Tin liên quan
>> Tân sinh viên cần chuẩn bị gì cho năm học mới?
>> Những lưu ý với cuộc sống tân sinh viên
>> Tân sinh viên cẩn thận khi nhập học
Đối với học sinh cấp ba còn chịu nhiều ràng buộc từ cha mẹ, thầy cô, nhà trường thì đại học là một môi trường mơ ước với nhiều tự do cá nhân. Thực tề thì...?
Sau nội quy học sinh là nội quy… sinh viên
Vào đại học được mặc đồ tự do đến trường? Đó là một suy nghĩ sai lầm. Không ít trường có đồng phục riêng cho cả nam và nữ. Hơn thế nữa, nội quy nhà trường có hẳn một mục về đồng phục của sinh viên.
Như trường N.T khi đến trường phải mặc đúng áo đồng phục, thắt cà vạt theo quy định, dây đeo thẻ sinh viên cũng phải của trường. Nếu không mặc đúng đồng phục hay thiếu một món nào vừa kể trên, các bạn sẽ bị bảo vệ chặn tại cổng và không được vào trong.
Bạn K. đang theo học trường H.B cho biết: “Trường mình đồng phục cả áo lẫn quần, nam nữ như nhau. Không những thế, trường còn bắt giày và cặp cũng phải đồng bộ nốt. Chỉ riêng bộ đồng phục đầu năm thôi cũng đã ngốn gần một triệu đồng rồi.”.
Dù vào đại học nhưng giờ giấc vẫn khá nghiêm ngặt. Các thầy cô lúc nào cũng khư khư danh sách lớp để điểm danh. Điềm danh đầu giờ, giữa giờ hay cuối giờ phụ thuộc vào giáo viên. Người nào khó tính sẽ điểm danh cả ba lượt, phòng sinh viên trốn tiết.
Nỗi khổ trường nhiều cơ sở
Đây là nỗi khổ “than trời trời không thấu, than đất đất không nghe” của nhiều sinh viên phải học ở trường có nhiều cơ sở hay học ở trường phải thuê cơ sở để giảng dạy.
Bạn N. trường P.C.T không bao giờ ngờ được rằng, mình phải đi chạy về giữa cơ sở thuê và trường chính sau mỗi môn học. Việc đi lại như vậy rất mất thời gian và công sức nên N. đã chủ động đăng ký trường chỉ có một cơ sở, nhưng cuối cùng vẫn không thoát khỏi tình cảnh này. “Đúng là chạy trời không khỏi nắng” - N. ngao ngán kể lại.
Thêm vào đó, học phí ở từng cơ sở lại khác nhau. Tuy xê dịch không cao, khoảng từ 100k - 300k nhưng điều này đã gây bức xúc cho không ít sinh viên theo học. Và thường các trường sẽ đáp lại thắc mắc của các bạn sinh viên là một câu trả lời ngắn ngủn: “Đó là phí phụ thu tùy theo cơ sở” .
Thời khóa biểu, lịch thi
Thời khóa biểu thay đổi xoành xoạch, thay đổi mà không báo trước đã trở thành “chuyện không của riêng ai” đối với đa số sinh viên. “Hôm qua tớ mới chép thời khóa biểu mới, hôm nay trường lại thay đổi, giờ giấc cũng thay đổi theo. Một học kỳ mà thời khóa biểu thay đổi đến năm lần khiến chúng tớ cũng chóng mặt” - bạn L. tâm sự.
Còn chưa kể đến lịch thi thay đổi hay báo quá cận ngày làm sinh viên không có thời gian ôn. Điển hình là bạn T.T trường CNSG cho biết, trường thông báo còn một tuần là đến kì thi thì đột ngột đẩy lịch thi lên còn bốn ngày và cuối cùng rút xuống chỉ còn một ngày. Nhiều bạn bị động, không cập nhập kịp lịch thi phải thức đêm "cày bài" đến khổ.
Rồi đến chuyện cách thức ra đề “nói một đằng làm mộ nẻo” khiến sinh viên không tài nào đoán trước được. Trước khi thi, giáo viên phụ trách nói rằng sẽ ra đề theo hướng trắc ngiệm. Đến khi vào phòng thi mọi người đều… té ngửa vì đề lại ra theo kiểu tự luận.
Trắc nghiệm và tự luận, đề mở và đề đóng thay đổi mà không báo trước là vấn đề nan giải trước mỗi kì thi của bạn.
Và những luật bất thành văn
Ngoài nội quy của trường, mỗi giáo viên phụ trách lại có những quy định riêng, tạo nên bản sắc riêng của mỗi trường, mỗi thầy cô.
Theo lời kể của bạn M. trường N.T, cuộc thi vấn đáp diễn ra hết sức căng thẳng với những luật lệ khó đỡ. Làm nhàu tờ đề bốc thăm, 0 điểm. Để chuông điện thoại reng, dù là chuông báo thức, 0 điểm. Trả lời câu hỏi không nhìn vào mắt thầy cô, tác phong không ngay ngắn thì bị trừ điểm. Những quy định chi li như thế này khiến các bạn đôi khi cũng phải dở khóc dở cười.
Bạn B. trường N.N cho biết ý kiến về cách chấm điểm: ”Chấm điểm ở đại học là một quá trình bí ẩn. Mình và đứa bạn làm bài y chang nhau mà bạn mình được 10 trong khi mình chỉ được 9. Có lúc không thuộc bài tưởng dưới trung bình nhưng khi phát bài lại được 7-8 điểm. Có lúc làm bài ngon lành thì chỉ được 5 điểm. Bài thi không được trả lại nên mình cũng chẳng biết kiện cáo như thế nào.”
Trường hợp bạn của L. trường G.T.V.T không biết nên khóc hay nên cười. Môn tiếng Anh bốn học kỳ đầu thi vấn đáp. Bạn của L. lơ ngơ không nhớ tên của thầy phụ trách, một phần cũng do bạn ấy tới lớp cũng thất thường như thời tiết lúc nắng lúc mưa. Đến lúc thi thầy thấy lạ mặt, vừa vào, câu đầu tiên thầy hỏi: “What’s my name?”. Bạn ấy: “ I don’t know”. Trả lời xong bạn đi ra luôn, thế là phải ôn bài thi lại.
Tạm kết
Đây chỉ là một phần về mặt trái của các trường đại học mà chỉ có những người trong cuộc mới được trải nghiệm. Qua đó, bạn có thể suy xét kỹ càng hơn một trường đại học, mục tiêu mà bạn sẽ và đang nỗ lực để đạt được. Tất nhiên không thể phủ nhận đại học là môi trường đào tạo tốt và cũng là mơ ước của nhiều người, bởi vì “Đại học là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công”.
Những tin tức đang được quan tâm:
Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển
điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi - Tiếng anh
Kênh Tuyển Sinh
(Theo: Kenh14)