Với bộ hồ sơ “giản dị nhưng có tính thống nhất cao” dù chẳng có giải thưởng học sinh giỏi quốc gia hay quốc tế, Hoàng Minh Trí vẫn thành công trở thành tân sinh viên Đại học Rice danh giá của Mỹ.

Chia sẻ bí quyết trúng tuyển chương trình thực tập tại công ty Big4 của nữ sinh Việt

Chia sẻ bí quyết trúng tuyển chương trình thực tập tại công ty Big4 của nữ sinh Việt

Big4 – công ty hàng đầu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, và tư vấn. Sau đây là chiến thuật giúp nữ sinh trúng thực tập công ty Big4 mà bạn không nên bỏ...

Khi đa số học sinh lớp 12 đang tất bật ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, Hoàng Minh Trí, 18 tuổi, học sinh chuyên Lý trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, tương đối thoải mái. Trong đợt tuyển sinh sớm của các đại học Mỹ, diễn ra vào tháng 11/2021, Trí trúng tuyển Đại học Rice (Mỹ). Theo US News & World report, Rice đứng thứ 17 trong danh sách đại học tốt nhất nước Mỹ.

So với bạn bè, Trí quyết định sẽ du học khá muộn. Đến năm lớp 10, em mới "chốt" kế hoạch này một cách nghiêm túc và bắt đầu tìm hiểu bài bản. Nam sinh cho rằng nếu được quay lại, em sẽ bắt đầu sớm hơn, bởi nhiều hoạt động ngoại khóa khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Trí dành năm lớp 10 để ôn, đến năm lớp 11 sẽ thi chứng chỉ và hoàn thành các bài luận. Xuyên suốt hai năm, em duy trì hoạt động ngoại khóa.

 Bộ hồ sơ 'bình thường' đưa nam sinh đến trường top đầu Mỹ - Ảnh 1

Hoàng Minh Trí, học sinh lớp chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, trúng tuyển Đại học Rice (Mỹ)

Được bố mẹ đầu tư tiếng Anh từ nhỏ, Trí không gặp khó khăn khi ôn IELTS và đạt 8.0. Còn với SAT, Trí đánh giá phần Reading khá khó, các bài đọc tương đối hàn lâm, diễn đạt học thuật. Bắt đầu ôn SAT từ tháng 10/2020, em đăng ký thi sau một tháng để kiểm tra sức mình đang ở ngưỡng nào và đạt 1450/1600. Chưa hài lòng, Trí tiếp tục học thêm để cải thiện điểm số. Nhờ trau dồi vốn từ vựng và quản lý thời gian làm bài tốt hơn, 5 tháng sau, Trí đạt 1520 điểm.

Trong bộ hồ sơ, bài luận chính là yếu tố được các ứng viên đầu tư hơn cả. Với Trí, em dành 1-2 tháng cuối năm lớp 11 để phác thảo nhiều ý tưởng, đề cập đến những trải nghiệm đã có tại các lĩnh vực khác nhau. "Cuối cùng, em "chốt" ý tưởng liên quan đến dạy học.

Trong bài luận, nam sinh kể về trải nghiệm dạy học cho em họ lớp 1. Khi tìm phương pháp giảng dạy, Trí nhận ra nếu tâm lý thoải mái, cô bé học hiệu quả hơn rất nhiều. Nhìn lại bản thân, nam sinh cũng "quên mất rằng học cũng có thể vui, không nhất thiết lúc nào cũng căng thẳng, cứng nhắc". Từ đó, Trí sắp xếp thời gian biểu, cân bằng giữa học và các hoạt động ngoại khóa để đạt hiệu quả tốt hơn.

Để học hỏi về từ ngữ và cách viết luận, chàng trai sinh năm 2004 tham khảo các bài luận khác. Trong khi nhiều bài "như phim", có nút thắt, cao trào và rất kịch tính, Trí thấy luận của em không có gì quá đặc biệt so với mọi người. Sự bất an thoáng chốc xuất hiện, em hơi lo ngại bài luận của mình lép vế. Sau khi tham khảo ý kiến của cố vấn và các anh chị đã trúng tuyển đại học Mỹ, Trí vững vàng hơn. "Em hiểu ra rằng bài luận thể hiện con người mình, không phải bất kỳ ai khác, nên chỉ cần tập trung vào bài của mình thôi", nam sinh nói.

