Sự kiện: LUYỆN THI ĐẠI HỌC - TRUNG TÂM LUYỆN THI ĐẠI HỌC

> Lật tẩy quái chiêu của các lò luyện thi đại học

>> Tràn lan lò luyện thi đại học "chui"

Sau Tết Nguyên đán, khi các “sĩ tử lớp 13” từ khắp các tỉnh thành khăn gói lên Hà Nội để tìm “lò” thì cũng là lúc các trung tâm luyện thi đại học, cao đẳng bắt đầu mở cửa với đủ những “quái chiêu” nhằm thu hút người học…

Luyện thi đại học: Treo đầu dê, bán thịt chó ?

Dạo qua các địa điểm có nhiều các lò luyện thi như: khu vực Dịch Vọng Hậu, đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), Quang Bửu (Hai Bà Trưng), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân),… nhiều trung tâm luyện thi đã mở cửa hoạt động từ hai, ba tháng nay.

 

Luyện thi đại học: Trao đầu dê bán thịt chó

Luyện thi đại học: Treo đầu dê, bán thịt chó ?

 

Chỉ tính riêng trên địa bàn quận Cầu Giấy, nơi tập trung nhiều trường đại học như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Thương mại, ĐH Giao thông Vận tải,… đã có đến gần 50 lò luyện thi đã mở cửa.

Trong vai người đang đi tìm lớp ôn thi đại học, PV đã đến trung tâm thầy D (Xuân Thủy, Cầu Giấy) để tìm hiểu. Tại tầng 1, một phụ nữ chừng 45 tuổi tự giới thiệu tên là Phương, phụ trách làm thủ tục đăng ký ôn thi. Khi được hỏi về lịch, thời gian học và mức học phí, bà Phương đon đả: “Ở đây dạy cả ban ngày lẫn buổi tối. Buổi sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, buổi chiều từ 1 giờ 30 đến 17 giờ 30, buổi tối từ 19 giờ đến 21 giờ. Em muốn đăng ký vào học lớp thời gian nào cũng được. Mỗi ca học 2 tiếng, học phí 40 nghìn đồng / ca, mỗi buổi học 2 ca, tuần học 3 buổi”.

Thấy khách có vẻ ngập ngừng, bà Phương khẳng định: “Em yên tâm đi, trung tâm luyện thi có chất lượng lắm. Thầy cô giáo dạy ở đây toàn là các giảng viên đang dạy tại các trường ĐH cả, rất có uy tín. Em đăng ký sớm bây giờ thì lớp còn ít người chứ đến tháng sau là đông rồi, không lớp nào dưới 100 người đâu”.

Ngày hôm sau, PV đã mượn được thẻ của một thí sinh đang ôn thi ở trung tâm này để vào học môn Toán. Theo như trung tâm giới thiệu thì môn Toán sẽ do thầy N.T.T, 50 tuổi, đang là giảng viên khoa Toán của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, giảng dạy.

Tuy nhiên, khi đến ca học thì giáo viên dạy môn Toán là một người khác, đó là một giáo viên nam còn khá trẻ, chừng 30 tuổi, không phải là PGS.TS N.T.T của trường ĐH Sư phạm Hà Nội như đã giới thiệu.


Luyện thi đại học: Ai quản lý chất lượng?

 

Để xác minh, PV đã tiếp tục theo học 3 buổi học môn Toán sau đó, dạy ôn thi vẫn là giáo người giáo viên nam trẻ tuổi, không phải thầy T.

Nguyễn Văn Luân (quê Ý Yên, Nam Định) – người đã cho PV mượn thẻ để vào học lớp ôn thi nói trên cho biết: “Em đã đăng ký học ôn thi được gần một tháng nay, môn Toán vẫn do thầy N (tức người giáo viên nam trẻ tuổi – PV) dạy, không có thầy nào tên là T và đứng tuổi dạy cả”.

Ai kiểm soát chất lượng?

Hiện nay, ở Hà Nội rất nhiều các trung tâm luyện thi đang tung ra những “quái chiêu” để nhằm thu hút người học.

Các trung tâm ra sức tự lăng xê cho mình bằng mọi phương tiện như trên website, phát tờ rơi, sử dụng đội ngũ cò mồi với những quảng cáo như cơ sở vật chất hạ tầng đầy đủ và hiện đại, giảng dạy tại trung tâm là những tiến sĩ này, giáo sư nọ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc luyện thi ĐH - CĐ đến từ các trường đại học danh tiếng, thường xuyên ra đề thi ĐH,… để đánh vào tâm lý của thí sinh ôn thi cũng như các bậc phụ huynh trong khi thực tế thì không phải vậy.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng – giảng viên khoa Ngữ Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Thường thì rất ít các giảng viên ở trường ĐH đi dạy ôn thi ở các lò luyện thi ĐH vì không có thời gian. Nếu có thì chỉ những giảng viên trẻ đi dạy thêm cho trung tâm để có thêm thu nhập, nhưng số này rất ít, còn lại chủ yếu vẫn là những giáo viên cấp ba”.



Đỗ Thị Hương – sinh viên năm thứ 3 (Sư phạm Toán, trường ĐHQG Hà Nội) tiết lộ: Các lò luyện thi hiện nay rất ít các giảng viên ĐH giảng dạy, hầu như không có. Những giáo viên dạy ôn thi thường là các giáo viên đang giảng dạy ở các trường cấp ba trên địa bàn. Ngoài ra, một số lò luyện thi còn thuê sinh viên các năm 3 và năm cuối đến dạy. Còn biển quảng cáo ghi tên các giáo sư, tiến sĩ đang là giảng viên ở trường đại học thì vẫn có, nhằm thu hút học sinh vào học. Ngoài ra, có trung tâm còn thuê lại “thương hiệu” của giảng viên đại học rồi trả tiền.

Hương cho biết, sở dĩ biết những thông tin ấy vì chính mình đang được một trung tâm luyện thi ĐH thuê dạy ôn với giá 300 nghìn đồng / ca.

Hoàng Doãn Liêm (quê Bắc Sơn, Lạng Sơn), xuống Hà Nội ôn thi đã hơn một tháng nay, tỏ ra chán nản: “Em thấy học ôn ở trung tâm cũng bình thường, không có gì mới so với các thầy ở trường cấp ba trước kia em học. Lớp học ở trung tâm thì đông, lại ồn nên nhiều lúc không nghe được gì. Em đã đóng tiền học phí trọn gói cả 3 môn nên cố theo học cho đến hết, bỏ dở chừng thì phí”.

Thực tế cho thấy, hầu hết các thí sinh đăng kí học ôn tại các trung tâm luyện thi là các thí sinh thi lại năm 2, 3, trong đó có cả những thí sinh học lực trung bình, thậm chí yếu, kém. Thêm vào đó, với phương pháp lẫn chất lượng giảng dạy của các trung tâm luyện thi như đã nói trên không biết các thí sinh có tiếp thu được chút kiến thức nào để bước vào kì thi đại học sắp tới, hay lại rơi vào cảnh ngộ “tiền mất tật mang”?


** Bạn có thể để lại thắc mắc về tuyển sinh 2012, câu hỏi hoặc ý kiến tại ô bên dưới

(Theo: Thể thao Văn hoá)