Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường

Sau 20 năm ra đời, các trường ĐH ngoài công lập (ĐH NCL) của Việt Nam đã bắt đầu có vị trí trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bên cạnh những thành tựu đó, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, thách thức của các trường NCL hiện nay.

Nhiều rào cản

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, có ba khó khăn lớn nhất mà các trường NCL đang gặp phải hiện nay. Thứ nhất là hoàn thiện thêm hệ thống cơ chế chính sách đối với các trường NCL. Thực tế, chính sách hiện nay đối với các trường NCL chưa đồng bộ. Hệ thống văn bản liên quan chưa thật đầy đủ. Do đó, chúng ta khó tạo được niềm tin cho nhà đầu tư cho giáo dục NCL.

Thứ hai là cơ chế cạnh tranh cho các trường trong toàn hệ thống, sân chơi bình đẳng để nâng cao chất lượng. Bộ đang soạn thảo trình Chính phủ hệ thống phân tầng xếp hạng các trường miễn là đạt tiêu chí chất lượng, không phân biệt CL, NCL. Hiện nay, Bộ đã quyết định cho thành lập trung tâm  kiểm định chất lượng độc lập đầu tiên, không phân biệt CL hay NCL.

Thứ ba là việc chuyển đổi các trường dân lập sang tư thục. Hiện nay, một số trường bị kẹt không chuyển được vì khối tài sản chung không chia được do mỗi trường mỗi khác. Bộ đang nghiên cứu cùng các trường tìm giải pháp chuyển loại hình sang tư thục vì mỗi trường mỗi quan điểm khác nhau, khó tìm tiếng nói chung.

Không những thế, một khó khăn nữa của các trường NCL đó là cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trường còn phải đi thuê, chắp vá. Thứ trưởng Ga cũng khẳng định, những bất cập hiện nay trong nội bộ một số trường, đặc biệt mới chuyển sang tư thục là mất đoàn kết, kiện cáo nhau…ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

thi đại học

Xóa bỏ rào cản các trường đại học ngoài công lập

Còn GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, VIPUA, thì khẳng định GD ĐH của chúng ta chưa hoàn thành được sứ mạng cao cả là đào tạo ra lực lượng lao động cấp cao, có chất lượng; xây dựng được sức mạnh trí tuệ của đất nước; góp phần trực tiếp xây dựng quốc gia, làm cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững.

Xã hội hóa giáo dục triệt để

Tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ĐH NCL vừa được VIPUA tổ chức ngày 26/9 tại ĐH Thăng Long, GS. Trần Phương, hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nguyên Phó thủ tướng đã đặt câu hỏi: phải chăng chúng ta đang hiểu xã hội hóa giáo dục (XHHGD) chính là các trường NCL?

GS. Trần Phương mạnh dạn đề xuất cần phải XHHGD ngay trong chính trường công lập. Thực tế, nếu chi cho GD-ĐT chiếm 20% ngân sách mà đảm bảo học sinh không phải đóng học phí thì chúng ta còn bao nhiêu tiền? Hiện nay chúng bao cấp cho tất cả SV trường công lập đến 70% học phí. Chưa kể nhà nước bỏ tiền ra để xây trường. Cứ giữ bao cấp, chúng ta sẽ tiến lên bằng cách nào?

Theo GS. Trần Phương, một giải pháp quan trọng nhất là tất cả các trường công lập đều phải yêu cầu phụ huynh học sinh đóng tiền chi phí đào tạo cho con em, trừ một số ngành đặc biệt. Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn đề xuất việc này.

GS. Phương cũng khẳng định không phải vì dân không có tiền cho con đi học. Vì ngay tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, năm trước học phí của trường là 9 triệu/năm/SV thì có 5000 sinh viên vào học, năm nay, do trượt giá, trường tăng lên thành 9,6 triệu đồng/năm/SV nhưng vẫn có hơn 6000 sinh viên đến học. Như vậy, vấn đề không phải là vì tiền.

Còn GS.Trần Hồng Quân cho rằng đột phá không có cách nào khác là thực hiện thật tốt XHHGD. Chủ trương của chúng ta tốt nhưng còn nhiều mắc mứu, định kiến. XHH có nhiều nội dung. Trường NCL là một trong những sản phẩm của XHH. Cuối những năm 80, mở khoảng 15 trường. Lộ trình phát triển của “lứa” trường đầu tiên này từ “tay không”. Vì chỉ có hai lựa chọn, hoặc không cho mở, hoặc mở bằng tay không. Phần lớn đến nay có trụ sở khang trang, đào tạo tốt.

Như vậy hiện nay, giữa các trường công lập và NCL đang có một sân chơi không bình đẳng. Bộ GD-ĐT cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trường để huy động được sự đóng góp của người dân, giảm chi cho ngân sách nhà nước. So với một số nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ sinh viên NCL thấp hơn, như Malaysia có 600 trường ĐH NCL nhưng chỉ có 100 trường ĐH công lập, Hàn Quốc có 67% SV học tập tại các trường NCL, Nhật Bản là 80%.

Theo Châu Bình, Tổ quốc