Tin liên quan:

>> Phải nghỉ sau 10 năm dạy học vì bằng tại chức

>> Học tại chức có được công nhận?

>> 38 giáo viên bị nghỉ việc vì bằng tại chức ở Nam Định

 

Từ góc độ là những nơi cung cấp cho xã hội những “sản phẩm” tại chức, đại diện một số trường đại học đã lên tiếng.

Từng nhận được thông báo của SV về chuyện Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc từ chối tuyển dụng SV tốt nghiệp trường mình, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ: “Lúc đó vừa buồn, vừa bức xúc”.

Chuẩn đầu ra... chưa chuẩn

“Trường có chương trình đào tạo chất lượng cao mà SV vừa ra trường đã bị từ chối tuyển dụng ở tỉnh, làm sao không xót? Tôi đã thử đặt mình ở vị trí của SV và hiểu cảm giác thật sự sốc của các em. Ngay lập tức trường có công văn gửi Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, đồng thời lãnh đạo trường lên làm việc trực tiếp với tỉnh. Cái lý của tỉnh là lo chương trình đào tạo của nhà trường dành ít thời lượng cho nghiệp vụ sư phạm. Trường đã phải chứng minh ngược lại mô hình đào tạo của nhà trường tiệm cận với chương trình của nhiều nước tiên tiến. Chính nhà trường đã đứng ra thuyết phục để tỉnh phải mở cửa trở lại với SV của mình” - GS Lộc nói.

Theo GS Lộc, ở VN hiện chưa có những rạch ròi về xếp hạng từng trường, thương hiệu của nhà trường là do xã hội công nhận. Các trường ĐH công lập đã được Chính phủ cho phép thành lập, nghĩa là ít nhất nó đã được xem xét về mặt pháp nhân, có sự bảo đảm nhất định về chất lượng đào tạo. Song thực tế, nhà tuyển dụng vẫn đưa ra những tiêu chuẩn để từ chối hay chấp nhận, tức họ có lý do để phân định chất lượng. “Chất lượng đào tạo thật sự chưa đồng đều khi nhiều trường ĐH địa phương đào tạo sư phạm mới vừa được nâng từ trường CĐ sư phạm của tỉnh lên” - GS Lộc nói.

Là lựa chọn hàng đầu của tất cả sở GD-ĐT, các trường THPT phía Bắc, nhưng lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng khẳng định yếu tố bảo đảm chất lượng, xây dựng chuẩn thật sự cho hệ thống đào tạo sư phạm hiện nay vẫn chưa... chuẩn.

Rào cản cho các trường

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng về luật pháp, các loại bằng cấp đều bình đẳng và có giá trị như nhau. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có quyền đưa ra các yêu cầu để tuyển người phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của mình. Vấn đề là tuyển được người đáp ứng được yêu cầu đặt ra, như thế tại sao không thi tuyển? Theo ông Hồng, hiện các trường đang cố gắng nâng cao chất lượng, thu hẹp khoảng cách đào tạo ở các hình thức đào tạo khác nhau. Việc phân biệt này sẽ là rào cản trong nỗ lực của các trường. Ông Hồng lý giải: nếu người học tại chức học tốt, có việc làm tốt sẽ khuyến khích người học nỗ lực hơn, đầu vào tốt hơn, đầu ra cũng sẽ cao hơn.

Tương tự, ông Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - tuy khẳng định chất lượng đào tạo tại chức không bằng chính quy, nhưng cho biết không nên đánh giá năng lực của người học thông qua tấm bằng bởi nó mới chỉ phản ánh một cách định tính. Cần phải khảo sát năng lực thực tế thông qua thi tuyển để có đánh giá toàn diện hơn.

Theo ThS Vũ Thúy Quỳnh - trưởng khoa tại chức Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc một số tỉnh từ chối hệ đào tạo tại chức ngay trong tuyển dụng giáo viên chứng tỏ họ nhìn thấy “vấn đề” trong lịch sử tuyển dụng, đào tạo của họ. Tuy nhiên, không thể vì thế đánh đồng tất cả học viên tại chức như nhau.

Bắt đầu ít người học

Thực tế, việc một số tỉnh từ chối người tốt nghiệp tại chức kéo dài suốt mấy năm gần đây cũng làm nguồn tuyển sinh của nhiều trường CĐ, ĐH đối với các hệ diện ngoài ĐH chính quy này bị bó hẹp. Khoa tại chức Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), theo bà Vũ Thúy Quỳnh, nguồn tuyển sinh đã vắng đi nhiều, chỉ còn lại nguồn liên thông ĐH (chủ yếu theo đơn đặt hàng của các tỉnh) và văn bằng 2 không chính quy cho người đang đi làm.

