Làm theo chỉ dẫn sau, bạn sẽ có một công việc tốt tại Úc!
Sau khi dành thời gian quý báu và tiền bạc tại các trường đại học tại Úc, tìm việc làm sau khi tốt nghiệp trở thành mong ước cháy bỏng của hầu hết các sinh viên du học Úc – một dấu chấm hoàn hảo đối với trải nghiệm học hành của họ tại Úc.
Nhưng với hơn 180 nghìn sinh viên Úc tốt nghiệp mỗi năm thì tìm được công việc ước mơ của mình không hề dễ dàng. Vậy làm thế nào có thể kiếm được một công việc tốt để thực hiện kế hoạch làm việc và định cư tại Úc? Hãy tham khảo các thông tin sau.
Thị trường việc làm tại Úc hiện nay như thế nào?
Trong những tháng đầu năm, Úc đã có thêm 306.000 việc làm mới và tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 5%. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, nền kinh tế Úc được coi là không có hiện tượng thất nghiệp.Thực tế, cơ hội định cư và tìm kiếm việc làm của du học sinh Úc sẽ cao hơn khi học các ngành nghề hiện đang cần nguồn nhân lực lớn tại Úc như: Kế toán, Quản lý nhà hàng – khách sạn, Bếp trưởng, Thời trang may mặc, Thẩm mỹ viện làm đẹp, Công nghệ thông tin, Y tá, Giáo dục, ...
Úc và các nước trên thế giới đều có những công ty tuyển dụng giúp du học sinh tốt nghiệp tìm được việc làm thích hợp và cung cấp các dịch vụ cố vấn nghề nghiệp. Nhiều công ty lớn có riêng dịch vụ tuyển dụng và đánh giá cao những sinh viên tốt nghiệp có kinh nghiệm quốc tế nhất là những sinh viên tốt nghiệp với một văn bằng của Úc.
Cách xin việc kiểu Úc bạn cần biết
Tại Úc, phần lớn các cuộc tuyển dụng đều chú trọng yếu tố kinh nghiệm chuyên môn, tiếp theo đó là các kĩ năng mềm (nhiều nơi gọi là soft skills hoặc là professional skills) ví dụ như communication, presentation, time management và rồi đến bảng điểm của bạn. Vậy nên nếu sinh viên du học Australia sau tốt nghiệp không có bảng điểm tốt hoặc là đến từ trường không có tiếng thì đừng tự ti bởi cơ hội cho bạn vẫn là rất nhiều nếu bạn có thể bù đắp bằng kinh nghiệm hoặc các kĩ năng mềm
Nên nhớ, trừ phi bạn có một tấm bằng hay có kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong một lĩnh vực rất cần người ở Úc, thì bạn nên đến tận nơi để gặp người tuyển dụng chứ không nên gửi CV và hồ sơ xin việc từ nhà mình, và đặc biệt là nên tìm đến các doanh nghiệp của Úc vì họ đang rất cần người.
Các địa chỉ internet chung và chuyên ngành về tìm việc làm như các văn phòng tuyển dụng và các thông tin tuyển dụng đăng trên báo là hai con đường tìm kiếm việc làm chủ yếu mà bạn nên theo. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng kí vào Centrelink, là cơ quan về Việc làm của chính phủ Úc.
Việc làm là điều mà mọi sinh viên du học Úc đều quan tâm sau tốt nghiệp
3 yếu tố quan trọng để có một CV "đậm chất Australia"
-
Chi tiết, dài từ 6 - 8 trang
Không giống như các loại CV mà bạn vẫn biết: Thông thường, CV "chuẩn Úc" phải vượt quá ba trang, thường là nó phải từ 6 hay 8 trang (trừ trường hợp các công việc lặt vặt, thì chỉ cần một trang cũng được) ! Như vậy có nghĩa là, CV xin việc tại Úc của bạn phải thật sự chi tiết, đặc biệt là về kinh nghiệm làm việc. Bạn cũng nên lưu ý đặc biệt đến các mục «hobbies», sở thích và các mối quan tâm cá nhân. Hồ sơ phải đựng trong phong bì giấy A4, các nhà tuyển dụng Úc rất ghét giấy tờ bị gấp nếp.
