Sau khi điểm thi THPT quốc gia được công bố chính thức, nhiều bạn trở nên hoang mang vì số điểm đăng ký xét tuyển của mình thấp hơn điểm chuẩn đại học năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc một số bạn sẽ đối mặt với thất bại lớn nhất ở cái tuổi mười tám - trượt đại học. 

> Tra cứu điểm chuẩn đại học 2019 nhanh nhất

Sau ngày 14/07 năm nay (các Sở GD-ĐT địa phương công bố điểm thi THPT, điểm thi đại học) đã có không ít sĩ tử thất vọng với điểm số của mình.

Theo quy định, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần. Do đó ngay sau khi biết điểm thi, một số bạn sẽ điều chỉnh nguyện vọng để sát với khả năng trúng tuyển ngành yêu thích. Một số bạn khác vẫn giữ nguyên nguyện vọng và hồi hộp chờ đợi kết quả vào tháng 8. Nếu may mắn, bạn sẽ trúng tuyển đợt 1. Nếu không đỗ tất cả nguyện vọng đã đăng ký, bạn sẽ làm gì?

Tham gia xét tuyển đợt bổ sung

Bộ GD&ĐT quy định các trường đại học tự do trong việc xét tuyển. Khi xét tuyển đợt 1, nếu trường chưa đủ chỉ tiêu như công bố ban đầu (có thể do ít thí sinh xác nhận nhập học hoặc ít hồ sơ nộp vào), trường có thể tổ chức xét tuyển các đợt 2, 3 (gọi là xét tuyển bổ sung) cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Theo dự kiến từ ngày 28/8, các trường đại học - cao đẳng bắt đầu xét tuyển bổ sung. Đây được xem là cơ hội để các bạn thi rớt đợt 1 có thể tiếp tục con đường đại học. Các trường sẽ chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 10 ngày so với ngày xét tuyển.

Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý: điểm chuẩn đợt 2 bằng hoặc cao hơn đợt 1, các ngành tuyển sinh đợt 2 thường khá kén người học. Do đó bạn cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.

Ôn tập và thi lại

Tôi có một người bạn vì đam mê học ngành y mà anh ta đã không ngại ôn tập để thi lại đến 2,3 lần. Thi trượt lần 1, anh trải qua tâm lý khủng hoảng và muốn từ bỏ tất cả. Thế nhưng giấc mơ làm bác sĩ, giấc mơ mặc áo blouse trắng với sứ mệnh cứu người đã giúp anh vượt qua nỗi buồn và kiên trì theo đuổi đến cùng. Hiện tại, người bạn của tôi đã trở thành một bác sĩ giỏi tại một bệnh viện lớn của thành phố.

Nếu bạn có niềm tin, vẫn nuôi ước mơ và hoài bão với một ngành nghề nào đó, hãy mạnh dạn trở thành "thí sinh tự do" để đăng ký thi tiếp vào năm sau. Tuy nhiên, bạn cần có kế hoạch ôn tập rõ ràng và không nản chí.

Học trường nghề

Nước ta hiện đang đối mặt với hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sau nhiều năm đèn sách. "Đỗ đại học để rồi thất nghiệp" đó là điều không ai muốn. Lý do là nhiều bạn chọn sai ngành nghề ngay từ đầu, kiến thức mang nặng tính lý thuyết, không trang bị các kỹ năng mềm cần thiết...

Chính vì lẽ đó mà nhiều bạn chỉ cần thi trượt một lần sẽ sẵn sàng từ bỏ giấc mơ đại học, chọn con đường học nghề để có công việc ổn định, phù hợp với đam mê và sở trường của bản thân.

Nếu thi trượt đại học, bạn sẽ làm gì? - Ảnh 1

Kinh nghiệm trên hành trình học nghề, làm nghề đã giúp nhiều bạn trẻ thành công

Tại các trường Cao đẳng hay Trung cấp nghề, các bạn sẽ được thực hành nhiều, cơ hội tìm việc làm cao. Nhìn chung, mức lương bình quân của các bạn sau khi tốt nghiệp ở mức 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Các ngành nghề triển vọng, có nhu cầu tuyển dụng cao trong xã hội hiện nay: cơ khí, điện tử, ô tô, xe máy, du lịch, khách sạn, nhà hàng, đầu bếp...

> Cơ hội học Trung cấp nghề Quản trị nhà hàng - khách sạn.

Du học

Đối với nhiều người, du học là lối thoát dành cho các sĩ tử trốn tránh việc thi trượt đại học. Nhưng tôi lại nghĩ khác, du học chính là cơ hội chứ không phải lối thoát. Nếu bạn sẵn sàng nghĩ đến con đường này và bắt đầu xây dựng một kế hoạch chỉn chu thì không có gì là quá muộn. Du học giúp bạn nâng cao trình độ ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng và kinh nghiệm sống, điều quan trọng là mở mang kiến thức và thay đổi tư duy. 

Các quốc gia được nhiều học sinh Việt lựa chọn du học: Anh quốc, Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, Singapore...

Xem thêm: Có nên đi du học sau khi trượt đại học?

Học và làm những gì bạn thích

Nhiều bạn trẻ sau mười năm nhìn lại, thực sự cảm ơn cuộc đời đã cho họ cơ hội trượt đại học. Bởi cái thất bại đầu đời ấy đã trở thành "cơ duyên" giúp họ có thời gian khám phá bản thân. Có người tham gia hội nhóm tình nguyện và câu lạc bộ  yêu thích để trau dồi kỹ năng sống, mở rộng mối quan hệ. Có anh bạn xách ba lô đi du lịch và nhận ra mình có năng khiếu chụp ảnh, rồi từ đó học tập và trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Một số bạn tham gia khóa học yêu thích như SEO, viết lách, âm nhạc, kinh doanh... có những định hướng rõ hơn cho con đường nghề nghiệp của mình.

Mark Zuckerberg (CEO Facebook) đã từng nói rằng "Thành công lớn nhất đến từ quyền được tự do thất bại". Thế nên theo tôi, các bạn 2k1 có quyền thi trượt, có quyền tìm hiểu những cánh cửa khác và mạnh dạn bước tới.

Vậy nhé!

Hường Lê - Kênh Tuyển Sinh