Sau khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài nhiều địa phương từ chối tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào đội ngũ công chức, tiếp tục có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau, phản đối hoặc ủng hộ mạnh mẽ.

Nhưng có một câu hỏi chung đặt ra: Không nhận sao đào tạo làm gì? Và mổ xẻ vấn đề này chỉ "tội nghiệp" cho những ai đã học tại chức.

Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu của bạn đọc:

* Đừng nghi ngờ vô lý

Tôi cho rằng đây là một việc làm hết sức thiếu trách nhiệm và ngại khó của lãnh đạo sở X,Y, Z nào đó. Điều này cho thấy công tác quản lý chưa tốt. Hơn nữa, một phần cũng do "cấp dưới nể cấp trên hay trên nói dưới không nghe", nên dẫn đến đứa con tại chức, liên thông, từ xa phải gánh chịu. Hãy tổ chức tuyển dụng nghiêm túc để tìm ra người có năng lực thật sự, đừng nghi ngờ vô lý.

HỮU VINH

* Nếu không nhận thì ngừng đào tạo

Nếu đã không chấp nhận hình thức liên thông, tại chức, từ xa thì ngừng tuyển sinh, ngừng đào tạo. Chỉ đào tạo chính quy thôi. Ngay cả liên thông cũng vậy. Vì liên thông sẽ không được chấp nhận.

NGUYỄN KHÁNH DƯ

* Đừng đánh đồng tại chức là xấu!

Tôi là người học tại chức ra đây, từ thực tế công việc đã chỉ ra rằng có những người học bằng chính quy, bằng giỏi, Anh văn, vi tính loại tốt, nhưng khi làm việc lại cực kỳ dở tệ, quan hệ đồng nghiệp cũng chẳng ra gì. Còn một số người có bằng tại chức như tôi, công việc làm tốt, quan hệ rộng... từ đó được lên các vị trí cao tại đơn vị.

Có chăng đánh giá 1 con người chỉ dựa vào bằng cấp có nói hết khả năng con người đó không?

Theo tôi, dù học ở đâu, bằng gì thì vẫn có người giỏi người dở. Không thể phân biệt đối xử vậy. Quan trọng là nơi nhận có đánh giá được người mình tuyển vào không. Hay chỉ vì muốn an toàn cho bản thân, cho cái ghế của mình mà nhận người có bằng cấp.

Tôi không đánh đồng bằng nào giỏi hơn bằng nào.

MINH NHỰT

* Xin các vị đi thực tế, đừng ngồi đó mà đánh đồng

Tôi đang là sinh viên tại chức năm thứ 3 tại Trường đại học SPKT TP.HCM. Xin mời quý ông xuống giám sát quá trình học và thi của chúng tôi, xem chất lượng hệ tại chức có gì là xấu xa, yếu kém. Nếu không hài lòng thì bỏ luôn đi đừng đào tạo nữa.

TOCMAY

* Họ chỉ là nạn nhân

Nhà nước đào tạo ra các cử nhân, kỹ sư tại chức, nhưng rồi không sử dụng họ. Phải chăng những cử nhân, kỹ sư này là nạn nhân của một cơ chế giáo dục và sử dụng lao động yếu kém, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan!?

HẢI NAM

* Vô trách nhiệm!

Nhà nước, Bộ GD-ĐT khuyến khích mọi người xã hội hóa giáo dục, sau đó lại đua nhau không tuyển họ! Thiết nghĩ, không phải là hệ tại chức có vấn đề mà cả hệ đào tạo cũng có vấn đề. Tại sao khi tuyển dụng không đánh giá năng lực của họ? Ai tốt, ai giỏi thật sự thì tuyển, không cần biết họ là hệ nào đào tạo, miễn sao đó là con người giỏi để đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ. Chúng ta bỏ ra cho hệ tại chức hàng nghìn tỉ đồng để như thế này sao?

TRỊNH ĐĂNG MINH

* Nên quan tâm chất lượng

Theo tôi, nên quan tâm về chất lượng. Học hệ tại chức không phải là không có chất lượng, mà phải nhìn vào thực tế sinh viên ra trường đi làm như thế nào. Một số tỉnh không tuyển công chức hệ tại chức là không hợp lý. Theo tôi được biết, có một số cán bộ chủ chốt cũng sử dụng bằng tại chức vậy.