-
Các mục chính cần có trong hồ sơ
Bạn cũng nên biết rằng không cần thiết phải có ảnh trong hồ sơ. Các mục chính bạn nên đưa vào chi tiết là : personal details (thông tin cá nhân và thông tin liên lạc), trình độ văn hóa (education), bằng cấp và đào tạo (qualifications/training) (tùy ý), kĩ năng (skills) (tùy ý), quá trình phát triển sự nghiệp (career history), quá trình làm việc (employment history), trọng tâm của CV: vị trí đã từng đảm nhận, kết quả đạt được, lí do bạn bỏ việc cũ, quan tâm sở thích, người để chủ lao động tham khảo thông tin về bạn (referees).
-
Luôn đi kèm với thư xin việc
CV bao giờ cũng phải đi kèm với thư xin việc cover letter để nói lên động cơ bạn nộp hồ sơ xin việc. Thư xin việc không được vượt quá một trang và thông thường từ 3 đến 4 đoạn. Cố gắng nắm được tên của người quản lí việc tuyển dụng này, chính họ sẽ là người đọc thư để mà gửi đến. Trong mọi trường hợp, các thông tin sau đây phải có trong thư xin việc: thông tin liên lạc, ngày tháng, tên của người bạn liên lạc, giới thiệu một chút, các động cơ chủ yếu của bạn khi nộp hồ sơ, kinh nghiệm và các kết quả của bạn, xin một cuộc phỏng vấn, câu kết thể hiện kính trọng và lịch sự; cuối cùng là chữ kí.
Bí quyết thành công khi phỏng vấn xin việc tại Úc
Ở Úc, bạn có thể nhận được một cuộc điện thoại để... phỏng vấn việc làm ngay sau khi bạn nộp hồ sơ. Vì thế, đừng bất ngờ và hãy chuẩn bị tinh thần bất cứ lúc nào để được phỏng vấn. Một số bí quyết sau sẽ giúp bạn vượt qua thử thách này một cách dễ dàng.
Trước buổi phỏng vấn
Thực hành và nâng cao kĩ năng phỏng vấn bằng cách chuẩn bị những câu hỏi thông thường, những câu hỏi liên quan đến cá nhân bạn và câu hỏi tình huống mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi. Một điều quan trọng khác là bạn nên tìm kiếm thông tin về công ty bạn muốn làm việc vì chắc chắn bạn sẽ được hỏi những câu như : “Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?”, “Tại sao bạn lại muốn ứng tuyển cho vị trí này?” và bạn phải trả lời được lý do của mình.
Trong buổi phỏng vấn
Hãy thể hiện sự tự tin và giữ nụ cười tươi thường trực trên môi. Bạn cần phải chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy bạn thật sự đam mê với vị trí công việc bạn đang ứng tuyển và luôn sẵn sàng học hỏi. Với những câu hỏi bạn không biết câu trả lời, hãy thay thế bằng một cách trả lời khác là bạn chưa bao giờ trải qua tình huống đó, bạn sẽ nhanh chóng tìm hiểu và nhanh chóng có câu trả lời cho nhà tuyển dụng vào hôm sau. Và hãy nhớ chuẩn bị một vài câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng liên quan đến vị trí công việc.
Điều kiện để có việc làm tốt dành cho sinh viên du học Úc
- Điều đầu tiên và khá quan trọng là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Đây cũng là điều kiện quan trọng khi xin visa du học Úc hay nhập học ở các trường nước ngoài. Khả năng này sẽ được chứng thực ngay trong vòng đầu tiên phỏng vấn việc làm và mang tính quyết định. Một ứng viên kém ngoại ngữ thì rất khó để có thể xin được một việc làm tốt tại Úc.
- Thứ hai là khả năng thích nghi với văn hóa trong môi trường làm việc ở Úc. Vì thế, trong thời gian học tập tại Úc, hãy tranh thủ đi làm thêm để rèn luyện kỹ năng này,
- Thứ ba, du học sinh cần trang bị cho mình những kĩ năng nghề nghiệp để đảm bảo và củng cố vị trí của mình trong công việc ngay khi tốt nghiệp.
- Bên cạnh đó, tính linh hoạt và làm chủ công việc cũng như sự nghiệp của mình trong một xã hội phát triển như Úc cũng rất quan trọng.
Những sự thật về lao động và môi trường làm việc tại Australia
1. Năm mươi năm trước, mọi người có quan niệm là đàn ông cần đi làm và phụ nữ ở nhà chăm sóc cho gia đình. Tuy nhiên điều này đã thay đổi nhanh chóng. Kể từ năm 1962 đến 2011, số lượng phụ nữ đi làm tăng gấp đôi từ 35 phần trăm lên 59 phần trăm. Trước năm 1966 thì phụ nữ có gia đình không được các cơ quan trực thuộc chính phụ nhận vào làm và phụ nữ độc thân bị buộc phải ‘nghỉ hưu’ khi lập gia đình.
