Sau bao nhiêu chờ đợi và sự chuẩn bị, bạn bước vào phòng phỏng vấn cho vị trí bạn ao ước. Nhưng đáp lại sự mong mỏi và háo hức, bạn nhận được kết quả trượt phỏng vấn. Tuy nhiên, dù chán nản, đừng quên viết một email trả lời nhà tuyển dụng sao cho thật chuyên nghiệp.
1. Tại sao bạn vẫn nên trả lời các email dù đã trượt phỏng vấn?
Bạn đã trải qua rất nhiều vòng phỏng vấn nhưng nhà tuyển dụng lại từ chối bạn ở phút cuối. Bạn sẽ có suy nghĩ tại sao bạn phải trả lời lại họ một cách thân thiện khi họ vừa từ chối bạn.
Tuy nhiên, bạn nên bỏ ngay suy nghĩ ấy đi. Đây là cách để bạn thể hiện tính chuyên nghiệp của mình, thiết lập một mối quan hệ mới và rất có thể nó sẽ giúp bạn mở ra cánh cửa cơ hội trong tương lai.
Nhà văn Muse Sarah McCord từng đề cập đến việc bạn chuyển lời từ chối thành một đề nghị khác như thế nào và chắc chắn bạn sẽ có thái độ hào hứng hơn khi trả lời email. Hơn nữa, đây cũng là cách giúp bạn có thể nhận được những phản hồi, đó sẽ là thông tin có giá trị để bạn có thể cải thiện và tiến bộ cho việc tìm kiếm công việc cho mình sau này.
Thậm chí, với cách hành xử chuyên nghiệp và đầy tôn trọng, chiếc email cảm ơn sau khi bị nhà tuyển dụng từ chối có thể trở thành chìa khóa vàng cho cơ hội lần hai của bạn.
Bị từ chối cho công việc mơ ước, song bạn vẫn nên viết một bức thư thể hiện sự chuyên nghiệp đối với nhà tuyển dụng
2. Vậy nên viết email ra sao sau khi trượt phỏng vấn?
Dù rằng rất hụt hẫng, nhưng bạn cần phải tỏ ra là một người lịch sự và chuyên nghiệp. Hãy tạm gác sự thất vọng và bắt tay viết một chiếc email hồi đáp. Việc “ngó lơ” trước quyết định từ phía công ty có thể khiến bạn bỏ lỡ cơ hội tiếp theo. Tất cả những gì bạn cần làm là viết một chiếc mail cảm ơn thật tinh tế, khéo léo. Chiếc mail cần đáp ứng được các yếu tố:
- Bạn gửi đúng email cho người cần nhận nó. Đây là một lỗi điển hình khi mà nơi bạn gửi chiếc mail là hòm thư chung của công ty. Bạn chỉ nên gửi chiếc mail chính xác vào hòm thư người đã tuyển dụng bạn.
- Hãy tỏ lòng biết ơn. Nhà tuyển dụng đã bỏ thời gian ra để phỏng vấn bạn. Vì vậy bạn cần tỏ lòng biết ơn một cách chân thành đến họ. Luôn nhớ rằng dù bạn có bày tỏ bạn thất vọng về quyết định, tuyệt đối không biểu hiện sự giận dữ hay oán trách nhà tuyển dụng.
- Thể hiện sự nhiệt tình và sáng kiến của bạn cho công ty khi chuẩn bị kết thư. Đây sẽ là một điểm nhấn khiến nhà tuyển dụng nhớ đến bạn cho những cơ hội phỏng vấn sau này.
3. Mẫu minh họa cho email viết cho nhà tuyển dụng đã từ chối bạn
Để bạn dễ nắm bắt và hình dung, Kênh Tuyển Sinh đã tạo một mẫu email để minh họa cho cách viết thư trả lời.
Xin chào [Tên],
Cảm ơn vì đã cho tôi biết về quyết định từ phía công ty.
Mặc dù tôi khá thất vọng khi không thể trở thành một thành viên của công ty nhưng tôi rất vui vì đã có cơ hội được tham gia buổi phỏng vấn ứng tuyển vị trí [Tên vị trí].
Cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội được tham gia phỏng vấn và tôi hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác với quý công ty trong thời gian sắp tới. Chúc công ty ngày càng phát triển hơn nữa.
Thân mến,
[Tên người viết]
Thông thường, các ứng viên chỉ có thói quen chỉ trả lời những email mời phỏng vấn, thông báo trúng tuyển. Khi bị nhà tuyển dụng gửi email từ chối thì chúng ta thường “ngó lơ” và bỏ quên chúng. Nhưng viết email trả lời lại là một hành động rất quan trọng cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một người chuyên nghiệp, lịch sự và giúp bạn sớm tìm thấy việc làm lương cao phù hợp với mình. Vì vậy, đừng bỏ qua bước quan trọng này nhé. Chúc bạn thành công!
> Bật mí cách viết Email bằng Tiếng Anh trang trọng, chuyên nghiệp
> Những ngành nghề dự kiến phát triển mạnh sau COVID-19
Theo Timviecnhanh