 Bộ hồ sơ 'bình thường' đưa nam sinh đến trường top đầu Mỹ - Ảnh 2

Minh Trí (ở giữa, hàng trên cùng) tích cực tham gia các hoạt động thể thao

Chủ đề bài luận đơn giản nhưng có sự thống nhất với các hoạt động ngoại khóa mà Trí tham gia, trong đó trải nghiệm khiến em tự hào nhất là tổ chức lớp học online cho gần 30 học sinh. Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, học sinh Hà Nội dừng đến trường từ tháng 5/2021 và hầu như chưa hoàn thành bài kiểm tra hết học kỳ II (năm học 2020-2021). Sợ các em có thể quên kiến thức, Trí rủ thêm bốn người bạn khác, tổ chức lớp học online Toán và Tiếng Anh cho học sinh tiểu học.

Sau khi nhờ bố mẹ kết nối và giới thiệu, lớp của Trí được thành lập với gần 30 học sinh lớp 3 và 5. Hàng tuần, lớp học một buổi do năm "giáo viên" thay nhau giảng dạy. Để nắm được phương pháp truyền đạt, Trí phải xem các video bài giảng trên mạng xã hội. Trong các buổi học, Trí và bạn bè cho học sinh luyện bài tập, đôi lúc dạy bài mới, sau đó tổ chức các trò chơi thông qua nhiều nền tảng trực tuyến để củng cố kiến thức.

"Thi thoảng, em nói chuyện với các cô chú là phụ huynh. Các em chia sẻ với bố mẹ rằng rất thích khi học cùng các bạn và anh chị. Em nghĩ đây là thành quả ý nghĩa nhất mà mình và bạn bè đạt được", Trí nói. Sau nửa năm hoạt động, lớp học online buộc phải tạm dừng vì các "giáo viên" bận rộn thi và apply du học. Trí đánh giá, trải nghiệm này giúp em học được cách tổ chức, quản lý và những kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu cả phụ huynh và học sinh tiểu học.

Ngoài giảng dạy, nam sinh trường Ams còn tham gia các cuộc thi về Khoa học Máy tính và đạt thành tích khá cao như top 20 AppJamming Summit 2021, top 1% American Science League (ACSL). Thầy Bùi Tiến Dũng, giáo viên Tin học, THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, cho biết thời gian đầu khi tham gia khóa học về Khoa học Máy tính, Trí gặp đôi chút khó khăn với các bài toán lập trình nâng cao. "Tuy nhiên, đam mê đã giúp Trí trở nên kỷ luật, nghiêm túc trong các giờ học và nắm vững kiến thức trong thời gian ngắn. Bất cứ khi nào có bài tập, Trí luôn sẵn sàng giải quyết và thường là học sinh cuối cùng ở lại để trao đổi thêm với tôi về bài giảng", thầy Dũng chia sẻ.

 Bộ hồ sơ 'bình thường' đưa nam sinh đến trường top đầu Mỹ - Ảnh 3

Minh Trí và bạn bè đến trường Tà Bhing, Quảng Nam, để làm từ thiện

Ngoài thành tích ngoại khóa, Trí luôn giữ vững kết quả học tập ở trường, hai năm lớp 10 và 11 lần lượt đạt điểm trung bình 9,1 và 9,6. Cô Phạm Vũ Bích Hằng, dạy Vật lý và là giáo viên chủ nhiệm của Trí, đánh giá em là học sinh năng động, ham học hỏi và có đam mê đóng góp cho xã hội. Trong quá trình học, Trí thể hiện sự vượt trội trong môn Vật lý và Tin học với khả năng giải quyết các câu hỏi khó.

Hiện, Trí đang học AP (Advanced Placement), chương trình xếp lớp nâng cao dành cho học sinh THPT dự định du học, nhằm làm quen với các môn sẽ được học ở đại học. Nếu đạt đủ điểm theo yêu cầu, em có thể bỏ qua một số tín chỉ khi đến Rice vào tháng 8 năm nay.

Nếu xét về từng tiêu chí trong bộ hồ sơ, Trí khó chọn được đâu là yếu tố đặc biệt hoặc điểm sáng giúp em nổi bật so với các ứng viên khác. Tuy nhiên, nếu đặt những thứ "bình thường" đó cùng nhau, hồ sơ của Trí có sự thống nhất, đồng đều và thể hiện được nhiều khía cạnh của em. Nhờ vậy, Trí đã trúng tuyển Đại học Rice ngay trong đợt tuyển sinh sớm. "Quá trình chuẩn bị hồ sơ du học chưa bao giờ là dễ dàng. Mọi thứ sẽ rất mệt mỏi nhưng nếu chăm chỉ và không bỏ cuộc, thành quả nhất định sẽ đến", Trí nói.

> FOMO là gì mà tại sao hầu hết sinh viên Việt Nam đều mắc phải? 

> Chàng trai Việt Nam vinh dự làm việc tại Tòa án tối cao Singapore 

Theo VnExpress