2. Trong thập niên 60, Úc đã thay đổi nhanh chóng từ một nền kinh tế phụ thuộc vào ngành chăn nuôi cừu lấy lông, phát triển lên kinh tế với ngành sản xuất chế biến vững mạnh. Năm 1966, hơn 25 phần trăm lực lượng lao động làm việc trong ngành sản xuất chế tạo nhưng con số này đã giảm sút nhanh trong những thập kỷ gần đây. Hiện chỉ có 8 phần trăm lao động trong ngành này.
3. Sự phát triển và thất bại của những tổ chức công đoàn tại Úc cũng nhiều bất ngờ. Năm 1912, 30 phần trăm lao động là thành viên của những tổ chức công đoàn và đến năm 1961, con số này đạt đến 61 phần trăm. Tuy nhiên đến năm 1999, tỉ lệ này giảm xuống còn 21 phần trăm và năm 2011 thì rút gọn xuống còn chỉ 18 phần trăm.
4. Lao động trẻ em không phổ biến trong thế kỷ 20. Năm 1940, 6 phần trăm công nhân trong các nhà máy dưới độ tuổi 16 và 15 ở New South Wales. Con số này giảm nhanh chóng sau Thế chiến Thứ hai, còn 2 phần trăm vào năm 1948 và năm 1968 là 1 phần trăm do có nhiều người lớn có việc làm và cho con đi học cũng như giữ cho chúng không phải tham gia đi làm lâu hơn.
5. Một trong 10 người đi làm toàn thời gian tại Úc, có mức thu nhập là 2.548 đô la Úc mỗi tuần, và 1 trong 10 người có mức lương 800 đô la Úc hoặc thấp hơn. Số còn lại nằm ở khoảng giữa hai mức trên.
6. Lực lượng lao động Úc chia khá đồng đều giữa hai giới. Trong khoảng gần 10 triệu lao động tại Úc, 50,5 phần trăm là nữ giới và 49,5 phần trăm là nam. Tuy nhiên nam giới vẫn có xu hướng nhận mức lương cao hơn nhiều. Mức bình quân thu nhập của nam giới là 1.429,80 đô Úc mỗi tuần trong khi nữ là 940,20. Một trong những lý do có sự chênh lệch này là vì số giờ làm việc: 76,6 phần trăm nam giới làm việc toàn thời gian trong khi nữ chỉ là 43,7 phần trăm.
7. Ngành khai khoáng có mức lương tốt nhất, trung bình thu nhập của những người trong ngành này là 2.499,60 đô Úc mỗi tuần. Trong khi ngành có mức lương thấp nhất là dịch vụ ăn uống và nhà ở, người làm công chỉ nhận trung bình 561,60 đô mỗi tuần. Ngành lớn nhất là Úc là y tế và hỗ trợ công đồng, chiếm 12,8 phần trăm lao động.
8. Nghề quản lý là nghề có mức lương tốt nhất, trung bình thu nhập của họ là 2.113,80 đô Úc. Những người bán hàng có mức lương thấp nhất, trung bình họ chỉ nhận 628,60 mỗi tuần.
9. Nghề chịu nhiều tai nạn và rủi ro trong khi làm việc nhất là nghề điều khiển máy móc và lái xe, tiếp đến là những người làm dịch vụ cộng đồng và chăm sóc cá nahan. Ngành có tỉ lệ lao động bị bệnh hay tai nạn là sản xuất chế tạo, sau đó là điều khiển phương tiện giao thông/ bưu chính/ kho bãi và nông nghiệp/lâm nghiệp/ hải sản.
10. Bằng cấp có giá trị khi đi tìm việc ở Úc. 83 phần trăm những người Úc có bằng trung học hoặc đại học có việc làm, so với tỉ lệ 59 phần trăm đối với những người không có bằng tốt nghiệp trung học.
11. Việc làm tại Úc khá ổn định so với những quốc gia khác. Những lao động của Úc chỉ có khả năng mất việc là 4,4 phần trăm, tỉ lệ này thấp hơn so với tỉ lệ trung bình tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD là 5,3 phần trăm.
Bạn đọc quan tâm tới các trường ĐH tại Úc khi du học Úc có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các dịch vụ tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.