Khi nhận được giấy báo trúng tuyển thì liệu đã chắc chắn bạn trúng tuyển hay chưa? Cùng lắng nghe nhà trường và các chuyên gia chỉ dẫn thêm nhé!
1. Trường hướng dẫn, trường không
Vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, một số trường ĐH đã gửi thông báo trúng tuyển ĐH chính quy cho thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển bằng phương thức học bạ. Trong số những giấy báo trúng tuyển, có trường giải thích cụ thể cho TS hiểu về quy chế xét tuyển mới, có trường không, dễ dẫn đến hiểu lầm.
Những trường cẩn thận như Trường ĐH Văn Lang gửi “Thông báo kết quả xét tuyển hệ ĐH chính quy năm 2022 bằng phương thức học bạ”, trong thông báo có ghi rõ “TS trúng tuyển có điều kiện năm 2022 cần được công nhận tốt nghiệp THPT và trúng tuyển trên hệ thống tuyển sinh quốc gia của Bộ GD-ĐTđể chính thức nhập học Trường ĐH Văn Lang”.
Bên cạnh đó, trường hướng dẫn thêm: “Từ tháng 7.2022, theo Quy chế tuyển sinh, TS xác định nguyện vọng (NV) xét tuyển và thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống (qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia). Nếu xác định nhập học Trường ĐH Văn Lang, anh/chị cần đăng ký ngành học tại Trường ĐH Văn Lang ở thứ tự NV số 1”.
Đừng chủ quan mà hãy cẩn trọng với giấy báo trúng tuyển sớm
Tuy nhiên, tại giấy thông báo trúng tuyển của một số trường khác, TS không được hướng dẫn phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của bộ, chỉ yêu cầu TS cần bổ sung trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh bản sao hợp lệ giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp THPT nếu muốn trúng tuyển và nhập học chính thức.
Thậm chí có trường còn khuyến khích TS nhập học sớm để được ưu đãi học phí. Chẳng hạn Trường ĐH Hoa Sen có giấy thông báo TS trúng tuyển, hướng dẫn hoàn tất thủ tục nhập học bằng các loại giấy tờ như phiếu đăng ký nhập học, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bản chính giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022... Thông báo này đưa ra mốc thời gian nhập học trước ngày 15.8 nhưng lại có ưu đãi khấu trừ học phí 10 triệu đồng nếu TS nhập học từ 1.5 - 19.6.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng thông báo cho TS xét tuyển bằng học bạ đợt 1 đến trường để hoàn tất hồ sơ trực tiếp hoặc truy cập vào trang web của trường, với ưu đãi 367 suất học bổng trị giá 5 triệu đồng cho TS làm thủ tục sớm nhất.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các trường không yêu cầu TS xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.
2. Coi chừng mất cơ hội trúng tuyển
Theo quy chế tuyển sinh ĐH năm nay, TS có thể trúng tuyển sớm bằng nhiều phương thức khác nhau như học bạ, điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, chứng chỉ nước ngoài… nhưng vẫn phải đưa lên hệ thống lọc ảo chung của bộ sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, trừ phương thức tuyển thẳng theo quy định của bộ như tuyển thẳng với học sinh giỏi quốc gia, quốc tế… Ngay cả TS tự do, đã có bằng tốt nghiệp THPT và đã đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức riêng, cũng không được xác nhận nhập học sớm.
Từ ngày 29.6, hàng loạt trường ĐH đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm theo chế tuyển sinh. Tuy nhiên, đại diện các trường đều lưu ý TS cần thêm điều kiện tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT để được công nhận trúng tuyển chính thức.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang, nhìn nhận: “Khi nhận được giấy báo trúng tuyển “có điều kiện”, nếu TS không được giải thích và hướng dẫn kỹ, sẽ dẫn đến những rủi ro, thiệt thòi cho TS. Bởi không ít em chắc mẩm mình đã trúng tuyển nên không thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của bộ, theo đúng kỹ thuật là đặt ngành học mà mình đã được trúng tuyển có điều kiện lên thứ tự NV ưu tiên là 1. Hoặc các em vẫn đăng ký xét tuyển lên hệ thống chung nhưng do không biết nên đặt ngành đó thành thứ tự NV ưu tiên 2, 3… thì các em sẽ vẫn lỡ mất cơ hội trúng tuyển”.
Lãnh đạo một trường ĐH còn nêu ra tình huống nếu ngành học đó là ngành hot, thu hút thêm nhiều TS đăng ký NV 1 hoặc thay đổi thành NV 1 trên hệ thống chung, trong khi chỉ tiêu vẫn như vậy, thì điểm chuẩn sẽ không còn như cũ dẫn đến nguy cơ TS bị trượt dù trước đó đã đủ điều kiện trúng tuyển. Vì theo quy chế, từ ngày 22.7 - 20.8, tất cả các TS đều được quyền đăng ký, điều chỉnh, bổ sung NV xét tuyển.
“Chính vì vậy, khi nhận được giấy báo trúng tuyển có điều kiện, TS không nên vội vàng làm thủ tục xác nhận nhập học vì có xác nhận trong thời điểm này cũng không có giá trị, thậm chí còn chưa chắc chắn sau này có trúng tuyển chính thức hay không. Để chắc chắn mình được trúng tuyển, các em cần xem lại trong số các phương thức mà mình đã đủ điều kiện trúng tuyển, xác định mình thích học ngành nào nhất, thì phải thực hiện đặt ngành đó ở phương thức đó thành ưu tiên số 1 khi đăng ký trên hệ thống chung của bộ”, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, lưu ý.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Nhân, trong trường hợp sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu điểm TS cao, có khả năng trúng tuyển vào ngành tốt hơn, trường tốt hơn thì các em hoàn toàn có thể chọn một NV mới thành ưu tiên số 1, không nhất thiết phải đặt ngành học mà mình đã đủ điều kiện trúng tuyển lên ưu tiên số 1. “Quyền quyết định là của các em, không nên chủ quan cũng như không nên bị ràng buộc bởi tờ giấy thông báo trúng tuyển sớm”.
> Bao nhiêu điểm sẽ trúng tuyển đại học bằng kết quả thi đánh giá năng lực?
> Trường đại học tư có thể thành đại học quốc gia được không?
Theo Báo Thanh Niên