Đừng mắc các sai lầm sau khi làm hồ sơ du học Úc!

Du học Australia 2016 cần chuẩn bị những giấy tờ cơ bản nào?

1. Học bạ THPT

Hồ sơ học bạ đương nhiên phải được dịch và công chứng đầy đủ. Nhưng thay vì đem tất cả ra ngoài với chi phí khá cao, bạn có thể vận dụng vốn tiếng Anh của mình để dịch học bạ rồi chỉ cần mang đi công chứng thôi, như thế sẽ tiết kiệm hơn nhiều.

2. Đơn xin học

Hãy photo tờ đơn xin du học Úc ra làm nhiều bản để phòng trường hợp bị sai sót. Điền nháp đầy đủ trước một bản, sau đó mới cẩn thận chép vào bản chính. Đây chỉ là tờ khai thông tin cá nhân của bạn, vì thế chỉ cần điền cẩn thận, không lỗi chính tả và sạch sẽ dễ nhìn là được.

3. Chứng chỉ ngoại ngữ

Nếu bạn muốn dành được một suất học bổng du học Úc thì mức điểm IELTS/TOEFL phải lớn hơn tiêu chuẩn của trường mới có thể mong dự vào vòng xét học bổng. Tuy nhiên, một số trường đại học lại đánh giá thí sinh theo điểm Reading và Writing cao hơn những điểm khác. Hãy đọc kỹ thông tin trên trang web hoặc quyển giới thiệu của trường vì rất có thể đó là cơ hội được nhận học bổng cho bạn.

4. Bài luận/ Bản kế hoạch học tập/ Tự giới thiệu bản thân

Nếu bạn học những ngành Nghệ thuật, Âm nhạc thì phần tự giới thiệu sở thích bản thân được đánh giá cao lắm đấy. Tuy nhiên, bạn đừng liệt kê những sở thích quá chung chung như: nghe nhạc, đọc sách, xem phim. Hãy nói thật cụ thể rằng bạn mê tít các anh chàng trong One Direction, thuộc nằm lòng tên của các thành viên SNSD, thích các tác phẩm của Marc Levy hay tình yêu dành cho MU cực nồng nhiệt của mình.
Nhớ là bạn phải là một chuyên gia ở lĩnh vực nào đó, đừng có lan man quá nhiều thứ khác nhau. Nó hoàn toàn cần thiết vì các trường ĐH Úc luôn đánh giá cao những cá nhân giỏi đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó , kiểu như những kiến thức sức khoẻ giới tính đã góp nhặt được khi đọc báo, kinh nghiệm lựa chọn và sử dụng nước hoa, hay cũng có thể bạn là chuyên gia về nghệ thuật gấp giấy Origami, ẩm thực Trung hoa chẳng hạn. Hãy cho thế giới thấy niềm say mê của bạn.

Đừng mắc các sai lầm sau khi làm hồ sơ du học Úc!Bạn có mắc những lỗi khi làm hồ sơ du học Úc này không?

5. Giấy chứng nhận các hoạt động ngoại khóa

Mặc dù điểm số là điều quan trọng nhất để bạn gây ấn tượng tốt với trường. Tuy nhiên nếu chỉ có điểm số không thể giúp bạn gây ấn tượng. Đặc biệt là khi nó giống “y như đúc” với nhiều bộ hồ sơ khác, thậm chí điểm số còn cao hơn bạn nhiều.
Điều bạn cần góp nhặt trong suốt quá trình học chính là kinh nghiệm hoạt động xã hội. Chẳng hạn như tham gia chương trình tình nguyện Giờ Trái đất, đấu tranh vì động vật hoang dã, thành viên ưu tú nhất của đội hiến máu nhân đạo… Thậm chí kinh nghiệm 12 năm là lớp trưởng, mấy năm trời chỉ huy đội kịch của lớp cũng nhiệt tình đem vào hồ sơ du học Úc luôn nhé.
Nếu bạn có một công việc làm thêm, đặc biệt là những việc liên quan đến ngành bạn dự định học, thì xin thư giới thiệu từ công ty chính là cách tự PR cực hiệu quả đấy. Đối với một số ngành nghệ thuật, đôi khi bạn phải nộp thêm cả portfolio album/ CD ghi những tác phẩm bạn đã làm nữa.

