Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết tình hình công tác chấm thi THPT Quốc gia 2018 tại các địa phương thực hiện đúng quy trình và nghiêm túc.
>> Điểm chuẩn Đại học 2018
>> Đăng ký xét tuyển đại học bằng điểm học bạ THPT nên hay không nên?
>> Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến giảm điểm chuẩn Đại học năm 2018
“Thực tế kiểm tra cho thấy, các địa phương đã thực hiện rất nghiêm túc, đúng quy chế và đôi khi có một số chi tiết kỹ thuật một số nơi áp dụng còn chặt chẽ, nghiêm túc hơn cả quy chế quy định. Điều này thể hiện các địa phương rất trách nhiệm” - Ông Mai Văn Trinh chia sẻ.
Bộ GD&ĐT cho phép 2 phương án trong việc triển khai công tác làm phách bài thi tự luận. Điểm chung là trong quá trình đánh phách đều tiến hành cách ly tuyệt đối, các tỉnh cách ly cán bộ làm phách giống như đối với cán bộ in sao đề thi.
Khâu xác nhận niêm phong túi đựng bài thi được các địa phương đã làm nghiêm túc, thể hiện ở các biên bản đã lưu lại trước khi cắt mở túi đựng bài thi đều có biên bản xác nhận còn nguyên tình trạng niêm phong trong quá trình làm phách.
Sáng tạo nhưng không trái với đạo đức, luật pháp
Cụ thể việc chấm thi ở các địa phương đang được tiến hành ra sao?
Các địa phương đều thực hiện rất đầy đủ, tổ chức các khâu chấm bài thi ở một khu vực cách ly, được bảo vệ rất nghiêm ngặt qua các vòng. Trong bộ phận thao tác kỹ thuật như vậy luôn có mặt của cán bộ công an, 2 cán bộ thanh tra (1 của sở và 1 cán bộ thanh tra cắm chốt của trường ĐH) và cán bộ kỹ thuật để đảm bảo quy trình chấm trắc nghiệm khách quan, nghiêm túc.
Trước khi bóc túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm để tiến hành chấm cũng có bước xác nhận tình trạng nguyên niêm phong của túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm như với túi đựng bài thi tự luận.
Đối với các môn tự luận, các hội đồng chấm đã thảo luận kỹ hướng dẫn chấm, có chấm thử ít nhất 10 bài, có nơi chấm thử tới 20 - 30 bài để làm quen với hướng dẫn chấm của Bộ. Khi tiến hành chấm, qua kiểm tra thấy các nơi đã tổ chức chấm đảm bảo đúng 2 vòng độc lập, đồng thời chấm kiểm tra ngay trong quá trình chấm 2 vòng.
Các địa phương đang nỗ lực với trách nhiệm cao nhất để đảm bảo rằng việc chấm thi an toàn, độ tin cậy cao nhất và giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động từ bên ngoài có thể xảy ra.
Ông có biết điểm môn ngữ văn đến thời điểm này ra sao khi việc chấm thi đã qua được nửa chặng đường?
Tôi chưa có thông tin đầy đủ về việc đó. Tuy nhiên, đáp án của bài thi môn Ngữ văn có thang điểm từ 0 đến 10, cho nên bài thi điểm 0 hay điểm 10 cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Tôi rất mong có bài văn đạt điểm 10.
Đề văn năm nay được đánh giá “vừa quen, vừa lạ”. Vậy, có khó khăn nào trong việc chấm môn này không?
Về chấm môn ngữ văn, nguyên tắc đề thi có những câu hỏi mở nên đáp án cũng phải mở. Gặp các tình huống thí sinh trả lời có những ý tưởng không có trong đáp án chấm chúng tôi thống nhất với giám khảo là phải đảm bảo nguyên tắc, câu trả lời đó phải nêu được những nội dung, tư tưởng cơ bản mà câu hỏi yêu cầu. Chúng ta rất mong muốn có những bài làm mà thí sinh trình bày được suy nghĩ, sáng tạo, chính kiến của mình. Tuy nhiên, phải đảm bảo những phần bài làm ấy không trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và luật pháp của đất nước.
Sẽ chấm thẩm định nếu có kết quả bất thường
Ông có lưu ý gì về công tác chấm thi năm nay?
Bộ GD&ĐT luôn nhấn mạnh, các địa phương tiến hành chấm thi thì đặt chất lượng chấm lên trên hết, không vì sức ép về mặt thời gian làm ảnh hưởng đến điều này. Thực tế, năm nay chúng ta có đầy đủ quỹ thời gian để có thể đến ngày 11/07 công bố kết quả thi đến thí sinh.
Chất lượng chấm thi được đặt ra đặc biệt với bài thi tự luận với môn duy nhất là ngữ văn. Nếu sau này công bố kết quả thi, địa phương nào có những kết quả bất thường thì theo quy chế, chúng tôi sẽ tiến hành chấm thẩm định để từ đó có căn cứ xử lý.
Tiến độ chấm thi của các địa phương thế nào, thưa ông?
Tiến độ đạt yêu cầu. Tôi tin tưởng dù địa phương có số lượng bài thi nhiều hay ít thì tiến độ chấm đều đạt yêu cầu để chậm nhất ngày 10/07, các địa phương phải gửi kết quả chấm và tải lên hệ thống để Bộ tiến hành chạy đối sánh dữ liệu. Bảo đảm rằng dữ liệu ở trên hệ thống (cũng chính là dữ liệu sau này dùng để
tuyển sinh ĐH - CĐ) là tuyệt đối chính xác, không hề có bất kỳ sai lệch nào.
Xin ông cho biết, các địa phương chấm xong sớm có được phép công bố kết quả trước ngày 11/07 không?
Không. Điều này đã được thống nhất rồi. Như tôi đã nói ở trên, kết quả này ở địa phương khi chấm xong, nhập điểm là xong, nhưng kết quả đó còn dùng để tuyển sinh ĐH - CĐ nên việc bảo toàn trọn vẹn dữ liệu cho cơ sở dữ liệu chung trên cả nước là vấn đề quan trọng. Do đó, ngày 11/07, các địa phương sẽ đồng loạt công bố điểm thi và chúng tôi yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định này chứ không phải cứ chấm xong sớm thì công bố sớm.