Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ký quyết định kỷ luật cảnh cáo với ông Nguyễn Đức Thái, chủ tịch hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam.
Quyết định được ký ngày 5/7. Ông Thái bị xác định có những vi phạm nghiêm trọng như có khuyết điểm trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới và chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo, theo nguồn tin từ Bộ giáo dục và Đào tạo.
Ông Thái cũng bị kết luận mắc nhiều khuyết điểm, sai phạm khác như thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của Nhà nước.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%. Hiện nhà xuất bản này tham gia tổ chức biên soạn và phát hành sách giáo khoa mới cho chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với hai bộ sách hoàn chỉnh, bên cạnh một bộ do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, TP HCM và NXB Đại học Huế biên soạn. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng là đơn vị độc quyền xuất bản sách giáo khoa theo chương trình hiện hành suốt những năm qua cùng nhiều xuất bản phẩm giáo dục.
Kỷ luật lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam
Thời gian qua, cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói chung cũng như quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng.
Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã in hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố, đơn vị này năm ngoái lãi sau thuế 287 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Đây là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Những năm trước, lợi nhuận dao động quanh 120-150 tỷ đồng.
Dù vậy, báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn liệt kê một loạt khó khăn như dịch bệnh gây trở ngại cho công tác in, vận chuyển, cung ứng sách trước ngày khai giảng; kế hoạch in sách giáo khoa mới lớp 2 và 6 bị động do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt mẫu chậm so với kế hoạch; nạn in lậu, làm giả sách ngày càng tinh vi.
Ngoài ra, lãnh đạo nhà xuất bản cho rằng "những thông tin báo chí, dư luận xã hội bất lợi về bản quyền sách giáo khoa, hoạt động đấu thầu mua sắm vật tư giấy in... cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh".
Kết quả kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhảy vọt theo đà tăng giá sách giáo khoa. Năm học 2020-2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, giá sách cao hơn 3-4 lần. Năm nay, mức giá sách cho các lớp 3, 7 và 10 cũng cao hơn 2-3 lần so với các bộ sách cũ.
Lãnh đạo nhà xuất bản giải thích giá cao bởi chi phí tăng ở cả bốn yếu tố cấu thành giá bán là số lượng cuốn sách trong một bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị.
Sách giáo khoa hiện không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai. Theo nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được thông qua chiều 16/6, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trong thời gian tới.
> Giá sách giáo khoa cao gấp 3 - 4 lần, NXB Giáo dục Việt Nam lãi khủng
> Đề thi tốt nghiệp THPT được in sao và bảo quản thế nào?
Theo VnExpress