lập và hiện tại có 23 trường thành viên trên khắp Ấn Độ. Trong số đó, một số trường thành viên như IIT Delhi và IIT Mumbai đẳng cấp quốc tế liên tục lọt vào top trường hàng đầu thế giới. Nơi đây cung cấp các khóa học về Kỹ thuật và Quản lý cũng như Vật lý, Toán và Hóa học.
Kỳ thi kiểm tra đầu vào tại IIT được đánh giá là một trong những kỳ tuyển sinh khó khăn nhất trên thế giới với hơn 110.000 thí sinh cạnh tranh cho khoảng 11.000 suất trúng tuyển.
> Có phải chỉ “nhà giàu” và “học giỏi” thì mới đi du học được?
Theo Mega Study