Nếu đủ điều kiện đỗ vào đại học ở Mỹ, ứng viên có thể được xét học bổng hay hỗ trợ tài chính với nhiều khoản như trợ cấp, tiền vay..., tùy học lực và tài chính của gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được sự khác nhau giữa học bổng và hỗ trợ tài chính ở đại học Mỹ.
Anh Nguyễn Ngọc Khương, nhà tư vấn chiến lược, chuyên viên tư vấn độc lập ở bang Minnesota, Mỹ, hướng dẫn phân biệt các loại học bổng, hỗ trợ tài chính trong các đại học Mỹ:
Chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính ở đại học Mỹ khá phức tạp. Có trường chỉ trao học bổng dựa trên học lực (Merit-based Scholarship) hoặc hỗ trợ dựa trên khả năng tài chính của gia đình (Need-based Financial Aid), có trường trao cả hai nhưng cũng có trường không cho gì.
Khi chọn trường, học sinh nên ưu tiên theo thứ tự: học bổng và hỗ trợ tài chính, chỉ hỗ trợ tài chính, chỉ học bổng, không hỗ trợ.
Vì giàu có, các trường hàng đầu thường rất hào phóng nhất với sinh viên quốc tế nhưng đây cũng là những trường khó vào nhất.
Các hình thức học bổng và hỗ trợ tài chính ở đại học Mỹ:
- Học bổng (Merit-based Scholarship): Nhiều phụ huynh và học sinh thường hỏi về học bổng mà không biết đây chỉ là một yếu tố trong gói hỗ trợ tài chính. Học bổng được trao cho ứng viên dựa trên học lực (merit-based), thường có tên như Presidential Scholarship, Excellence Scholarship, hoặc Trustee Scholarship với giá trị từ 5.000 USD (hơn 119 triệu đồng) đến toàn học phí hoặc toàn phần.
Bạn có thể nhận hai hoặc ba học bổng và kết hợp chúng với nhau nhưng cũng có trường không cho phép điều này. Các trường ít khi công bố tiêu chí, mà chỉ viết sẽ trao cho ứng viên xuất sắc. Nhiều trường không công bố danh sách cũng như giá trị của chúng.
- Hỗ trợ tài chính (Need-based Financial Aid): Sau khi đã xét cho bạn một lượng học bổng nhất định, trường bắt đầu xét hỗ trợ tài chính. Việc này dựa trên khả năng kinh tế của gia đình học sinh. Gia đình với khả năng chi trả thấp thì được cho nhiều tiền hơn nhà có khả năng chi trả cao.
Ví dụ, bạn ứng tuyển vào một trường có tổng chi phí 60.000 USD/năm (hơn 1,4 tỷ đồng) nhưng khai chỉ đóng được 20.000 USD. Sau khi xét hồ sơ, trường thấy bạn học giỏi nên cấp học bổng trị giá 30.000 USD/năm. Việc đóng số còn lại vẫn cao hơn khả năng, trường xét cho thêm 10.000 USD nữa để gia đình bạn nhận được 40.000 USD và vừa đủ tiền để đóng.
Hỗ trợ tài chính được chia thành 3 dạng: tiền chu cấp (grants), thù lao làm việc ở trường (work-study), và tiền vay (loan).
- Tiền chu cấp (Grants): Đây là tiền trợ cấp dựa trên khả năng đóng của học sinh, không quan trọng học lực. Thí sinh cần bao nhiêu thì sẽ nhận hỗ trợ bấy nhiêu. Đối với học sinh Mỹ, họ nhận tiền chu cấp từ ba nguồn: chính phủ liên bang (Federal grant), chính phủ tiểu bang (State grant) và trường (Institutional grant).
Trong khi đó, sinh viên quốc tế chỉ nhận chu cấp từ trường. Giá trị của tiền chu cấp linh hoạt, có thể thay đổi hàng năm dựa trên nhiều yếu tố. Ví dụ, năm thứ ba bạn chuyển ra ngoài sống, tiền chu cấp sẽ giảm vì trường cho rằng bạn ở ngoài rẻ hơn sống trên khuôn viên trường, nên không cần nhiều tiền như trước.
