Ông Alexis Ly, cán bộ phụ trách du học, CampusFrance Việt Nam (Văn phòng dành cho sinh viên (SV) Việt Nam của Đại sứ quán Pháp), Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, chia sẻ nhiều thông tin về chi phí cho những ai có ý định sang Pháp du học.

Nhiều học bổng giúp giảm chi phí

Hiện nay có rất nhiều học bổng được chính phủ Pháp, các tổ chức hoặc một số địa phương của Pháp cam kết tài trợ cho SV Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Có hơn 650 chương trình học bổng quốc gia và quốc tế dành cho Việt Nam. Theo quy chế SV nhận học bổng của chính phủ Pháp thì sẽ được miễn lệ phí đăng ký vào trường ĐH và các chi phí BHYT. “Nếu các thí sinh tìm được những học bổng như thế này thì chi phí cho chuyến du học sẽ được tiết kiệm ngay từ lúc chưa bước chân lên máy bay” - ông Alexis hài hước nói.

Du học Pháp: Tìm hiểu học bổng du học, visa du học và việc làm thêm

Các SV tìm hiểu thông tin về du học tại ngày hội du học “Chào mừng các bạn đến với nước Pháp”. Ảnh: HUYỀN VI

Các học bổng được hưởng những chính sách ưu đãi của chính phủ Pháp bao gồm: học bổng toàn phần của chính phủ Pháp; học bổng trình độ thạc sĩ khá tiếng tăm Eiffel, học bổng Excellence-Major (dành cho thí sinh có bằng tốt nghiệp THPT của một trường trung học Pháp), chương trình dành cho thạc sĩ và tiến sĩ Erasmus Mundus, học bổng cơ quan ĐH Pháp ngữ (AUF) và một số học bổng của các chính quyền địa phương của nước Pháp dành cho SV Việt Nam, học bổng của Bộ Giáo dục Việt Nam,... Tùy theo loại học bổng, thí sinh sẽ nhận được suất học tập cho thời gian từ 10 đến 36 tháng hoặc năm năm (đối với học bổng Excellence-Major).

Ngoài học bổng này ra thì đa số trường ĐH tại Pháp đều có thêm các suất học bổng dành cho những SV xuất sắc, ưu tú. Suất học bổng này khoảng 40.000 EUR (hơn 1 tỉ đồng). “Hiện nay rất nhiều SV Việt Nam đang theo học tại Pháp nhận được học bổng này. Vì du học sinh Việt Nam khi sang Pháp học tập đều rất chăm chỉ và cần cù nên mới đạt được kết quả như vậy” - ông Alexis chia sẻ.

Ngoài ra ở Pháp, SV được hưởng rất nhiều ưu đãi như giảm giá đi lại, giảm giá khi tham gia hoạt động thể thao, văn hóa, giải trí (điện ảnh, bảo tàng), được hưởng trợ cấp nhà ở,...

Nhà thuê giá rẻ và nhiều việc làm thêm

Ông Alexis Ly cho rằng mặc dù chính phủ Pháp có chính sách trợ cấp nhà ở cho SV quốc tế nhưng thực tế việc này cũng còn nhiều hạn chế. Bởi hiện tại Pháp có tới hơn 200.000 SV nước ngoài (chiếm hơn 12% tổng số SV) nên các ký túc xá và nhà ở cho SV không thể đáp ứng hết nhu cầu của SV.

Ký túc xá SV là hình thức nhà ở tiết kiệm nhất dành cho du học sinh. Tiền thuê nhà dao động từ 120 đến 350 EUR (tương đương 3,2-9,4 triệu đồng)/tháng. Số lượng nhà ở tương đối hạn chế và thường được ưu tiên cho SV hưởng học bổng của chính phủ Pháp. Ký túc xá tư nhân dành cho SV cũng có mặt tại hầu khắp các TP có cơ sở đào tạo ĐH. Loại nhà ở này có tiện nghi tốt hơn và có giá 600-700 EUR (khoảng 16- gần 19 triệu đồng)/tháng ở Paris và 400-700 EUR (gần 11-19 triệu đồng)/tháng tại các TP khác. Nếu không tìm được ký túc xá SV thì các du học sinh có thể tìm đến các tổ chức SV, bạn bè hoặc người thân để được giúp đỡ và tìm nhà ở. Bởi vậy, các cựu du học sinh thường có lời khuyên những ai có ý định đến Pháp thì nên tìm nhà trọ càng sớm càng tốt. Thời điểm kiếm nhà trọ tốt nhất là vào dịp cuối năm học (khoảng tháng 5). Thời điểm này các du học sinh Việt học xong và chuyển TP hoặc về nước.

Theo ông Alexis Ly, luật của Pháp cho phép SV nước ngoài được làm việc. Giấy phép cư trú chính là cơ sở cho phép SV tạm thời được làm một công việc được trả lương trong giới hạn 60% thời lượng lao động một năm theo quy định (tương đương 964 giờ/năm). Mức lương tối thiểu theo giờ tại Pháp là 9,53 EUR (khoảng 250.000 đồng).

SV có thể xin làm việc tại một cơ sở giảng dạy ĐH công lập với một số công việc như đón tiếp SV, học kèm, hỗ trợ tin học và sử dụng các công nghệ mới, hoạt náo viên,… hoặc các công việc phổ biến khác tại Pháp như trông trẻ, làm nhà hàng, thu ngân ở siêu thị, dọn nhà… “Làm việc bán thời gian ở Pháp không đủ để đáp ứng mọi nhu cầu chi tiêu cá nhân, đó chỉ có thể là một khoản tiền phụ thêm. Vì vậy bạn không nên quá chú trọng đến việc làm thêm mà bỏ bê học tập” - ông Alexis khuyến cáo.

Những lưu ý khi xin visa du học tại Pháp

Để không gặp khó khăn và chậm trễ trong việc xin visa du học, Alexis Ly đã có những lời khuyên:

Khi có giấy báo trúng tuyển từ trường ĐH bên Pháp, thí sinh đến CampusFrance Việt Nam để được hướng dẫn và hoàn tất hồ sơ. Sau khi hoàn tất hồ sơ sẽ nộp đơn xin thị thực tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hoặc Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM. Phải làm đúng theo quy định và quy trình tại đây.

Trong hồ sơ nên cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ học thuật, ngôn ngữ, việc làm,… Phải chứng minh được chỗ ở trước khi sang Pháp và tài chính cho quá trình du học. Điền đầy đủ thông tin vào các mẫu đơn có sẵn và nộp trước ngày hết hạn thụ lý hồ sơ (trước hai tuần) để các cơ quan có đủ thời gian kiểm tra, thẩm định.

Theo Báo Pháp luật Tp.HCM, tin gốc:http://plo.vn/giao-duc/du-hoc/du-hoc-phap-voi-tui-tien-khiem-ton-516059.html

Từ khóa: Du học Pháp: Tìm hiểu học bổng du học, visa du học và việc làm thêm