Gần đây, về đóng góp ý kiến cho việc phát triển trường đại học thành đại học và đại học quốc gia thì có câu hỏi được đặt ra liệu trường tư có thể trở thành đại học quốc gia được không?
Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế cho nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được ban hành trước đó.
Để có cơ sở hoàn thiện dự thảo này, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 46/2017 và Nghị định 135/2018 của Chính phủ tại Trường đại học (ĐH) Luật TP.HCM chiều 13.6. Góp ý cho dự thảo nghị định, đại diện các trường ĐH tham dự hội thảo đều cho rằng các nội dung dự thảo đã kế thừa các nghị định trước đó và điều chỉnh được những khó khăn, vướng mắc từ nghị định cũ.
1. Có cần thêm ĐH quốc gia ?
Một trong các vấn đề được nêu lấy ý kiến trong hội thảo liên quan đến việc thành lập ĐH quốc gia, chuyển từ ĐH vùng thành ĐH quốc gia. Trước câu hỏi có nên thành lập thêm ĐH quốc gia, PGS-TS Trần Trung Tính, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nêu quan điểm: “Theo tôi là cần. Cần phải xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và điều kiện để các cơ sở giáo dục ĐH công lập phấn đấu thành ĐH quốc gia. Căn cứ vào quy chế tổ chức hoạt động của ĐH quốc gia, cơ sở nào đủ điều kiện thì làm thủ tục một cách công bằng”. Phó hiệu trưởng này cho rằng trường đủ điều kiện thì phấn đấu, còn không thì tiếp tục phát triển. Không nên cho phép nợ tiêu chí, tiêu chuẩn để phát triển một giai đoạn nào đó.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thì khẳng định không nên có chủ trương thành lập ĐH quốc gia mới. Ông Hùng phân tích trên thế giới có những nước lớn nhưng chỉ có 1 ĐH quốc gia. Hiện Việt Nam đã có 2 ĐH quốc gia rồi thì không nên thành lập mới thêm. “ĐH quốc gia không chỉ cần danh tiếng mà còn đa ngành đa lĩnh vực”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trường đại học tư có thể thành đại học quốc gia được không?
Về việc chuyển từ trường ĐH thành ĐH theo quy định của luật Giáo dục ĐH, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết khi đủ điều kiện thì có thể thực hiện. Tuy nhiên, khi trường ĐH phát triển thành ĐH thì nên là những trường đa ngành, không nên từ một trường đào tạo ngành hẹp trở thành ĐH.
Còn PGS-TS Trần Trung Tính cho rằng Nghị định 99 đã quy định rất rõ. Các trường đủ điều kiện thì làm đề án trình bộ hoặc cơ quan chủ quản để làm thủ tục.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đặt vấn đề: “Chúng ta có thể thấy Bộ GD-ĐT cũng như các nhà làm luật đang có một quan điểm rất mới là không phân biệt công tư nên trường ĐH tư cũng có thể thành ĐH. Vậy một trường ĐH tư có thành ĐH quốc gia được không nếu trường ĐH tư thỏa tất cả điều kiện?”.
2. Tự trường thành lập phân hiệu, sẽ loạn
Thành lập phân hiệu của trường ĐH cũng là nội dung có nhiều ý kiến trong hội thảo. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có 2 phân hiệu nhưng không phải do trường tự thành lập.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng nhận định: “Phân hiệu không thể do từng trường tự ý đặt ra mà phải do Bộ GD-ĐT quyết định, nếu tự trường thành lập sẽ loạn. Thành lập phân hiệu trước mắt để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và khu vực. Bộ cũng nên làm việc với các trường không thuộc bộ, có quy định thống nhất giữa các bộ về việc thành lập phân hiệu”.
Theo PGS-TS Trần Trung Tính, hiện nay các địa phương có xu hướng bàn giao các trường CĐ cho các trường ĐH công lập mà họ tin tưởng để phát triển thành phân hiệu trường ĐH trên cơ sở trường CĐ địa phương. Ông Tính cũng cho biết tỉnh Sóc Trăng làm việc nhiều lần với trường để bàn giao Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng làm phân hiệu.
“Tuy nhiên, việc thành lập phân hiệu có những vướng mắc. Nên chăng xem đội ngũ giảng viên cơ hữu và chỉ tiêu tuyển sinh tổng toàn trường chứ không nên tách riêng từng cơ sở và phân hiệu. Khi đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất được dùng chung sẽ khai thác hiệu quả và tránh cồng kềnh”, ông Tính đề xuất.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho rằng không nên có quy hoạch về phân hiệu vì nhu cầu đào tạo của địa phương thay đổi rất nhanh. “Các trường dù công hay tư, nếu tuyển sinh không được, các trường sẽ không đầu tư. Hơn nữa, trong dự thảo liên quan đến nội dung thành lập phân hiệu đã có phần hỏi ý kiến của UBND địa phương về việc đồng ý hay không đồng ý mở phân hiệu rồi”, ông Tuấn nhấn mạnh.
3. Có nên lấy tiêu chí tiền đầu tư làm điều kiện thành lập trường?
Cũng trong hội thảo, một số ý kiến quan tâm tới điều kiện thành lập trường ĐH. Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, dự thảo có quy định một trong các điều kiện thành lập trường ĐH là có xác nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu 5 ha. Ông Hải cho rằng việc đánh đồng tiêu chí một trường đào tạo khoa học xã hội và một trường đào tạo khối ngành khoa học kỹ thuật là không hợp lý. Bởi lẽ trường kỹ thuật cần có diện tích rộng hơn, phòng thí nghiệm để sinh viên thực tập làm thí nghiệm. Trong khi với khối ngành khoa học xã hội hạ tầng công nghệ thông tin mới thực sự quan trọng.
Liên quan vấn đề này, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng ý kiến: “Tôi nhất trí ý kiến không nên chỉ có một quy định chung diện tích đất xây dựng tối thiểu 5 ha. Chẳng hạn, trường đào tạo các ngành kỹ thuật cần trang trại, nhà xưởng... nên diện tích như này không đảm bảo. Quy định này cần thay đổi tùy thuộc vào loại hình đào tạo từng trường”.
Cũng liên quan đến việc thành lập trường, dự thảo cũng quy định trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu 1.000 tỉ đồng (không gồm giá trị đất xây dựng trường). Tuy nhiên, theo ông Hải, tiền thường xuyên mất giá nên chăng căn cứ vào một tiêu chí khác để qua thời gian, điều kiện này không trở nên nhẹ nhàng.
“Cần có cơ chế thắt chặt trong việc thành lập trường ĐH để tránh tình trạng trường nào nghiêm túc bị thiệt thòi, trường nào chỉn chu bị khó khăn. Không để xảy ra tình trạng trường ĐH được thành lập nhưng bé xíu, cơ sở vật chất thiếu thốn”, ông Hải nói.
> Tổng hợp trường đại học tại TP Hồ Chí Minh năm 2022
> TOP 10 trường đại học đào tạo ngành Y tại miền Bắc
Theo Báo Thanh Niên