- Tiền làm việc ở trường (Work-study): Dựa trên nhu cầu tài chính, bạn có thể được phép làm việc trên trường, có giới hạn. Ví dụ, trước đây tôi được phép làm tối đa 4.500 USD (107 triệu đồng)/năm. Tôi quen người được làm đến 5.000 USD/năm nhưng chưa gặp ai làm nhiều hơn mức đó bởi vì bạn chỉ được trả khoảng 10 USD/giờ và theo luật, chỉ được phép làm việc tối đa 20 tiếng/tuần.
Các công việc làm thêm ở trường thường là làm trong thư viện, ngồi gác phòng triển lãm, hoặc dậy sớm đi cắt cỏ. Những công việc bàn giấy là thích nhất vì bạn có thể ngồi học, nhưng thường bị học sinh năm cuối lấy hết. Vì vậy, các em năm đầu phải chịu khó làm những việc nặng nhọc hơn như rửa chén.
- Tiền vay (Loan): Cũng dựa trên nhu cầu tài chính, thí sinh có thể vay tiền từ nhiều nguồn khác nhau. Học sinh Mỹ được mượn tiền từ chính phủ liên bang (Federal loan), từ trường, hoặc từ ngân hàng. Còn học sinh quốc tế có thể mượn tiền thẳng từ trường và từ ngân hàng.
Để biết trường có hỗ trợ tài chính hay không, bạn gõ tên trường rồi thêm "international students application" trên Google, vào phần liệt kê những thứ cần nộp. Nếu có, trường thường yêu cầu nộp đơn xin hỗ trợ tài chính (CSS hoặc ISFAA).
Một số ví dụ:
Bạn nộp vào Đại học Richmond, nơi có tổng chi phí 78.000 USD/năm, còn gia đình chỉ có thể đóng 20.000 USD. Trường này có cả học bổng và hỗ trợ tài chính cho học sinh quốc tế. Nếu bạn nộp đơn vào học bổng toàn phần Richmond Scholars của trường, đầu tiên ban tuyển sinh sẽ xét dựa trên học lực của bạn.
Lưu ý rằng học bổng toàn phần thường đòi hỏi một bộ hồ sơ riêng bên cạnh bộ hồ sơ tiêu chuẩn. Nếu bạn không trúng, trường sẽ xét tiếp học bổng toàn học phí, cũng dựa trên học lực. Nếu trúng, bạn chỉ phải đóng tiền ăn ở.
Trong trường hợp bạn trượt, văn phòng hỗ trợ tài chính (financial aid office) sẽ tạo một gói hỗ trợ gồm 4 thành phần: học bổng, tiền chu cấp, tiền làm việc trên trường và tiền vay. Vì bạn chỉ đóng được 20.000 USD/năm, bạn cần 58.000 USD từ trường để có thể học.
Trong gói hỗ trợ tài chính, Richmond sẽ cho bạn hai học bổng nhỏ (merit-based), trị giá 25.000 USD và 15.000 USD. Trường cũng sẽ cho 8.000 USD tiền chu cấp (grant), 5.000 USD để làm việc trên trường (work-study) và cho vay 5.000 USD (loan). Cộng lại được 58.000 USD (hơn 1,3 tỷ đồng), vừa đủ để bạn nhập học.
Nếu bạn nộp vào Đại học Boston: Trường này chỉ trao học bổng dựa trên năng lực nên không bắt ứng viên điền vào đơn xin hỗ trợ tài chính. Đầu tiên, họ xét học bổng toàn học phí Trustee dựa trên học lực. Nếu đậu, bạn chỉ phải đóng hơn 18.100 USD (432 triệu đồng)/năm tiền ăn ở. Nếu không, họ sẽ xét tiếp học bổng Presidential trị giá 25.000 USD, cũng dựa trên học lực.
Với tổng chi phí hơn 83.200 USD/năm nên nếu đỗ học bổng, bạn sẽ đóng khoảng 58.000 USD nữa. Nếu không, gia đình phải đóng toàn bộ.
Theo Nguyễn Ngọc Khương / VnExpress