6. Giấy tờ chứng minh tài chính

Đây là bằng chứng để chứng minh cho việc gia đình bạn đủ điều kiện để bạn yên tâm học tập tại Úc mà không lo bị ngừng nửa chừng hay chật vật lo chi phí du học Úc dẫn đến mất tập trung học tập. Cho nên tuyệt đối đừng có kể lể gì về gia cảnh đấy.
Hãy chú ý yêu cầu của riêng đất nước Úc, tính toán chi phí toàn bộ quá trình học + ăn uống + đi lại…rồi cộng thêm vào một khoản kha khá để bảo đảm. Nhớ là gửi trước vài tháng trước khi làm hồ sơ du học Úc, nhiều bạn không để ý, đến ngày nộp giấy tờ mới loay hoay đi gửi tiền thì không được đâu nhé!

Những lỗi cần tránh khi làm hồ sơ du học Úc 2016

  • Giả mạo hoặc che giấu thông tin

Bất kỳ một hình thức giả mạo hoặc che giấu thông tin nào đều có thể dẫn đến việc đơn xin visa du học Úc bị từ chối. Các đương đơn phải trả lời đầy đủ, thành thật và khai bất kỳ thông tin nào có liên quan đến câu hỏi. Tuyệt đối KHÔNG dùng bằng cấp giả và giấu diếm thông tin vì lãnh sự Úc có riêng một bộ phận chuyên kiểm tra độ tin cậy của hồ sơ (nói trắng ra là bằng cấp thật hay giả, chỉ cần nhìn vào là họ đã biết rồi). Vì vậy, thà hồ sơ xấu nhưng mình thành thật, bạn vẫn được cấp visa như thường.
  • Chữ ký không phải của ứng viên du học Úc

Tất cả các chữ ký trên đơn xin thị thực và trong hộ chiếu của đương đơn phải do chính đương đơn ký.
  • Giấy tờ photo 2 mặt và không trên khổ giấy A4:

Theo yêu cầu của cục quản lý nhập cảnh, tất cả các giấy tờ đều phải photo trên giấy 1 mặt và khổ A4. Hầu hết các bạn học sinh nếu không được phổ biến quy định này thì đều dễ mắc phải lỗi. Như vậy các bạn cần lưu ý về thông tin này nhé!
  • Đơn xin không hoàn chỉnh

Điều quan trọng là các hồ sơ xin thị thực du học Úc phải được nộp hoàn chỉnh một cách tối đa và tất cả các giấy tờ hỗ trợ phải được nộp ngay lúc nộp đơn. Những hồ sơ không hoàn chỉnh hoặc có các giấy tờ kém chất lượng có thể bị xét chậm hoặc bị từ chối.
  • Giấy tờ công chứng quá hạn:

Tất cả những giấy tờ cá nhân như: Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, Sơ yếu lý lịch (không quá 06 tháng),. ..,phải có công chứng của chính quyền địa phương. “Bản sao có công chứng” là những bản sao được viên chức hoặc cơ quan có thẩm quyền của nhà nước chứng nhận hoặc đóng dấu sao y bản chính. Ở Việt Nam, Phòng Công chứng Nhà nước và Uỷ Ban nhân dân địa phương được phép chứng nhận sao y bản chính các giấy tờ theo từng cấp độ phù hợp.
Lưu ý: Bản chụp các bản sao công chứng KHÔNG ĐƯỢC chấp nhận
  • Sai thông tin cơ bản trong các giấy tờ:

