>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Các khâu vướng mắc để phát triển mô hình Đại học, Cao đẳng NCL thì có nhiều, nhưng nằm trong số đó khái niệm “lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” là một trong những điểm mấu chốt làm hạn chế sự phát triển chung của mô hình.
Cần minh bạch
GS. Phạm Phụ (Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh) thẳng thắn cho biết, đặc trưng cơ bản về mặt pháp lý, kinh tế và tổ chức của một tổ chức “không vì lợi nhuận” là “Không được chia lợi nhuận cho một ai”; thứ hai, “Không có chủ sở hữu” hay “nó sở hữu chính nó”, không có nhà đầu tư, tài sản ở đây là thuộc “sở hữu cộng đồng”, nguồn vốn chủ yếu của nó là từ cho tặng và học phí; và thứ ba, “Trường được quản trị bởi một Hội đồng đại diện cho những nhóm có lợi ích liên quan”.
GS. Phạm Phụ nhấn mạnh, chúng ta cần phải xóa đi những mảng “mờ” rất nguy hiểm để cho xã hội hóa giáo dục phát triển mạnh hơn, đúng hơn, trước hết ở lĩnh vực GDĐH.
“Không vì lợi nhuận” không có nghĩa là không được phép tạo ra lợi nhuận và thu nhập không bao giờ được vượt quá chi phí. Hơn nữa một tổ chức “không vì lợi nhuận” vẫn có thể có một bộ phận vì lợi nhuận.
Mặt khác đã “vì lợi nhuận” thì triết lý của nó vẫn tuân theo triết lý nói chung của một công ty là “cực đại lợi nhuận”. Do vậy, các đại học “vì lợi nhuận” trên thế giới luôn ở cơ chế của một công ty.
Giải thích điều “khuyết tật” này, GS. Phạm Phụ nêu rõ, người mua thường được biết rất ít và cũng rất khó đánh giá về loại hàng hóa mà họ đang mua và rất dễ lâm vào tình cảnh nhận được một chất lượng thấp hơn nhiều so với chất lượng mà họ kỳ vọng cũng như cái giá mà họ đã chi trả.
Thị trường như vậy thường chỉ là “thị trường của niềm tin” hay thị trường của vận may, và người mua rất dễ bị đánh lừa, dễ bị những tác động xấu của cơ chế thị trường.
PGS.TS. Trần Quốc Toản - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ cũng nhìn nhận, điểm khác biệt cơ bản nhất giữa hai loại “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” không phải là các cơ sở giáo dục đó có hoạt động theo cơ chế thị trường hay không, có tạo ra lợi nhuận hay không; và cũng không phải ở chỗ ai là chủ sở hữu của cơ sở giáo dục, cơ sở đó có thu học phí hay không, mà chủ yếu là nguyên tắc sử dụng và phân chia lợi nhuận do cơ sở giáo dục tạo ra.
“Đối với các cơ sở GD&ĐT “không vì lợi nhuận”, lợi nhuận được làm ra (nếu có) không được sử dụng (hay chia) vì lợi ích của một cá nhân nào, mà để lại để tiếp tục xây dựng, phát triểm cơ sở GD&ĐT và các sản phẩm, dịch vụ GD&ĐT. Mặc dù hai loại cơ sở GD&ĐT “vì lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận” có nhiệm vụ giống nhau là cung cấp các sản phẩm về dịch vụ giáo dục cho xã hội.
Nhưng do có sự khác nhau về bản chất kinh tế và lợi ích kinh tế nên có sự khác nhau về cơ chế hoạt động, trách nhiệm kinh tế đối với nhà nước và các chủ thế khác” PGS.TS. Trần Quốc Toản cho biết.
Nói tiếp về cơ chế “không vì lợi nhuận”, GS. Phạm Phụ cho biết, mô hình các trường NCL đã được hơn 20 năm phát triển nhưng dường như chúng ta vẫn chưa có cơ chế “không vì lợi nhuận” và càng sợ hãi cụm từ “vì lợi nhuận”. Đó là một trong những thách thức đối với các trường NCL nếu chưa thể làm rõ được khái niệm “không vì lợi nhuận”.
Những hạn chế đó khó lòng mà phát triển số sinh viên NCL lên tỉ lệ 30%-40% như mong muốn của những nhà làm kế hoạch. Nhiều chuyên gia cho rằng, thực ra tiềm lực đầu tư cho giáo dục của xã hội còn rất lớn. Ngay từ năm 2006 - 2007 đã có hàng trăm hồ sơ xin lập trường, nhưng nhiều nhà đầu tư tâm huyết đã bỏ cuộc vì nhiều rào cản. ==> Xóa bỏ rào cản các trường đại học ngoài công lập
Như vậy, kế hoạch phát triển sinh viên NCL bị đổ bể, hơn nữa quyết định cho phép các trường Đại học dân lập được phép chuyển đổi sang loại hình trường Đại học tư thục cũng chậm được thực hiện (đến nay mới chỉ có 2 trường được chuyển đổi là Đại học Thăng Long và Đại học Quốc tế Hồng Bàng).
