Khi nhắc đến Big4 (EY, KPMG, PwC, Deloitte) – người ta sẽ rất háo hức khi được làm việc ở công ty hàng đầu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, và tư vấn. Sau đây là chiến thuật giúp nữ sinh trúng thực tập công ty Big4 mà bạn không nên bỏ qua.

Chia sẻ bí quyết trúng tuyển chương trình thực tập tại công ty Big4 của nữ sinh Việt - Ảnh 1

Những chia sẻ của Thái Doanh Nghi sẽ là hành trang cho các bạn mong muốn được làm tại Big4

Thái Doanh Nghi hiện là sinh viên năm ba ngành Kiểm toán (Audit & Assurance) ở Đại học DePaul, thành phố Chicago, bang Illinois. Nghi nộp đơn cho bốn công ty kiểm toán khác nhau gồm Deloitte, EY, PwC, RSM nhưng hai trong số này từ chối vì không hỗ trợ visa đi làm cho du học sinh. Sau hai vòng phỏng vấn, Nghi được nhận vào thực tập tại Deloitte, thuộc nhóm Big4 - bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới về quy mô và doanh thu.

Nghi chia sẻ về những kinh nghiệm của mình.

1. Chuẩn bị (năm nhất và năm hai)

1.1. Networking (Mở rộng mối quan hệ chuyên nghiệp)

Các giáo sư ở trường: Thầy cô là những người đi trước, từng làm trong các công ty lớn nhỏ liên quan đến ngành học cũng như đào tạo những anh chị đã và đang làm ở các công ty này. Nên gợi ý đầu tiên được tôi áp dụng thành công là hãy mạnh dạn nói chuyện với thầy cô để xin liên lạc của một anh/chị đi trước và nhờ họ làm mentor (cố vấn). Họ sẽ giúp bạn sửa Resume (hồ sơ) hay chia sẻ kinh nghiệm...

Career Events (Ngày hội việc làm do trường hoặc những công ty lớn tổ chức): Ngoài việc tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích để chuẩn bị xin việc từ bộ phận tuyển dụng, những sự kiện này sẽ có khách mời là các anh/chị đang làm việc tại đây. Khi tham gia, hãy mạnh dạn giơ tay đặt câu hỏi, bạn sẽ gây được ấn tượng với họ. Trước khi hỏi, bạn nhớ giới thiệu sơ lược về họ tên, chuyên ngành, năm sẽ tốt nghiệp và tên trường đại học của mình.

Tôi từng tham gia nhiều sự kiện do Deloitte và trường tổ chức, được nói chuyện với nhiều khách mời đang làm việc tại công ty này, gồm một chú Partner (nhân viên cấp cao) ở Deloitte. Lúc tôi đi phỏng vấn, tình cờ người phỏng vấn tôi ở vòng cuối là chú ấy. Do đã được làm quen với chú từ trước nên tôi khá thoải mái và chú cũng có ấn tượng với tôi.

Kết thúc phỏng vấn, chú đã gọi điện thoại cho tôi để báo được nhận thay vì đợi bộ phận tuyển dụng trả lời sau 3-5 ngày như các bạn khác. Tôi cũng nhờ sự giúp đỡ của một thầy ở trường và một chị cố vấn ở Deloitte xem Resume trước khi nộp hồ sơ.

1.2. Resume

Template (mẫu sẵn): Bạn nên ghi Resume ngắn gọn và dễ đọc vì trung bình bộ phận tuyển dụng chỉ nhìn 5-10 giây cho một hồ sơ. Hãy sắp xếp hoạt động theo thời gian hoặc mức độ liên quan đến ngành nghề và không nên sử dụng những phông chữ kiểu khó đọc hay chèn thêm trang trí xung quanh để tránh rối mắt. Một template ngay hàng thẳng lối và rõ ràng cũng giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Kinh nghiệm: Đa phần ứng viên thiếu hụt kinh nghiệm vì đều đang là học sinh, sinh viên. Một cô ở bộ phận tuyển dụng của Deloitte đã nói với tôi rằng họ không để ý lắm về việc ứng viên có kinh nghiệm chuyên ngành hay chưa. Sau khi bạn được nhận, công ty sẽ có khóa đào tạo riêng về mảng này.

Vấn đề họ lưu ý là những kinh nghiệm về kỹ năng mềm tuỳ vào vị trí bạn nộp (teamwork, quản lý thời gian...). Vì vậy, các bạn có thể kể những hoạt động ngoại khoá ở trường hay những công việc bán thời gian ở quán cà phê.

Bạn hãy liệt kê số liệu chứng minh (nếu có), ví dụ: Tăng giá trị doanh thu của quán gấp ba lần khi áp dụng hình thức phục vụ mới. Đồng thời ở mục cuối, hãy liệt kê giải thưởng bạn đạt được trong quá trình học tập để gây thêm ấn tượng.

2. Vòng hồ sơ (Nộp Resume):

- Đọc kỹ miêu tả công việc (yêu cầu về kỹ năng) và điều chỉnh Resume dựa trên những tiêu chí đó. Chỉ nên tập trung vào những công việc entry-level (công việc không đòi hỏi kinh nghiệm) để tránh mất thời gian của bản thân.

- Chuẩn bị một mẫu thư cảm ơn để email cho nhà tuyển dụng trong vòng 24 giờ sau khi phỏng vấn. Bí quyết là bạn hãy để phần thân của lá thư trống với 2-3 chấm tròn để bổ sung những ấn tượng riêng của bạn về mỗi cuộc phỏng vấn.