Giấy khai sinh: Lỗi thường gặp lớn nhất của giấy khai sinh là ghi sai tuổi bố, mẹ. Theo cách tính tuổi của người Việt Nam thì tuổi thường được cộng thêm 1 năm được gọi là tuổi mụ, dẫn đến bị sai khác so với tuổi thật. Lỗi tiếp theo có thể gặp là: ghi thiếu thông tin trong giấy khai sinh: Những thông tin cần phải có đầy đủ như: Số, Quyển số, Nơi sinh phải ghi đầy đủ xã,huyện, tỉnh.
Sổ hộ khẩu: Lỗi thường gặp : Ghi sai thông tin cá nhân của các thành viên trong gia đình, sai ngày tháng năm sinh, thông tin công việc không khớp với xác nhận công việc. Cần đối chiếu với các giấy tờ cá nhân khác để có thông tin chính xác nhất. Nếu có thông tin thay đổi cần đính chính trong phần cuối của sổ hộ khẩu và có xác nhận của công an xã, phường.
Học bạ: Lỗi thường gặp: Ghi thông tin việc làm của bố mẹ sai khác so với xác nhận công việc và xác nhận thu nhập. Cần thống nhất thông tin để hồ sơ hợp logic.
Giấy xác nhận công việc: Lỗi thường gặp: Thiếu thông tin công ty như: Mã số thuế, lĩnh vực đăng ký kinh doanh, sai thông tin người bảo lãnh, tính sai thu nhập.
Giấy tờ ngân hàng: Lỗi thường gặp: Thông tin giữa giấy xác nhận số dư và sổ tiết kiệm bị sai, thông tin người bảo lãnh bị sai, không nhìn rõ số sổ tiết kiệm, không có tên chi nhánh hay phòng giao dịch.
Giấy xác nhận học tiếng: Lỗi thường gặp: Thiếu thông tin cơ bản của học viên, tính thời gian học sai.
Ảnh: Lỗi thường gặp: chụp ảnh sai cỡ, thiếu ảnh. Ảnh chụp thời gian đã lâu.
  • Tự dịch không đúng chuẩn

Nếu bạn tự tin vào khả năng ngoại ngữ của mình và đảm bảo có thể dịch chính xác toàn bộ học bạ sang ngôn ngữ đó, tự mình dịch học bạ cũng là một cách hay – vừa có thể tiết kiệm tiền dịch thuật lại còn có thể “phô diễn” hết những thành tích của bạn. Tuy nhiên, những bản học bạ thường được dịch theo một hình thức nhất định, vì thế có một số bạn không dịch theo đúng mẫu sẵn khiến bảng điểm trở nên “lạc lõng” giữa những bảng điểm chuẩn mực.

Các điểm cần chú trọng trong hồ sơ du học Úc

Để không trải qua những phút hồi hộp ở vòng phỏng vấn visa du học Úc thì bạn phải có một hồ sơ đẹp, đủ tiêu chuẩn. Thông thường, Lãnh sự Úc sẽ nhìn vào những điểm sau khi xét hồ sơ visa du học Úc của bạn:
  • Quá trình học tập: hạn chế khoảng trống từ 6 tháng trở lên (không đi học, không làm việc – nói chung là ở không)
  • Điểm học tập: ít nhất từ 6.0 trở lên. Những hồ sơ có điểm học tập từ 5.0 – 5.9 không có nghĩa là không được cấp visa. Nhưng bạn sẽ cần chuẩn bị tinh thần là lãnh sự sẽ gọi điện về để phỏng vấn (nội dung chủ yếu là về thông tin trường/khóa học, học phí, tài chính của gia đình, lí do vì học chọn nước Úc, trường và ngành như thế)
  • Ngành học ở Úc: phải phù hợp với quá trình học tập của học sinh tại Việt Nam. Nếu bạn chuyển ngành, phải giải thích rõ với lãnh sự vì sao quyết định chuyển ngành. Ngoài ra, bạn phải nói rõ ngành học ở Úc sẽ giúp ích gì cho bạn trong tương lai.
  • Tiếng Anh: không nên học tiếng Anh quá lâu (con số lí tưởng là 5 – 30 tuần, nếu bạn nào yếu thì có thể học đến 50 tuần; tuy nhiên nếu nhiều hơn 50 tuần thì nên ở Việt Nam học thêm để rút ngắn khóa học tiếng Anh tại Úc)
  • Hồ sơ gia đình: có một số bạn nhà tài chính rất mạnh nhưng lại khai bố mẹ làm ruộng. Vì thế phần này phụ thuộc nhiều vào sự khóe léo và khả năng tiếng Anh của người khai hồ sơ xin visa cho các bạn. Vd: làm ruộng//làm rẫy/làm nông thì khai thành chủ nông trại/đồn điền
  • Người thân không vi phạm luật visa Úc. Nếu có, phải giải thích rõ ràng với lãnh sự lí do vi phạm.
  • Bạn không mắc các bệnh lao phổi và HIV/AIDS.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, việc làm thêm khi chọn du học Úc có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các dịch vụ tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.