Để chọn đúng trường, tăng cơ hội nộp hồ sơ thành công và có học bổng, Đức Việt chỉ ra bốn yếu tố chính với cách sắp xếp chúng theo mức độ ưu tiên.

 Bộ hồ sơ "bình thường" đưa nam sinh đến trường top đầu Mỹ

Bộ hồ sơ 'bình thường' đưa nam sinh đến trường top đầu Mỹ

Với bộ hồ sơ “giản dị nhưng có tính thống nhất cao” dù chẳng có giải thưởng học sinh giỏi quốc gia hay quốc tế, Hoàng Minh Trí vẫn thành công trở thành tân sinh...

Bùi Đức Việt tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Ứng dụng Haaga-Helia ở Phần Lan năm 2018 và hiện làm việc tại Sài Gòn. Sau vài năm đi làm, chàng trai 26 tuổi nộp hồ sơ chương trình MBA (thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) tại Mỹ, hiện đỗ ba trường (top 50) có học bổng.

Tự nhận không quá xuất sắc (GPA 3.72), tiềm lực tài chính bình thường nhưng nhờ tham gia nhiều webinar (hội thảo trên web) từ các trường, tổ chức tư vấn MBA Mỹ và chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt đạt mục tiêu của mình. Chàng trai Hà Nội chia sẻ hành trình ứng tuyển với những ai muốn nộp chương trình MBA để dồn sức vào đúng chỗ và đúng lúc. Theo Việt, cậu chàng chia sẻ rằng cậu đúc kết được 3 phương pháp chính để giúp bản thân có thể chọn được nơi học MBA vừa ý nhất.

Nam sinh đỗ 3 trường top chia sẻ bí quyết lựa chọn nơi học MBA - Ảnh 1

Đức Việt trong lễ tốt nghiệp Đại học Ứng dụng Haaga-Helia ở Phần Lan tháng 6/2018

1. Đặt ra các tiêu chuẩn chính

Việt cho hay các trường MBA trong top 50 của Mỹ đều có học phí 100.000 USD đến 130.000 USD cho hai năm và tất cả đều có học bổng lên tới 100%. Theo Việt, để chọn đúng trường, ứng viên cần cân nhắc bốn yếu tố chính: Mục tiêu sau khi học xong MBA, thứ hạng của trường (ranking), vị trí địa lý (geography) và môi trường học (study environment).

Lúc chọn trường, bạn không chỉ chọn môn để học mà còn chọn các yếu tố khác như câu lạc bộ sinh viên, mạng lưới cựu sinh viên hay nhà tuyển dụng... Nếu muốn làm cho MBB (ba công ty tư vấn chiến lược số một thế giới là McKinsey&Company, Boston Consulting Group và Bain&Company), theo Việt nên ưu tiên Chicago Booth thay vì một trường nổi tiếng khác là Stanford. Chicago Booth có 21% số sinh viên của khóa MBA sau tốt nghiệp vào làm ở MBB, trong khi Stanford chỉ 8%.

Ngoài ra, mỗi bảng xếp hạng có một tiêu chí khác nhau. Do đó, khi nhìn trường muốn chọn trên bảng xếp hạng, bạn hãy tự nhủ rằng trường đó có thể cộng hoặc trừ năm hay bảy bậc trên bảng xếp hạng khác. Thứ hạng MBA tại Mỹ chia làm ba nhóm.

Nhóm một là Magnificent 7 (M7), gồm những cái tên như HBS (Harvard Business School), Stanford, Wharton, Kellogg, Booth, MIT (Massachusetts Institute of Technology) và Columbia.

Nhóm hai là các trường top 20, gồm nhóm M7 và Yale, Dartmouth, NYU (New York University), Virginia Darden, Cornell Johnson, Carnegie Mellon Tepper, Berkeley Haas, Duke Fuqua, Michigan Ross, Marshall, UCLA Anderson, Texas Austin và Kenan Flager. Các trường này ít danh giá hơn M7 nhưng vẫn trong hàng xuất chúng với mức lương trung bình sau khi tốt nghiệp trên 120.000 USD và bạn cũng có thể làm cho MBB hay FAANG (Meta, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet).

"Khi chọn các nhóm trên, bạn hãy cân nhắc thêm yếu tố địa lý vì ngoài việc coi trọng các trường trong M7, nhà tuyển dụng ở các bang sẽ ưu ái hơn trường thuộc bang họ. Ví dụ, UCLA Anderson không thể được yêu thích bằng Texas Austin tại bang Texas", Việt phân tích.

Nhóm ba là trường từ top 30 đến top 60. Ở nhóm này, ranking không còn nhiều ý nghĩa. "Các bạn nên nhìn vào yếu tố như ranking vùng, ngành hay thương hiệu quốc tế... để đánh giá trường tại top ba", Việt khuyên.

Ví dụ, Babson College có MBA ranking 60 nhưng MBA ranking với chuyên ngành khởi nghiệp lại đứng số một, vượt trên cả các trường như Harvard, MIT hay Booth.

