Michael Ende tên thật là Michael Andreas Helmuth Ende, nhà văn Đức, người được coi là một trong những tác gia của thế kỷ 20. Sự nghiệp của ông gắn liền với những tác phẩm nổi tiếng dành cho thiếu nhi. Có thể coi Michael Ende là một tiểu thuyết gia toàn tài. Ông viết cả sách cho người lớn, sáng tác nhiều vở kịch và thơ.
Khác với những nhà văn hiện đại nước Đức, Michael Ende viết những tác phẩm của mình hoàn toàn vì đam mê, không hề một chút mưu cầu danh vọng. Giới học giả gọi ông là nhà văn lãng mạn Đức cuối cùng, còn giới phê bình lại chỉ trích vì ông khuyến khích những ý tưởng viển vông.
Sự nghiệp Michael Ende khởi đầu tương đối khó khăn. Ông đầu quân cho một nhà hát nhưng cuối cùng phải sớm bỏ ngang vì thu nhập ít ỏi không thể duy trì cuộc sống. Ông chuyển sang làm biên kịch và nhà phê bình điện ảnh tự do không lâu sau đó. Michael Ende “chạm ngõ” văn chương với tiểu thuyết đầu tay viết cho trẻ em mang tên Jim Button và Luke – người lái tàu hỏa.
Nhưng vận rủi tiếp tục đeo bám cây viết tội nghiệp này khi tác phẩm liên tục bị từ chối xuất bản. Mãi đến năm 1960 cuốn sách mới được ra mắt. Ngay lập tức, tác phẩm trở thành một hiện tượng lạ trên văn đàn nước Đức đương thời và được công chúng hoan nghênh đón nhận.
Năm 1961 cuốn sách đem về cho Michael Ende giải thưởng Văn học thiếu nhi Tây Đức và được dịch sang 33 ngôn ngữ khác nhau. Một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp văn chương của ông.
Tuy thành công nhưng Michael Ende lại chịu nhiều chỉ trích. Nhiều nhà phê bình cho rằng là Ende đã "chạy trốn thế giới thực tại để mơ mộng hão huyền". Họ mỉa mai ông như là một văn sĩ quèn cho trẻ em. Ende đã cùng vợ qua Ý và định cư ở miền nam của Roma. Tại đây tiểu thuyết mang tính cổ tích Momo của ông ra đời.
Momo ra mắt tại nước Đức vào năm 1973. Đây cũng là tác phẩm mở ra sự nghiệp thành công chói lọi của Michael Ende. Trong một cuộc phỏng vấn nhanh, ông từng chia sẻ: “Nếu con người bỏ mặc thế giới nội tâm, họ sẽ quên đi giá trị thực của họ.
Thế giới nội tâm được tái hiện sinh động bằng thế giới bên ngoài của mỗi cá nhân. Nó phải được tạo ra, nuôi nấng và được phát hiện. Dù thế nào, hãy tạo ra một cuộc hành trình xuyên qua các miền thế giới, tự tìm tòi những giá trị và giữ thành của riêng, như vậy mọi thứ mới không bị phí hoài.”
Thoạt nghe có thể nhận ra ngay tư tưởng của Michael Ende rất gần Antoine de Saint-Exupéry trong Hoàng tử bé. Cả hai đều chọn viết cho thiếu nhi nhưng ngấm ngầm hướng tác phẩm của mình tới người lớn. Nhưng cách tiếp cận của Michael Ende rất nhẹ nhàng, ôn tồn và thoải mái.
Ông đóng vai là một người kể chuyện, dẫn độc giả vào thế giới sâu kín của họ, cũng bởi lẽ ấy trong Momo hình ảnh đâu đó của ông phảng phất qua người canh giữ thời gian Horus.
Những câu chuyện của Michael Ende luôn hàm chứa những chuỗi nhân sinh quan sâu sắc. Ý nghĩa của thời gian là gì? Tiền bạc hay vật chất cái nào mới là thứ quan trọng nhất? Phải, “thời gian là cuộc sống” như Michael Ende đã nói, và cuộc sống phải cảm nhận bằng trái tím. Triết lý ấy giản dị mà thật khó hiểu. Liệu trong thời đại của sự văn minh này có bao người được hưởng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy một cách thực lòng?
Momo, một bé gái nghèo với đôi mắt đen tròn mở to, mái tóc đen dày chưa bao giờ được chải, luôn luôn xù bông. Không có cha mẹ, người thân, em nương náu trong phế tích của một nhà hát cổ vùng ngoại ô của thành phố châu Âu hiện đại. Momo sống hồn nhiên, vô tư, ai cho gì thì ăn nấy. Em rất dư dả thời gian, thoải mái vui đùa trong thế giới của mình.