- Đối với những bạn đang du học Mỹ, hãy tìm hiểu kỹ những công ty nào hỗ trợ visa để bạn ở lại làm việc. Đa phần những công ty nhỏ và vừa sẽ ít hỗ trợ việc này hoặc sẽ từ chối hồ sơ ngay khi thấy bạn là du học sinh.

3. Vòng phụ:

- Một vài công ty lớn sẽ có thêm một hoạt động phụ. Ở vòng này, họ sẽ cho bạn "chơi" game online để đánh giá kỹ năng nhạy bén, ghi nhớ. Nếu gặp những nhiệm vụ đó, bạn hãy bình tĩnh chọn một nơi yên tĩnh ở nhà và tập trung thực hiện.

- Nhiều công ty lớn sẽ có một vòng phỏng vấn "không người" trên máy tính như khi thi Speaking trong TOEFL để tiết kiệm thời gian. Bạn sẽ xem video câu hỏi và thu lại câu trả lời của mình ngay sau đó. Gợi ý của tôi là vì phỏng vấn trên máy tính rất bất tiện và rắc rối, cũng như không được tự nhiên, bạn hãy luyện tập bằng cách thu video bản thân đọc câu hỏi và luyện tập với những video đó để quen nói chuyện với máy tính.

- Phỏng vấn online không người nhưng bạn hãy lưu ý hình nền. Hãy lựa nơi có ánh sáng và mạng tốt, hình nền đơn giản và mặc trang phục, đầu tóc gọn gàng, lịch sự như khi đi phỏng vấn thực sự. Hãy để cơ mặt và cơ thể bản thân thả lỏng, cũng như luôn nở nụ cười khi trả lời và nhìn thẳng vào camera (không ngó nghiêng xung quanh hay cúi đầu nhìn chỗ khác).

4. Vòng phỏng vấn (hai vòng):

- Đối với những công ty không có vòng phỏng vấn không người, ở vòng đầu tiên, bạn sẽ được phỏng vấn bởi một nhân viên giữ chức vụ trưởng phòng làm việc lâu năm tại đây (manager hay senior manager) và vòng thứ hai là của một nhân viên cấp cao (partner).

- Mẹo phỏng vấn

Tìm hiểu về công ty: Trong phần phỏng vấn thường sẽ có câu hỏi vì sao bạn lại chọn công ty này. Để gây ấn tượng, thay vì trả lời chung chung như công ty lớn, môi trường làm việc tốt, bạn hãy có một câu trả lời "cá nhân" bằng một vài điều về công ty mà bạn tìm hiểu được trên mạng.

Ví dụ, tôi đã trả lời rằng mình chọn Deloitte vì đây là một trong bốn công ty Big 4 có CEO là nữ. Với việc phụ nữ hay bị thiệt thòi trong môi trường làm việc (khó thăng chức do sinh con...), tôi tin việc có CEO là nữ sẽ làm công ty tạo điều kiện tốt cho nhân viên nữ phát triển.

Câu hỏi tình huống: Đối với những câu hỏi này, các bạn hãy áp dụng phương pháp S-T-A-R (Situation-Task-Action-Result) để trả lời bằng cách kể chuyện. Đồng thời, trong phần Action, hãy đưa những hành động có điểm sáng về các kỹ năng mềm.

Ví dụ ở vòng hai, người phỏng vấn đã hỏi tôi kể về một tình huống khó khăn khi làm việc nhóm và tôi đã giải quyết như thế nào?

Tôi đã kể lại câu chuyện trong một lớp học Marketing. Tôi phải họp nhóm online vì dịch nên khó khăn trong việc kết nối nhóm (Situation-Tình huống). Tôi quyết định sẽ tìm cách làm cả nhóm kết nối và trao đổi nhiều hơn (Task-Vai trò). Tôi chủ động tạo GroupMe cho nhóm, đồng thời lên kế hoạch gọi Zoom cũng như bàn luận với các bạn về hạn chế riêng của từng người (Action-Hành động). Cuối cùng, nhóm tôi đã đạt được thành quả xứng đáng (Result-Kết quả).

Trong phần Action, tôi sử dụng những động từ quan trọng như lead (dẫn dắt/chủ động) và analyze (đánh giá/nghiên cứu) để thể hiện kỹ năng mềm.

Câu hỏi về bản thân: Ngoài câu hỏi tình huống, câu hỏi về bản thân như tại sao bạn nghĩ mình khác biệt với các ứng cử viên khác hay điểm mạnh điểm yếu của bạn? Bí quyết của tôi là đừng quá chú trọng vào việc "khoe" điểm mạnh/kỹ năng (chăm chỉ, cẩn thận...), thay vào đó, hãy cho thấy bản thân sẽ tâm huyết với công việc này (tinh thần học hỏi...) hoặc tôi đã/sẽ trau dồi bản thân để sửa đổi yếu điểm ra sao.

Câu hỏi cuối buổi để hỏi người phỏng vấn: Tuyệt đối khi nguời phỏng vấn hỏi bạn còn câu hỏi nào nữa không, đừng bao giờ nói không. Hãy chuẩn bị 1-2 câu về công ty hay về người phỏng vấn để hỏi.

Ví dụ cuối buổi phỏng vấn hai, tôi đã hỏi người phỏng vấn rằng sẽ cho bản thân lời khuyên gì nếu trở về độ tuổi của tôi. Câu hỏi này thực sự giúp tôi ghi ấn tượng với chú ấy.

Những quy định về việc làm thêm tại các nước mà du học sinh nên biết

FOMO là gì mà tại sao hầu hết sinh viên Việt Nam đều mắc phải?

Theo VnExpress