Xét về môi trường học, nếu mục tiêu chính khi đi học MBA là kiến thức thì các tiêu chí về lớp học, trường học nên chiếm đến 90% quyết định của bạn. Bạn thích lớp chỉ khoảng 100 sinh viên hay 500 học sinh? Bạn thích tỷ lệ sinh viên quốc tế cao hay thấp? Bạn muốn tham gia câu lạc bộ sinh viên hay thích tự tạo câu lạc bộ mới? Tất cả yếu tố này ít nhiều đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm MBA của từng du học sinh.

Còn cá nhân Việt đánh giá địa lý là yếu tố quan trọng nhất vì một khía cạnh quan trọng khác của đi học là trải nghiệm văn hóa.

2. Có sự sắp xếp theo từng mức độ ưu tiên

Sau khi đã nắm rõ các yếu tố chính, ứng viên nên sắp xếp thành từng mức độ: Must have (yếu tố phải có), Good to have (không có sẽ làm bạn buồn nhưng cũng xoay xở được) và Whatever (các yếu tố không liên quan, không quan tâm).

Ở trường hợp của mình, Việt xếp theo thứ tự: Vị trí địa lý (must-have), mục tiêu sau khi học MBA và môi trường học tập (good to have) và thứ hạng (whatever). Cậu quyết định chọn Boston University vì thỏa mãn tốt nhất các mong đợi. Boston là nơi lý tưởng để sống vì vừa hiện đại vừa cổ kính, dân số lại không quá đông. Học xong MBA, cậu muốn chuyển hướng qua tư vấn hoặc các công ty công nghệ và đây cũng là điểm mạnh của Đại học Boston. Trường thuộc top 50 cho chương trình MBA theo bảng xếp hạng U.S.News & World Reports, cũng là đại học lâu đời và nổi tiếng ở Mỹ.

3. Tự đánh giá và lựa chọn

Theo Việt, nếu muốn được học bổng toàn phần, ứng viên cần "biết mình biết ta". Ví dụ, Đại học Harvard có GPA trung bình là 3.7 nhưng bạn chỉ đạt 3.2. Khả năng đậu trong trường hợp này hầu như không có.

Trước khi hoàn thành danh sách trường để nộp, ứng viên cần kiểm tra kỹ hồ sơ lớp học (Class Profile) và so sánh với bản thân mình. Tại đây bạn sẽ biết số liệu thống kê của lớp MBA trước như GPA, GMAT, số năm kinh nghiệm... Nếu thông số của bản thân thấp hơn nhiều, bạn nên chọn trường khác hoặc tích lũy đến khi nào xấp xỉ ngang mức trung bình mới nộp.

Sau đó, bạn lướt một vòng Linkedin xem hồ sơ của các sinh viên từng học trường đó. Việc này giúp bạn biết được hai điều. Thứ nhất, công việc trước khi học MBA của sinh viên như thế nào và sau khi học, họ làm ở những chỗ mà bạn có thấy thú vị không.

Nam sinh đỗ 3 trường top chia sẻ bí quyết lựa chọn nơi học MBA - Ảnh 2

Việt trong chuyến leo núi Dolomites ở Italy tháng 6/2019

Tùy vào sức lực, thời gian, thông thường mỗi ứng viên sẽ nộp từ bốn đến mười trường trong cả ba vòng tuyển sinh. Ứng viên nên lập kế hoạch chia nhóm trường (nhóm Giấc mơ, nhóm Thực tế, nhóm Backup) để đảm bảo chiến thắng.

Nhóm Giấc mơ là các trường đã mê từ lâu nhưng cảm giác bạn hơi đuối. Đây là các trường sẽ khiến bạn phải vượt qua giới hạn bản thân mới có thể đậu. Ở nhóm này, bạn chỉ nên nộp một đến hai trường. Nhóm Thực tế gồm các trường chỉ cần làm hồ sơ cẩn thận, mạch lạc là khả năng đậu cao và nếu cố gắng hết mình, bạn còn có khả năng được học bổng. Nhóm này bạn hãy ứng tuyển hai hoặc ba trường.

Các trường chỉ cần nộp hồ sơ tròn vai là chắc chắn đậu, bạn cho vào nhóm Backup và nộp một đến hai trường. Trường dù thuộc nhóm nào đi nữa, bạn cũng nên có tư duy "nếu đậu được vào đây là hạnh phúc".

"Kỳ vọng đổ hết lên nhóm Giấc mơ nhưng cuối cùng đậu nhóm Thực tế sẽ khiến bạn thất vọng. Ở trường hợp của tôi, do thời gian hạn chế, tôi đã nộp một trường Giấc mơ (top 15), hai trường Thực tế (top 40) và một trường Backup (top 50)", Việt nói. Ngoài ba trường đã đỗ, trong đó có Đại học Boston thuộc nhóm Thực tế, Việt đang chờ kết quả của một trường nữa, thuộc nhóm Giấc mơ, sẽ có vào tháng 3.

> Chia sẻ bí quyết trúng tuyển chương trình thực tập tại công ty Big4 của nữ sinh Việt

> Chàng trai Việt Nam vinh dự làm việc tại Tòa án tối cao Singapore

Theo VnExpress