Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Ngày 30/10 là thời điểm các trường ĐH, CĐ phải hoàn tất việc  xét tuyển. Tuy nhiên, còn có không ít các trường NCL vẫn mong ngóng thí sinh do không cạnh tranh được với các trường công lập.

Nguồn dồi dào nhưng vẫn … khó tuyển

Đến thời điểm này, các trường ĐH đã hoàn tất công tác xét tuyển, trong đó có cả những trường NCL như ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, ĐH Phương Đông... nhưng cũng còn nhiều trường đang lo lắng vì vắng bóng người đến đăng ký xét tuyển.

Những ngày cuối cùng xét tuyển các nguyện vọng nhưng ĐH Lương Thế Vinh chỉ nhận được hơn 100 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi tổng số chỉ tiêu trường đăng ký và được giao là 1.000. ĐH Hòa Bình cũng nhận được khoảng 150 hồ sơ với 600 chỉ tiêu đào tạo cho năm học này.

Cá biệt như ĐH Chu Văn An chỉ tiêu do trường xây dựng và được giao lên đến 1.000 chỉ tiêu, nhưng cũng mới tuyển được 75 thí sinh và chỉ có thêm khoảng gần trăm hồ sơ đăng ký.

Đại học ngoài công lập khó tuyển sinh


Nhiều trường ĐH NCL vẫn đang khó khăn trong tuyển sinh.

Khả quan hơn một chút, trường ĐH Đại Nam tuyển được 700 thí sinh trên tổng số 2.000 chỉ tiêu. Thậm chí, trường ĐH Dân lập Hải Phòng, mọi năm đến giờ này đã tuyển đủ chỉ tiêu nhưng năm nay, số lượng tuyển sinh còn ít hơn cả mọi năm.

Cũng như vậy, tình trạng khó khăn về nguồn tuyển cũng đến với các trường ngoài công lập khác như Đại học Hà Hoa Tiên, Đại học Đông Đô, Đại học dân lập Hải Phòng… số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển còn thấp hơn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn nguồn tuyển cho các trường ĐH, CĐ NCL, Bộ GD-ĐT đã bổ sung nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh như không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước, miễn không thấp hơn điểm sàn (năm 2012), hay kéo dài thời gian xét tuyển đến 30/10. Tuy nhiên các biện pháp này hầu như chưa phát huy được hiệu quả.

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng thốt lên: “Tôi không hiểu thí sinh đi đâu? Trường tiếp tục đợi đến 30/10, nếu thí sinh vẫn đến ít, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT cho trường xét tuyển riêng”.

Giải thích nguyên nhân vì sao các trường ngoài công lập (NCL) ngày càng khó tuyển sinh, lãnh đạo trường ĐH Đại Nam cho rằng: “Đầu ra của sinh viên trường ĐH NCL hiện nay xã hội không thích. Hơn nữa, nhiều trường ĐH công lập lấy điểm chuẩn sát sàn và học phí lại thấp hơn thì đương nhiên các thí sinh sẽ chọn học chứ đâu chạy ra trường dân lập nữa”.

Vẫn khó cạnh tranh với trường công lập

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, năm nay, nguồn tuyển có hệ số di chuyển lớn, cộng với cơ chế tuyển sinh mềm dẻo của Bộ GD-ĐT thì các trường không khó để tuyển đủ chỉ tiêu. Vấn đề ở chỗ là làm sao các trường có thể thu hút được thí sinh vào học bằng sự uy tín và chất lượng đào tạo của mình. Có rất nhiều thí sinh trên điểm sàn nhưng lại không nộp đơn vào các trường còn chỉ tiêu thì điều đó chúng ta không thể can thiệp được. Chính vì thế các trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao sức hút đối với thí sinh.

Một lý do nữa khiến các trường NCL bị “mất điểm” là cách làm ăn kiểu chụp giật, thời vụ của một số trường. Việc thành lập một cách vội vã khi chưa có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thiếu và yếu nhưng đã lao vào đào tạo các ngành “hot” như kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh… đã dẫn đến tình trạng cho ra lò hàng loạt sinh viên yếu về chất nhưng lại thừa về lượng. Hiện mới có rất ít trường NCL có cơ sở vật chất khang trang còn hầu hết là phải đi thuê, mượn địa điểm. Lỗi này rõ ràng không chỉ thuộc về bản thân các trường mà còn do đơn vị quản lý đã buông lỏng việc cấp phép.

Giáo sư Trần Hông Quân

GS. Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL) cho rằng các trường cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động.

TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, chuyên gia tuyển sinh kỳ cựu đã từng có nhận xét: Kể cả việc Bộ GD-ĐT chấp nhận cho các trường ngoài công lập không cần thi, chỉ xét tuyển vào học, sẽ có những trường phải chấp nhận giải thể vì không có người học. Chỉ có trường nào gây dựng được uy tín, lòng tin với người học thì mới có chỗ đứng trong xã hội!

Tuy vậy, thời gian qua đã có một số trường NCL đã xây dựng được thương hiệu khá vững chắc như trường ĐH FPT, trường ĐHDL Thăng Long, ĐH Duy Tân…GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho rằng, việc nâng cao chất lượng đào tạo và ứng dụng công nghệ trong giáo dục, củng cố cơ sở vật chất chính là biện pháp quan trọng để các trường NCL tự cứu lấy mình. Ngoài ra, các trường phải tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động trong nước để tổ chức đào tạo một cách hợp lý.

Sự dễ dãi trong thẩm định và cấp phép thành lập mới các trường ĐH, CĐ đã đẩy nhiều trường NCL bước vào giai đoạn khủng hoảng. Vừa qua, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL (gồm trên 80 thành viên) đã gửi kiến nghị lên Chính phủ về nguy cơ giải thể của các trường này. Hiệp hội cũng đã làm việc với Bộ GD-ĐT về nhiều vấn đề liên quan nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Để cứu lấy các trường NCL, nhiều ý kiến đã được đưa ra như nên có hai loại điểm sàn, bỏ kỳ thi “ba chung” để các trường tự tuyển sinh… Song, những đề nghị này chưa được chấp thuận do thiếu cơ sở khoa học và thực tế.

Theo Bộ GD-ĐT, để định hướng hoạt động của các trường NCL, Bộ đang gấp rút triển khai soạn thảo Quy chế hoạt động của trường ĐH, CĐ tư thục phù hợp với các quy định mới của Luật Giáo dục Đại học. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã tạm dừng cấp phép mở mới đối với các ngành Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh ở một số trường bởi số lượng trường đào tạo các ngành này đã vượt quá nhu cầu của thị trường lao động.

Còn nhớ ngay từ ngày mới thành lập trường, ông Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường Đại học Đại Nam đã từng lên tiếng: “Tôi không tin những ai bỏ tiền ra làm trường mà lại nói là vì sự nghiệp giáo dục. Là nhà đầu tư, chúng tôi bỏ tiền ra là mong thu lợi.

Tuy nhiên với giáo dục, là loại hình dịch vụ đặc biệt thì cần có thời gian và quan trọng nhất là không được ăn sổi, phải có trách nhiệm với người học và xã hội. Xem ra đây cũng là bài học vẫn còn mới với nhiều trường khi cần đi vào ổn định phát triển thì lại nảy sinh mâu thuẫn, kiện cáo, xói mòn lòng tin của người học và xã hội.

Theo Khánh An, Petrotime