Nhiều chuyên gia y tế cho rằng học sinh đến trường một buổi hay cả ngày là không khác nhau nhiều về mặt phòng chống dịch COVID-19 nên không nhất thiết bỏ bán trú.
Ngày 9/2, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp tại Hải Phòng. Nhiều trường học ở địa phương này đã chia sẻ về các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc mở cửa từng bước, thực hiện giãn lớp, chia ca theo từng khối lớp thay vì dạy học cả ngày ngay lập tức.
Ông Sơn đánh giá cao sự thận trọng này nhưng cũng cho biết, nhiều chuyên gia y tế cho rằng học sinh đến trường một buổi hay cả ngày là không khác nhau nhiều về mặt phòng dịch nên không nhất thiết bỏ bán trú, khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn.
Bộ trưởng đề nghị thành phố thực hiện đầy đủ, nhất quán, với những trường có điều kiện nên tổ chức cho học sinh học bán trú để vừa đảm bảo việc học tập của học sinh, vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, đưa đón con của phụ huynh. Theo ông, tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm làm việc cũng là tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
"Chúng ta vẫn lấy đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu nhưng phải có sự ứng phó phù hợp. Đã thấy yên tâm đưa các cháu đến trường và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch thì cần đảm bảo đầy đủ các hoạt động học tập trực tiếp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không chỉ Hải Phòng, một số địa phương cũng quyết định không tổ chức bán trú ngay khi cho học sinh trở lại. Ở Hà Nội, phụ huynh phải đau đầu sắp xếp công việc để đưa đón, chăm sóc con buổi trưa khi thành phố chỉ cho học một buổi.
Các địa phương hiện đang lên kế hoạch dạy học trực tiếp cho học sinh bán trú
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hơn 17,1 triệu học sinh đã được đến trường học tập trực tiếp trở lại. Với Hải Phòng, các quận, huyện thực hiện rà soát, kiểm tra các điều kiện để mở cửa đón học sinh mầm non, tiểu học trở lại học trực tiếp chậm nhất vào ngày 14/2.
> Hơn 17 triệu học sinh cả nước trở lại học trực tiếp kể sau Tết Nguyên Đán
> Các tỉnh thành lên kế hoạch cho trẻ mầm non đi học trực tiếp
Theo VnExpress