>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

Báo động chất lượng đào tạo ngành y

Theo tài liệu báo cáo tổng kết năm học 2013 của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong số 50 trường tại TP.HCM có gửi báo cáo, các trường tuyển sinh được 45.839 học sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Trong đó nhóm ngành sức khỏe với các ngành dược, điều dưỡng và y sĩ chiếm 47,64% với 21.836 học sinh. Các ngành còn lại hầu hết chiếm tỉ lệ dưới 10%, rất nhiều ngành chiếm chưa tới 1%. Nhóm ngành sức khỏe trở thành “phao cứu sinh” cho rất nhiều trường TCCN, kể cả trường Cao đẳng trong điều kiện hiện nay.

Nhiều trường mở ngành y dược không có sự kiểm soát

Một buổi thực hành của các sinh viên ngành Y.

Chiếm 40-50% học sinh nhập học

Theo thống kê, hiện TP.HCM có 34 trường TCCN. Trong số này có 17 trường đang đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe. Không chỉ nhiều về số lượng trường đào tạo, chỉ tiêu của các ngành này ở các trường cũng ở mức “khủng”, áp đảo các ngành còn lại.

Hiệu trưởng một trường trung cấp tư thục cho biết: trường có hơn 10 ngành đào tạo với hơn 2.000 chỉ tiêu, trong đó có ba ngành liên quan đến sức khỏe là điều dưỡng, dược và y sĩ. Riêng ba ngành này đã có đến 1.500 chỉ tiêu. Ông này cho biết hằng năm số lượng học sinh nhập học ba ngành này chiếm 40-50% tổng số học sinh nhập học. Trong khi đó, nhiều ngành khác gắng gượng lắm mới mở được một lớp với vài chục học sinh, có ngành còn không mở được do không có hoặc quá ít người học.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường trung cấp hiện nay. Một hiệu trưởng khác thẳng thắn hơn: "Mấy năm gần đây các trường TCCN tuyển sinh rất khó khăn. Trường nào không có các ngành khối sức khỏe thì việc tuyển sinh càng khó khăn hơn. Thực tế đa số học sinh nhập học đều vào ngành dược hoặc điều dưỡng, các ngành khác rất ít. Điều này dễ dàng thấy được trong cách phân bổ chỉ tiêu cho các ngành".

Chỉ tiêu chênh lệch nhiều nhất có lẽ là tại Trường trung cấp Âu Việt. Dù tuyển đến 2.350 chỉ tiêu cho tám ngành nhưng riêng ngành dược đã tuyển 1.050 chỉ tiêu, điều dưỡng 300 và y sĩ 500 chỉ tiêu!

Đa số trường đều phân chỉ tiêu một vài ngành sức khỏe chiếm 50-80% tổng chỉ tiêu của trường. Mỗi ngành sức khỏe có từ 200 đến hơn 1.000 chỉ tiêu! Trường trung cấp Hồng Hà tuyển 800 chỉ tiêu dược sĩ. Trong số 2.200 chỉ tiêu, Trường trung cấp Bách khoa Sài Gòn phân cho các ngành điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ và dược đến 1.500 chỉ tiêu. Tương tự, với 1.300 chỉ tiêu, Trường trung cấp kỹ thuật và công nghệ Cửu Long phân cho ngành dược đến 660 chỉ tiêu, điều dưỡng 200 chỉ tiêu. Sự chênh lệch chỉ tiêu như thế còn có ở Trường trung cấp Phương Nam. Chỉ riêng ngành dược trường này tuyển đến 1.600 chỉ tiêu, điều dưỡng 800 chỉ tiêu. Trường trung cấp Quang Trung có 1.500 chỉ tiêu nhưng các ngành khối sức khỏe đã chiếm 1.350 chỉ tiêu...

Nhiều trường mở ngành y dược không có sự kiểm soát

Ngành Y Dược trở thành "cứu cánh" của các trường hiện nay.

“Công nghệ” dạy - thu tiền

Trong lúc các ngành kỹ thuật ngày càng teo tóp, ít người học thì nhóm ngành chăm sóc sức khỏe lại luôn thu hút người học. Điều này lý giải tại sao số trường mở ngành sức khỏe ngày càng nhiều. Nói như hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP.HCM, có cầu ắt sẽ có cung. Theo ông này, dù trường đã làm công tác tư vấn hướng nghiệp nhưng rốt cục học sinh vẫn không vào các ngành kỹ thuật. Việc tuyển sinh ngày càng khó khăn, trường đã đầu tư mở hai ngành khối sức khỏe và phần nào cầm cự được, chứ nếu chỉ có các ngành kỹ thuật thì không đủ chi phí trang trải hoạt động của trường.

PGS-TS Huỳnh Văn Hóa - phó trưởng khoa Dược, trường ĐH Y Dược TP.HCM - cho rằng có những bất cập trong việc xác định chỉ tiêu dẫn đến việc có ngành tuyển đến cả ngàn chỉ tiêu. Với số lượng sinh viên, học sinh như vậy, việc dạy đã trở thành “công nghệ” và cứ chia ca ra mà dạy, thu tiền. Một phòng thực hành có thể đáp ứng nhu cầu cho 50 người học cùng lúc, với 1.000 học sinh thì trường phải có rất nhiều phòng thực hành hoặc học sinh chia ca ra học xoay vòng. Như thế khó có thể đảm bảo chất lượng trong khi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đòi hỏi rất cao về kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp.

Ông Hóa cũng nói thêm các trường công lập chuyên đào tạo y dược có đội ngũ hùng hậu cả về số lượng và chất lượng, phòng ốc trang thiết bị phục vụ đào tạo được trang bị tốt nhưng bị giới hạn về chỉ tiêu đào tạo. Trường xin đào tạo ngoài ngân sách để tận dụng nguồn lực này đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng không được Bộ GD-ĐT đồng ý. Trong khi đó, các trường ngoài công lập thì tuyển với số lượng rất lớn, đội ngũ phải đi thỉnh giảng và trang thiết bị cũng còn hạn chế.

Lúng túng trong khâu xác định nguồn lực

Ông Phạm Ngọc Thanh (Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết:

"Đúng là những năm trước có tình trạng nhiều trường mở ngành Y Dược và số học sinh tuyển hằng năm của các ngành này ở các trường rất cao. Đây là hậu quả của việc lúng túng trong khâu xác định nguồn nhân lực. Hiện nay, khi có hồ sơ mở ngành liên quan đến nhóm ngành y dược, sở đều mời Sở Y tế có ý kiến về nhu cầu nhân lực. Tuy nhiên, các trường cũng lý giải rằng việc đào tạo không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả khu vực, nên đó là vấn đề khó khi xác định nhu cầu nhân lực, cấp phép đào tạo. Năm 2012, khi có ý kiến về việc mở ngành sức khỏe, đại diện Sở Y tế cho rằng nhu cầu nhân lực ngành điều dưỡng bậc trung cấp có khả năng thừa. Muốn có việc làm, học sinh phải học thêm các khóa bổ trợ khác về y học dự phòng hay cổ truyền."

Kênh tuyển sinh (Theo TTO)