“Điều đó không chỉ làm cho xã hội hoài nghi đối với tư thục, mà nó còn làm ảnh hưởng không tốt đối với một số cơ sở Đại học tư thục khác cũng như một số nhà đầu tư và hoạt động giáo dục chân chính và có tâm huyết” GS. Phạm Phụ thẳng thắn.
Khẳng định lại một mô hình “không vì lợi nhuận”
Rõ ràng hiện nay ngân sách cho giáo dục của chúng ta là hữu hạn, với tỉ lệ ngân sách 20% đó sẽ không đủ đầu tư cho giáo dục phát triển. Các chuyên gia khẳng định lại nếu không có xã hội hóa giáo dục thì giáo dục không có tiềm lực để phát triển, không có nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, điều này càng nguy hại khi chúng ta đang ở trong WTO.
GS. Phạm Phụ khẳng định, chúng ta cần phải xóa đi những mảng “mờ” mà theo Giáo sư là rất nguy hiểm để cho xã hội hóa giáo dục phát triển mạnh hơn, đúng hơn, trước hết ở lĩnh vực GDĐH.
“Theo tôi, do Việt Nam chưa có truyền thống cho tặng GDĐH nên Đại học tư “không vì lợi nhuận” có lẽ chỉ có trong một số trường hợp riêng. Vì vậy cần khuyến khích phát triển các Đại học tư thục “nửa vì lợi nhuận”, ví dụ có mức lãi tối đa bằng 150% lãi suất huy động của ngân hàng chẳng hạn. Có thêm 50% lãi suất là để bù đắp rủi ro cho một số rủi ro có thể có. Khi cung trong GDĐH lên gần bằng cầu, mức rủi ro sẽ cao hơn, có thể hiệu chỉnh cao hơn con số 50% nói trên. Phần lợi nhuận cao hơn 150% sẽ trở thành sở hữu cộng đồng” GS. Phạm Phụ nêu quan điểm.
Theo ý tưởng của GS. Phạm Phụ thì bên cạnh nhà đầu tư tư nhân, nhà nước và có thể cả các cơ sở Đại học công lập có thể góp vốn bằng đất đai và các nguồn vốn sẵn có của mình để phát triển loại Đại học công - tư phối hợp. Đây là một dạng Đại học mà Ngân hàng thế giới đang khuyến khích phát triển.
Tuy nhiên, vẫn có thể có cơ sở Đại học tư là “vì lợi nhuận”, nhưng khi đó, chính sách của Nhà nước sẽ khác so với loại “nửa vì lợi nhuận”. Các loại Đại học “vì lợi nhuận” đều phải ở trạng thái của một công ty, ngay cả với chính sách đất đai và thuế, dù có ưu đãi. Với một ít các cơ sở Đại học “không vì lợi nhuận” thì nhà nước cần có tài trợ và ưu đãi đặc biệt.
GS. TSKH Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng nêu ý kiến, trường tư “không vì lợi nhuận” không thuộc sở hữu nhà nước, nhưng cũng không thuộc “sở hữu tư nhân’’, cũng không chỉ những người góp vốn hoặc “sở hữu tập thể” của những người làm việc trong trường đó, mà thuộc “sở hữu cộng đồng”.
Những người đại diện nhà trường có quyền khai thác nó để phục vụ cộng đồng nhưng không có quyền mua bán, chuyển nhượng. GS. Lâm Quang Thiệp cũng cho biết, ở nước ta khái niệm “không vì lợi nhuận” nên hiểu là “không vì lợi nhuận tối đa”, nhưng có thể chấp nhận một mức lợi nhuận “hợp lý” cho những người góp vốn, có như vậy mới khuyến khích các nhà đầu tư. Theo ý kiến một số người, mức lợi nhuận “hợp lý” có thể quy định cao hơn lãi suất tiền tiết kiệm của ngân hàng.
“Cần đảm bảo bình đẳng thật sự giữa các trường Đại học công và Đại học tư không vì lợi nhuận, cả hai loại trường đều được quyền tham dự các đấu thầu cung ứng dịch vụ do nhà nước đặt hàng, sinh viên và giáo chức hai loại trường đều được bình đẳng trong việc hưởng các loại tài trợ của Nhà nước” GS. Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh lại.
GS. TS Tô Xuân Dân (Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội) kiến nghị, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần khẳng định trường Đại học tư thục là một hình thức tất yếu của xã hội hóa, không nên coi đó là các hoạt động kinh tế thuần túy như các doanh nghiệp tư nhân khác, từ đó mới có cơ sở xây dựng khuân khổ pháp lý phù hợp nhằm tạo động lực cơ bản và lâu dài, đồng thời có chính sách khuyến khích và hỗ trợ thỏa đáng cho sự ra đời và vận hành của các trường Đại học tư thục theo tầm cỡ của những tổ chức khoa học và đào tạo, điều này có vai trò trọng yếu đến sự phát triển và trường tồn của quốc gia.
Theo Xuân Trung, Giáo dục