Sự kiện Hot: TUYEN SINH 2012DIEM THI DAI HOCTI LE CHOI

Tin liên quan:

> Nhiều chương trình học bổng thay thế Đề án 322

>>  Cú sốc ngày trở về của tiến sĩ 322

>>>  Học bổng tiến sĩ 322: Dừng giải quyết thủ tục cho Ứng viên


Đề án 322 là một trong những chương trình giáo dục được đầu tư và trông đợi nhất, tuy nhiên từ một quyết định có phần đột ngột mà hàng chục nhân tài của đất nước rất có thể “bị bỏ rơi”.

Đề án 322 từng là một thắng lợi lớn

Đề án 322 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2000 với quyết định số 322/QĐ-TTg về "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước" (gọi tắt là Đề án 322). Sau đó, năm 2005 có Quyết định tiếp theo số 356/QĐ-TTg về việc điều chỉnh Đề án đến năm 2014 (Đề án 356). Năm 2011, Bộ GD-ĐT đã tiến hành tổng kết đánh giá và đưa ra các đề xuất điều chỉnh, gia hạn để thực hiện công tác đào tạo cán bộ ở nước ngoài được liên tục trong giai đoạn tiếp theo (2011-2020).

Tính đến thời điểm này, kinh phí Nhà nước dành cho Đề án 322 đã lên tới hơn 2.500 tỉ đồng, trung bình mỗi năm chi 228,5 tỉ đồng. Trong 10 năm đầu tiên (2000 – 2010) thực hiện Đề án đã đưa đi đào tạo được 4.600 người đi du học tại 832 cơ sở đào tạo tiên tiến của 34 quốc gia trên khắp thế giới. Hơn 3.000 du học sinh đã hoàn thành việc học của mình và trở về nước.

Theo nhận định của GS. Phạm Sỹ Tiến, người từng là Giám đốc điều hành Đề án 322 này: "Đề án phát huy được năng lực của ứng viên, là một thắng lợi rất lớn của nền giáo dục. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nhưng Chính phủ đã quan tâm và có đầu tư nhiều cho nền giáo dục. Việc đưa học sinh, sinh viên ra du học tại các nước là tạo những điều kiện mới cho ứng viên có cơ hội được học tập và tiếp cận với nền văn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới".

Đánh giá về hiệu quả của Đề án 322, theo ông Tiến đây là một chương trình giáo dục thành công: Hầu như tất cả những người đi học đều trở về nước, cống hiến cho đất nước. Chỉ có khoảng chừng 1% du học sinh khi học xong thì có mong muốn được làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, chính môi trường làm việc sau khi ứng viên về nước lại không thu hút và giữ chân họ lại. Các du học sinh dù trở về cơ quan cũ làm việc, nhưng tại đó không có đủ điều kiện để họ phát huy khả năng của mình, nên rất nhiều du học sinh bỏ cơ quan cũ, không ít người lại tìm cơ hội tại nước ngoài.

GS. Phạm Sỹ Tiến cho biết: "Đầu vào và quá trình đào tạo có tốt nhưng đầu ra, điều kiện làm việc không đảm bảo cũng không thể phát huy được hiệu quả của chương trình".

Dừng Đề án vì "thiếu kinh phí"

Lí giải nguyên do Bộ GD&ĐT lại đưa ra quyết định dừng Đề án này một cách đột ngột như vậy, GS Phạm Sỹ Tiến cho biết việc dừng Đề án 322 không phải là ý kiến của Bộ GD&ĐT. “Bộ GD&ĐT rất muốn đưa sinh viên đi du học, tuy nhiên nguồn kinh phí dành cho du học sinh đã hết nên đành phải hoãn các ứng viên đã trúng tuyển, không đi trong năm nay”, GS. Tiến nói.

Theo như ông Tiến cho biết, đáng lẽ kế hoạch tuyển sinh du học đã dừng ở năm 2010, nhưng vẫn tuyển cho năm 2011, trong khi đó nguồn tài chính chi cho các suất học bổng đã hết, nên không tuyển sinh năm 2012 nữa, và những trường hợp đã trúng tuyển năm 2010, 2011 nhưng chưa đi kịp thì cũng không được đi nữa. Những ứng viên này sẽ chuyển sang các dạng học bổng khác ví dụ học bổng liên kết (chi phí học bổng ít) với các nước Trung Quốc, LB Nga và một số nước Đông Âu chứ không thoải mái như khi lựa chọn địa điểm như Đề án 322.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án mới thay thế cho Đề án 356 (322) và trình Chính phủ trong tháng 6/2012. Đề án 356 (322) đến nay đã hoàn thành chỉ tiêu đào tạo cho giai đoạn 2 (2000 người), và vì vậy Bộ GD&ĐT không được phép cử thêm người đi học mới trong năm 2012 và không được nhà nước cấp kinh phí để cử người đi học mới theo Đề án này nữa. Năm 2013, nếu Đề án mới được phê duyệt thì sẽ tiếp tục tuyển sinh và cử đi học.

Tuy nhiên, việc thay đổi địa điểm du học đột ngột chẳng khác nào lại làm khó ứng viên một lần nữa. Vì như khi đi du học tại Trung Quốc, Nga hầu hết ứng viên sẽ phải học theo tiếng bản địa, mà không phải du học sinh nào cũng có thể trang bị ngôn ngữ đó cho mình. Như vậy, dù có hướng “đền bù” bằng học bổng khác, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cách làm này chẳng khác gì "ép" các ứng viên vào tình huống không mấy khả quan.

Việc các ứng viên đã được đưa vào diện đi du học, và rồi lại bị dừng lại một cách đột ngột, là một cú sốc lớn với họ. Buồn hơn nữa là nhiều người trong số xuất thân từ những gia đình khó khăn, họ đã phải vay mượn, dồn hết những gì có được cho đứa con của mình, nhưng nay sự kỳ vọng ấy đang bị xô ngã, thay vào đó là những nỗi thất vọng tột cùng. Rất nhiều ứng viên đã phải bỏ qua những cơ hội học tập, cơ hội nghề nghiệp cũng như tiền bạc và thời gian để chuẩn bị cho chuyến đi du học. Nhiều người không khỏi bức xúc mà cho rằng hành động này chẳng khác gì... “đem con bỏ chợ”.

Tin liên quan đến xét tuyển:

 

** Bạn có thể để lại thắc mắc về tuyển sinh 2012, câu hỏi hoặc ý kiến tại ô bên dưới

(Theo: Giaoduc)