ĐINH VĂN TRÀ

* Nồi cơm của các trường

Hệ tại chức là ''nồi cơm'' của các trường. ''Con sâu làm rầu nồi canh'' nên những người khác bị vạ lây luôn.

MINH HẢI

* Bảo thủ

Có về quê mình Nam Định mới thấy bao năm rồi thành phố vẫn vậy chẳng thay da đổi thịt được mấy. Vẫn "quanh năm buôn bán ở ven sông". Đó cũng nhờ chính sách "nói không với tại chức" đó. Tại chức đang bị tẩy chay nhưng có ai dám khẳng định 100% người học tại chức kém, muốn biết tại sao không kiểm tra, thi thố mà "phán" một cái đùng vậy!

Ngày xưa kháng chiến, Bác Hồ nói "ai có gươm dùng gươm, ai không có thì dùng giáo mác, gậy gộc..." là ý muốn nói đến việc huy động hết nguồn lực của dân. Hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang khó khăn, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển kinh tế là điều nên làm. Vậy sao chúng ta cứ tự chặt vào chân mình?

TUẤN ANH

* Không nên vơ đũa cả nắm

Thực ra mà nói nhiều người học tại chức nhưng lại rất giỏi, rất có chí hướng trong công việc. Chẳng qua họ kém may mắn nên họ phải chấp nhận mà thôi. Bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp COCC chỉ muốn kiếm một mảnh bằng dù chỉ tại chức để nhét vào một chức danh nào đó trong cơ quan để họ yên tâm về nghỉ hưu. Cũng có nhiều trường hợp chạy điểm, chạy trường để kiếm cho được cái bằng chính quy nhưng thật ra "hổng biết gì cả".

Vậy nên chúng tôi mong rằng UBND tỉnh Quảng Nam hãy sáng suốt lựa chọn nhân tài chớ không phải dựa trên mảnh bằng "tại chức hay chính quy"!

ĐOÀN THỊ NGUYỆT

* Hành xử mâu thuẫn!

Các vị cán bộ nhà nước mà hành xử một cách mâu thuẫn và rất vô trách nhiệm. Tôi dẫn chứng:

1. Nếu chê bai hệ tại chức thì phải bỏ đãi ngộ cho tất cả cán bộ học hệ tại chức. Những ai đã được nâng lương do có bằng tại chức phải bị thu hồi lương.

2. Tuyển dụng mà không có quy trình tuyển dụng khoa học, không có năng lực tuyển dụng nên dùng ngay cái trò rất ư là cán bộ: "loại bằng cấp". Thử hỏi 1 người du học Singapore về thì xét là bằng gì ? Sau bao năm chính quy công lập nay xếp hạng trí tuệ của ta là thứ mấy?

TÂM

* Từ chối là đúng

Hệ tại chức là hệ vừa học vừa làm nhưng cả làm và học đều nửa vời, làm không ra làm học chẳng ra học. Đây là tiếng còi báo động cho những người học chỉ muốn hợp thức hóa bằng cấp, những người dạy chỉ muốn có số lượng khổng lồ học viên, cho những người lãnh đạo ngành giáo dục chỉ muốn ứng dụng cách của nước ngoài mà không quản lý chặt chẽ phù hợp với tình hình Việt Nam.

HA THUY

* Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà

Chúng ta phải xét đến yếu tố xã hội, giá trị nơi tạo ra học vị, bằng cấp và môi trường đào tạo. Hãy đặt cho nó một vị trí trân trọng để xây dựng một ngành giáo dục có bản sắc riêng của nó và cũng nên để cho xã hội được quyền lựa chọn và quyết định cho vấn đề này.

LONG VŨ

* Khôi hài

Trước khi thi đại học thì nhiều nhà làm giáo dục đã đăng đàn trấn an rằng "đại học không phải là con đường duy nhất". Tôi hiểu câu nói này là có rất nhiều con đường để thành công chứ không phải chỉ có học đại học, như học trung cấp sau đó liên thông, học nghề, học tại chức, học từ xa... Để minh chứng cho câu trấn an của mình, các vị ấy đã mở rộng quy mô, liên kết để khuyến khích học sinh đi học tại chức, từ xa, liên thông... để rồi bây giờ cũng chính họ - những con người làm giáo dục - lại nhẫn tâm "ruồng bỏ" sản phẩm do mình đào tạo... Thật khôi hài.

PHẠM ĐÌNH TRUNG NGHĨA

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Tuoitre)