Chẳng hề nhiều lời, Momo luôn im lặng lắng nghe câu chuyện, nỗi lòng của những cư dân sống quanh mình. Em vẫn luôn im lặng như thế, tồn tại trong sự thầm lặng kèm theo những cái nhìn thấu cảm soi rọi tâm can. Cũng vì lẽ ấy mà hết thảy ai cũng tìm Momo để lấy lại cân bằng. Sự việc ấy lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi mà mỗi lần có kẻ nào đó bế tắc họ sẽ được ném một lời khuyên thẳng thừng, “Đến gặp Momo đi!”
Momo có hai người bạn thân đó là anh chàng Gigi “dẻo mỏ” và bác Beppo – phu quét đường. Hai kẻ tốt bụng và đáng mến, dẫu trời long đất lở họ cũng không bao giờ bỏ cô bé ở lại. Một già, một trẻ, một đứa nhóc cứ vậy vui vẻ sống qua ngày, bình yên ngắm nhìn trời sao. Nhưng cuộc sống êm ả ấy nhanh chóng bị xáo trộn khi bọn Màu Xám xuất hiện.
Những cư dân bắt đầu thay đổi. Họ cục cằn và dễ cáu giận, trẻ con bị nhốt vào trại tập trung, nhồi nhét những tư tưởng cứng nhắc. Những gã Màu Xám đã thao túng toàn bộ thị trấn, điều khiển những quan chức tại đây, buộc người dân phải sống như những nô lệ của công việc. Gigi và bác Beppo không phải ngoại lệ, họ cũng bị cuốn theo cơn lốc khắc nghiệt ấy. Momo phải nhanh chóng tìm ra sự thật và nhanh chóng cứu những người bạn của mình trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.
Trong Momo là một chuyến phiêu lưu kỳ diệu của cô gái nhỏ tìm hiểu bản chất của thời gian. Những thứ nghe tưởng như rất triết lý nhưng lại được tác giả diễn giải đơn giản vô cùng. Em giành lại thời gian đã mất của loài người, giành lại nhân cách tốt đẹp của họ khi bị những gã Màu Xám tước đi.
Momo là hình ảnh tượng trưng cho phần người đẹp đẽ, được cất giữ sâu thẳm bên trong, nhưng lại chưa từng được mở đường khai phá. Con người khi sinh ra vốn đã mang những bản chất tốt đẹp, tự chúng ta đẩy mình trở nên xấu xí, bào mòn thời gian cho các mục đích cá nhân.
Con người càng phát triển bao nhiêu chúng ta càng đi ngược lại những gì tạo hóa đã ban tặng. Chúng ta tàn phá thiên nhiên, chết chìm trong công việc, tha hóa biến chất và trở thành một sinh vật đáng sợ. Momo là một bản ngã khác, một bản ngã của Michael Ende muốn trở về với các giá trị gốc rễ, thuận theo tự nhiên. Ông dũng cảm lao vào ngược dòng, chống lại những quan điểm đã được mặc định trong xã hội.
“Thời gian là vàng bạc” chỉ là cái nhất thời, sao chúng ta có thể vui khi chỉ biết ném mình cho công việc. “Giàu sang phú quý” có là gì khi xung quanh chúng ta không còn ai đó để chung vui. Những mệnh đề trên lần lượt được tái hiện qua câu chuyện của Gigi “dẻo mỏ” và bác Beppo – phu quét đường. Và cô bé Momo thấu hiểu bản chất của thời gian khi được du hành vào thẳm sâu trái tim của mình, ở đó thời gian được hình dung như những đoá hoa kỳ diệu liên tiếp nối nhau.
Trong Momo tác giả thể hiện câu chuyện bằng một văn phong thấm đẫm hình ảnh, trong sáng, truyền tải được những thông điệp trựu tượng tới cho thiếu nhi. Ông kể lại mạch chuyện với một thái độ điềm nhiêm, chậm dãi, từ từ làm sáng tỏ các bí ẩn, kích thích trí tò mò của độc giả, hệ như cách cô bé Momo được nghe những thanh âm đầu tiên từ trái tim.
Michael Ende đã chỉ ra, không phải nhờ những gì vốn có, vốn tồn tại, mà chính năng lực cá nhân của con người đang không ngừng sáng tạo ra thế giới. Momo đã thành công và trở thành một bước đệm chắc chắn tiếp nối sự thành công cho các tác phẩm của Michael Ende sau này.
Theo zing.vn