Trẻ bị bắt nạt rất nhạy cảm, cha mẹ không nên nói những lời dưới đây để tránh gây tổn thương cho con.
Cha mẹ nên bầu bạn với trẻ nhiều hơn khi trẻ bị bắt nạt
1. "Con cứ mặc kệ đi"
Cha mẹ không nên khuyên trẻ phớt lờ những kẻ bắt nạt, điều này chỉ khiến chúng tránh mặt đối phương, không thể giải quyết tình huống triệt để. Bà Barbara Coloroso, tác giả cuốn sách The Bully, the Bullied, and the Bystander, nhận định khi trẻ phớt lờ lời chế nhạo và tấn công, các em sẽ dần quen và tiếp nhận thông điệp độc hại từ kẻ bắt nạt. Từ đó, trẻ sẽ mặc định bản thân không tốt, "đáng" bị bắt nạt. Bà Katie Hurley, tác giả cuốn sách The Happy Kid Handbook: How to Raise Joyful Children in a Stressful World, chia sẻ với HuffPost: "Khi cha mẹ nói những lời này, trẻ sẽ cảm thấy bị cô lập. Điều đó sẽ khiến các em cảm thấy cô đơn và dễ tổn thương hơn".
2. "Con phải cứng rắn lên"
Lời khuyên "cứng rắn lên" hoặc "nam tính lên" thường nhắm vào những bé trai bị bắt nạt. Những lời nói này dễ buộc các bé trai phải kìm nén nỗi sợ và cảm giác bất an. Về lâu dài, trẻ có thể bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm. "Những lời nói này thúc đẩy bạo lực và khiến đời sống tình cảm của trẻ bị phá hủy", bà Katie Hurley nói.
3. "Con chỉ đang làm quá lên thôi"
Trẻ thường rất khó mở lời với cha mẹ về chuyện bị bắt nạt. Nếu phụ huynh cho rằng con đang phóng đại, làm quá mọi chuyện, trẻ sẽ trở nên xa cách, ít tâm sự với cha mẹ hơn. Bà Hurley cho biết nhiều nữ sinh bị bắt nạt không thể nhờ người khác giúp đỡ vì họ lo lắng sẽ bị "gắn mác" làm quá, yếu đuối, không biết xử lý các vấn đề xã hội. "Điều này làm ảnh hưởng lòng tự trọng của trẻ", nữ tác giả nói.
4. "Con tự giải quyết đi"
Nhiều người lớn muốn dạy con độc lập, biết tự xử lý vấn đề. Tuy nhiên, bị bắt nạt lại thuộc phạm trù khác. Nạn nhân của những vụ bắt nạt không thể tự chống trả hoặc giải quyết ổn thỏa. Nếu con bị bắt nạt và nhờ giúp đỡ, cha mẹ cần giúp đỡ và tiếp thêm sức mạnh cho con. "Cha mẹ cần ra tay và giải quyết những điều trẻ bị bắt nạt không thể tự làm được", ông Tony Volk, giáo sư Tâm lý học phát triển ở Đại học Brock (Canada), khuyên.
5. "Trẻ ở tuổi này là như vậy"
Những lời động viên "nửa mùa" và đổ lỗi cho độ tuổi chỉ khiến trẻ tổn thương hơn sau những lần bị bắt nạt. Bắt nạt là điều có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, không riêng trẻ em. "Nếu cha mẹ vô tình 'hợp lý hóa' hành vi bắt nạt, trẻ sẽ cho rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là chịu đựng trong im lặng", bà Barbara Coloroso nêu.
6. "Con tự chống trả đi"
Nhiều cha mẹ muốn con trở nên mạnh mẽ, quyết đoán, ngay cả khi con đang bị bắt nạt. Tuy nhiên, họ không biết rằng những đứa trẻ quyết đoán cũng có thể bị bắt nạt. Bà Hurley nhận định kẻ bắt nạt thường có đồng minh hoặc đi theo nhóm, khiến nạn nhân không thể chống trả. Bà Bailey Huston, nhân viên Trung tâm Phòng chống Bắt nạt Quốc gia (Mỹ), cho rằng việc cha mẹ nói con tự chống trả có thiện chí, nhưng dễ gây hại trẻ. "Điều này ngụ ý con bạn phải có trách nhiệm tự giải quyết vấn đề. Nếu bạn buộc con phải tự giải quyết mà không cho chúng lời khuyên, tình hình có thể xấu đi", bà nói.
7. "Con đánh lại nó đi"
Trẻ được phép tự bảo vệ bản thân trong những cuộc xung đột thể xác với kẻ bắt nạt. Tuy nhiên, cha mẹ không nên khuyên con đánh lại, khuyến khích bạo lực không phải điều người lớn nên làm. Bà Coloroso nhận thấy những kẻ bắt nạt thường chọn mục tiêu là người yếu thế hơn. "Nếu trẻ thua trong trận đánh trả, rất có thể các em sẽ phải đối mặt những trận bắt nạt nghiêm trọng hơn", bà nhấn mạnh.
Theo ZING News