Ryu Murakami là một nhà văn đương đại tăm tối nhất của nền văn học Nhật Bản. Ông khai quật tất thảy mọi hố thắm sâu hoẵm ngoài rìa của nước Nhật thời đại mới. Lấy nhân vật trung tâm là những thanh niên trẻ tuổi, ông đẩy ào họ vào dòng đời cuồn cuộn của xã hội đương đại Nhật, để chứng kiến họ vùng vẫy, họ đọa đầy, và rồi tự hủy hoại bản thân mình.


Đọc văn chương của Ryu, tâm khảm người đọc sẽ cuộn lên một nỗi đau đớn thống thiết bởi ông sẽ không khoan nhượng mà bày ra tất thảy những khốn quẫn của con người trong đời sống này.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ được viết dựa trên một sự kiện có thật xảy ra năm 1980, câu chuyện về hai đứa trẻ sống sót duy nhất trong số rất nhiều đứa trẻ bị bỏ lại trong những tủ đồ của nhà ga khắp nơi trên đất nước Nhật Bản. Cuốn sách tập trung vào bối cảnh giữa thủ đô Tokyo khi ấy đang bị bủa vây bởi một làn sóng Mỹ hóa, khi mọi giá trị văn hóa truyền thống bị tiêu hủy, và con người chẳng còn chút gì để tin tưởng.Thế giới tiểu thuyết của Ryu phá vỡ hoàn toàn không khí văn chương ước lệ đậm đặc tính aware, vốn là cốt cách của nước Nhật. Ông “bắt” độc giả phải hít thở thứ không khí trần trụi, băng hoại, tàn bạo của đất nước Nhật Bản.


những đứa trẻ bị bỏ rơi


Nơi ông dẫn dắt ta đến, những cánh hoa anh đào cũng trở thành một tăm tối khắc khoải. Ông phá hủy tất cả mọi ngữ nghĩa đạo đức, truyền thống, xóa tan mọi neo bám, đẩy nhân vật vào tan loãng hư vô, và cứ thế trôi đi bằng một bản năng hoang dã đậm tính hủy diệt.
Kiku và Hashi đã có một tuổi thơ bên cạnh vùng biển, biển là thứ “có vẻ như” an ủi tâm hồn của hai đứa trẻ mồ côi, tuy nhiên, ở đó cũng có 1 khu mỏ hoang, đầy một bầy chó hoang, Kiki và Hashi say mê đến nơi hoang vắng ấy, mấy lần đều suýt bị cắn chết nhưng không từ bỏ được.
Ở đó, những biểu hiện của Kiki đã bắt đầu có dấu hiệu bạo lực, và sau này anh luôn đánh người, giết người, tự nhủ thần chú “Datura”, “Đó là một loại biệt dược để biến Tokyo thành một màu trắng toát”. Hủy diệt thành phố này, hủy diệt con người, là khao khát của Kiku.


Trong khi đó, cuộc đời Hashi cũng lần lượt bị đẩy vào những thăng trầm, dẫn đến giết người và bị đưa vào bệnh viện tâm thần.
Cùng quẫn sâu kín trong hai đứa trẻ, hai chàng trai này chính là những tâm trạng bị bóp chặt từ thuở sơ sinh và bị nhốt chặt trong tủ đồ. Sự sống sót của hai người là một định mệnh, nhưng cũng để lại một vết thương nứt toát, càng ngày càng băng hoại trong tâm hồn họ.
Chính bởi thế, dù cố bước vào thế giới, nhưng họ lại luôn mâu thuẫn với thế giới, và luôn sợ hãi bị gạt ra khỏi thế giới. Họ tìm cách gây hấn, cũng là tìm cách sống, nhưng tất cả chỉ là bất hạnh.


Tình dục chính là thứ buồn thảm trong sáng tác của Ryu. Một thứ tình dục vừa thô bạo vừa bất lực, vừa đầy nhục cảm, nhưng tuyệt nhiên không có tình yêu.
Dẫu rằng so sánh khập khiễng giữa 2 nhà văn mang họ Murakami, nhưng bước vào thế giới tình dục của Ryu, thì thấy rằng, thế giới của Haruki vẫn thật thơ mộng và dễ chịu.
Cái cách Ryu miêu tả tình dục trong Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ, khi Kiku làm tình với Anemone; Hashi làm tình với Neva là một điển hình. Dù trong tác phẩm này, tình dục không tràn ngập như trong một số những tiểu thuyết khác của Ryu, nhưng nó ngấm ngầm ẩn dấu mầm mống của bạo lực, thứ không khí chủ đạo bao trùm lên toàn bộ không khí của cuốn tiểu thuyết, khiến câu chuyện luôn ở trong trạng thái chờ đợi để nổ tung.
Ryu viết rất nhiều về người trẻ, ngay từ tiểu thuyết đầu tay Màu xanh trong suốt (1976), ông đã hướng mối quan tâm của mình về phía những người trẻ, một cách trần trụi nhất. Ông miêu tả một cuộc sống thác loạn, chìm đắm trong nhạc rock, ma túy và tình dục.
Ở Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ, ông cũng tạo nên một thế giới thác loạn đau đớn với một khu chợ đen, nơi mua bán đủ thứ nhớp nhúa trên đời, nơi những tay đồng cô kiếm sống... và cũng từ nơi ấy, các nhân vật của ông cố cất cánh bay lên, không chỉ Hashi, Kiku mà còn rất nhiều những người trẻ khác nhưng rốt cục ai cũng rơi xuống vực thẳm cùng sự vỡ mộng.


Trong một cuộc phỏng vấn, Ryu đã từng nói rằng, những nhân vật của ông chứa đựng một năng lượng hủy diệt, và năng lượng ấy chính là khởi nguồn của chủ nghĩa hư vô. Chủ nghĩa hư vô trong cuốn tiểu thuyết này đã tạo nên một lớp các nhân vật phủ định những ý nghĩa của đời sống, chỉ luôn nhằm vào sự vô nghĩa và tiêu hủy.
Văn phong của Ryu cũng đã vượt qua được cái chất buồn đẹp của đặc trưng ngôn ngữ Nhật Bản để đến gần hơn với thứ văn chương ngồn ngộn mùi của đời sống, một thứ mùi quẫn bách, thiếu hụt không khí.


Trong tác phẩm này, ngôn ngữ chất đầy những sự kiện, chặt chẽ với những sự kiện, và ngôn ngữ cất lên tiếng lòng ngột ngạt, bất ổn với những khi miêu tả tâm lý. Cái sắc sảo, cái lạnh lẽo tỏa ra mãnh liệt trong tâm thức văn chương Ryu Murakami, nhưng cũng đồng thời khiến nỗi đau đi đến tận cùng.
Đây là một cuốn sách phải đọc, để thấy rằng, con người là thứ chất chứa nhiều loại xúc cảm kỳ lạ nhất trong đời sống này. Chỉ có con người mới có khả năng tạo ra hạnh phúc, và cũng chỉ có con người mới có năng lượng tạo nên khốn cùng.
Phải đọc, để thấy rằng, phía bên kia một tấm gương đẹp và buồn của Kawabata, còn một tấm gương phản chiếu trần trụi và hủy diệt của Ryu Murakami. Hai mảnh gương ấy cùng hòa vào nhau để tạo nên một nước Nhật buồn bã và thơ mộng.


Theo zing.vn