Theo Bộ GD-ĐT quy định thì vào trước 17h ngày 17/9, các trường đại học cần công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trong kỳ tuyển sinh đại học 2022 - 2023. Tuy nhiên, các trường có thể linh động và công bố vào 15.9.
1. Những ngành dẫn đầu thí sinh đăng ký
Những ngày này, các trường đại học (ĐH) đang thực hiện tải dữ liệu thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển vào trường mình từ Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Từ kết quả tải về, các trường đã có những thông tin ban đầu về số lượng TS đăng ký vào trường mình và các ngành cụ thể.
PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết số lượng TS đăng ký nguyện vọng 1 vào trường đạt khoảng 50% tổng chỉ tiêu năm nay. Trong đó, một số ngành có sức hấp dẫn với nhiều TS như: logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ thông tin, kinh tế vận tải, khai thác vận tải, công nghệ kỹ thuật ô tô, kỹ thuật xây dựng. Logistis và quản lý chuỗi cung ứng vẫn đứng đầu danh sách các ngành có số lượng TS đăng ký vào trường năm nay. Cùng với ngành này, công nghệ kỹ thuật ô tô là 2 ngành có số lượng TS đăng ký gấp nhiều lần so với chỉ tiêu, điểm chuẩn cũng có thể tăng so với năm 2021.
“Đáng chú ý, kỹ thuật xây dựng là ngành có TS đăng ký tăng mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, ngành này năm nay chỉ tiêu cũng tăng mạnh nên điểm chuẩn khả năng không có nhiều biến động”, tiến sĩ Anh Tuấn chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết số liệu TS đăng ký nguyện vọng 1 bằng các phương thức xét tuyển sớm đạt khoảng 50% tổng chỉ tiêu, đúng với kế hoạch dự kiến ban đầu của trường.
“Riêng với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả xét tuyển phụ thuộc vào quá trình lọc ảo. Tuy nhiên, một số ngành có số lượng TS đăng ký nhiều như: công nghệ thông tin, luật, khối ngành kinh doanh quản lý...”, tiến sĩ Trung Nhân chia sẻ thêm.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho hay số lượng TS đăng ký vào trường năm nay không có đột biến so với năm ngoái. Chỉ tính riêng nguyện vọng 1, số TS đăng ký đảm bảo so với chỉ tiêu đặt ra. Trong đó, ngành có sự thu hút nhiều TS nhất là tài chính ngân hàng.
Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết từ dữ liệu đăng ký có thể thấy các ngành nhiều TS quan tâm gồm: logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật và điều khiển tự động hóa, kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật máy tính… Ngược lại, một số ngành mức độ quan tâm của TS ít hơn như: kỹ nghệ gỗ và nội thất, công nghệ kỹ thuật in, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ kỹ thuật nhiệt, thiết kế thời trang, quản lý vận hành hạ tầng, công nghệ may, công nghệ vật liệu… Trường ĐH này sẽ thực hiện xét tuyển toàn quốc theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT và công bố danh sách TS trúng tuyển trước 17 giờ ngày 17.9.
Lọc ảo xét tuyển: Ngành nào nhiều thí sinh đăng ký?
2. Các bước lọc ảo và xử lý nguyện vọng
Theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, đến sáng ngày 10.9, kết quả xét tuyển lần 1 tất cả phương thức tuyển sinh được trường ĐH tải lên hệ thống tuyển sinh. Sau đó, từ chiều 10.9 đến 14 giờ ngày 15.9, các trường ĐH tiếp tục trải qua 6 lần tải lên hệ thống và tải kết quả xử lý nguyện vọng.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết trong hôm nay (8.9), hội đồng tuyển sinh của trường bắt đầu họp để bàn phương án xét tuyển lọc ảo. Theo đó, sau khi trừ tổng số TS đăng ký nguyện vọng 1 vào trường bằng phương thức xét tuyển sớm, trường sẽ lên phương án điểm chuẩn dự kiến cho phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn dự kiến này sẽ căn cứ vào thực tế TS đăng ký xét tuyển và kinh nghiệm gọi TS nhập học các năm trước.
“Theo xu hướng chung năm nay, số lượng TS và số nguyện vọng đăng ký vào trường giảm hơn các năm trước. Tuy nhiên, với chỉ tiêu và tỷ lệ giữa các phương thức tuyển sinh không đổi, điểm chuẩn phương thức điểm thi tốt nghiệp có thể tương đương hoặc cao hơn năm 2021 tùy ngành. Trong đó, các ngành thu hút TS vẫn thuộc nhóm ngoại ngữ, kinh tế, công nghệ thông tin…”, PGS-TS Hà chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho biết quy trình xét tuyển TS đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh bằng tất cả phương thức. Trong đó, kết quả trúng tuyển sẽ có sự khác nhau với 3 nhóm TS. Thứ nhất, những TS đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành, trường, phương thức mình đủ điều kiện trúng tuyển của các phương thức sớm thì kết quả trúng tuyển chính thức sẽ không thay đổi. Các TS này chờ đến trước 17 giờ ngày 17.9 sau khi có thông báo trúng tuyển của các trường thì tiến hành làm thủ tục nhập học.
Nhóm thứ hai, theo ông Nhân, là TS trúng tuyển sớm, có đăng ký thêm các nguyện vọng mới trước khi đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm phía sau trong danh sách nguyện vọng. Trường hợp này TS chắc chắn trúng tuyển nhưng phải chờ đến khi hoàn tất quy trình xét tuyển mới biết trúng tuyển nguyện vọng đăng ký mới hay nguyện vọng xét tuyển sớm.
“Nhóm TS còn lại chỉ đăng ký xét tuyển bằng phương thức có sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường sẽ xét tuyển TS từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu và vẫn có khả năng TS không trúng tuyển đợt 1”, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chia sẻ thêm.
Theo quy định, trước 17 giờ ngày 17.9 các trường ĐH nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Tuy nhiên, đại diện một số trường ĐH cho biết có thể sẽ công bố điểm chuẩn bắt đầu ngay chiều 15.9 như: Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM…
> Chỉ tiêu đào tạo giáo viên giảm mạnh, điểm chuẩn có tăng vọt?
> 25 trường được tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung 6 bậc
Theo Báo Thanh Niên