Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Theo Bộ GD&ĐT, định hướng xây dựng chương trình và sách giáo khoa  phổ thông sau năm 2015 sẽ có hàng loạt điểm mới. Nội dung, cấu trúc của chương trình giáo dục đổi mới sẽ ưu tiên những kiến thức cơ bản, hiện đại nhưng gắn bó thiết thực với cuộc sống tránh hàn lâm, lý thuyết, ưu tiên thực hành tăng hứng thú cho học sinh. Nhưng giáo viên có theo được mục tiêu "lý tưởng” này không là chuyện cần bàn.

Nói hay đừng

Bộ sách Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại được đưa vào chính thức trong các trường tiểu học năm nay như một phương án dạy học, thay vì chỉ thí điểm như trước. 37 địa phương đã sử dụng bộ sách này sau quãng thời gian thăng trầm 35 năm. Lý do khiến một số quan chức Bộ hào hứng với bộ sách này vì bao lâu nay, SGK cũng như phương pháp giáo dục phổ thông "chính thống” quá nặng nề, cũ kỹ. Việc đưa bộ sách "ba chìm bảy nổi” vào đại trà đã tạo không khí mới và quan trọng hơn là ảnh hưởng tích cực của nó với các quyết định đổi mới tới đây, căn bản và toàn diện.

sách giáo khoa sau năm 2015

Đổi mới sách giáo khoa

Trả lời câu hỏi chấp nhận bộ sách này dạy song song trong nhà trường có gây khó khăn gì cho các trường, cho giáo viên, một Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: "Không có khó khăn gì!”. Theo ông, bậc tiểu học (TH) mỗi giáo viên phụ trách một lớp nên cô có điều kiện kèm cặp, hướng dẫn học sinh. Lớp này học công nghệ giáo dục của GS Đại. Lớp bên học chương trình của Bộ GD&ĐT cũng không sao. Chỉ cần học sinh ra kết quả biết đọc, biết viết(!).

Nhưng đó là cảm hứng lạc quan của lãnh đạo Bộ. Còn giáo viên, học sinh là người thực hành thì sao? Mệt, thậm chí dốc sức đuổi theo không nổi. Như Hưng Yên năm học này là năm đầu tiên triển khai dạy tiếng Việt theo sách trên tại 12 trường TH ở thành phố và 1 trường TH ở huyện Văn Lâm. Giáo viên, lãnh đạo nhà trường và các phụ huynh đều có nhiều băn khoăn, lo lắng. Sau 2 tháng học, "một số phụ huynh đã/đang tính đến việc cho con đi học thêm do sợ các con không theo kịp chương trình. Sách mới chỉ phù hợp với các cháu khá giỏi”.

Có thể làm gì để phát huy một cách hiệu quả phương pháp giáo dục đã được lựa chọn? Làm thế nào để đánh giá mức độ thành công của mục tiêu giáo dục? Những câu hỏi không dễ trả lời, nhưng khi cấp dưới báo cáo cấp trên vẫn quen "dãi thẻ” thành tích thì cấp trên lạc quan thái quá là dễ hiểu.

Song nếu lãnh đạo ngành đánh giá sai thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên - lực lượng nòng cốt tham gia đổi mới toàn diện, thì "trận đánh lớn” này có thể sẽ phải trả giá đắt. Giá trị đích thực của giáo dục phải là một phương pháp, một thói quen và một lối sống tự tìm tòi, tự đánh giá, tự chọn lựa suốt đời. Giáo viên chưa theo nổi đổi mới giáo dục sẽ khó hy vọng kéo được "cỗ xe” học sinh mới theo, giáo viên không từ bỏ được thói quen đọc - chép làm sao học sinh có được năng lực, phẩm chất mới?

Thầy cô giáo phải đủ năng lực để tự bồi dưỡng đáp ứng đổi mới và quan trọng hơn, họ cũng như lãnh đạo ngành phải dám nói thẳng, nói thật nếu sách mới biên soạn quá dở, quá tải, quá khó dạy, nếu chương trình có những khiếm khuyết…

***Cần cơ chế cho giáo viên phục vụ đổi mới giáo dục

Khoán chui giáo dục

Cả nước biết rõ công lao của ông Kim Ngọc với "khoán chui” trong nông nghiệp, về sau đã được công nhận và thể chế hoá bằng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (sau gọi là khoán 10). Tên tuổi ông từng gắn liền với khoán hộ, khoán 10, nổi tiếng vì dám nghĩ dám làm, dám đột phá để đưa cụm từ "khoán hộ” vào trong chủ trương của Đảng bộ Vĩnh Phú khi nó bị coi là đi ngược lại CNXH…

Còn trong giáo dục cho đến bây giờ, ở Việt Nam ta hầu hết các trường vẫn chưa thoát ra khỏi được cái tư duy bảo thủ. Tuy luôn nói cần dạy "tư duy độc lập” nhưng trong hành xử, phần đông các trường vẫn ngồi chờ "chỉ đạo” từ trên xuống. Bộ GD&ĐT khuyến khích trường dạy "tư duy phản biện”, nhưng chưa thực lòng có cơ chế khuyến khích các trường theo đuổi những bộ SGK chất lượng cao, lối tư duy mới hiện đại và sáng tạo.

Đó cũng là trường hợp của bộ sách Cánh Buồm vào các trường như một hình thức "khoán chui giáo dục”. Tiếp cận sách của Cánh Buồm là để tiếp cận một phương pháp dạy - học hiện đại, khắc phục việc học máy móc của trẻ em hiện nay, tạo không gian cho trẻ có cơ hội được sáng tạo, cho trẻ tự lựa chọn chúng thích học cái gì, cuốn nào trong bộ sách Cánh Buồm. Thế nhưng bộ sách này dù khá nhiều trường "mê” nhưng nó vẫn chưa vào được  trường. Lý do, nhiều trường giữ ý với lãnh đạo ngành, "sợ Bộ, sợ Sở” xoi mói, đánh giá… Chứng kiến những tiết học "khoán chui giáo dục” của nhà giáo Phạm Toàn, lại nhớ ông Kim Ngọc xưa…

Tại TP HCM, từ năm học mới 2013 - 2014 nhiều trường THCS đã thí điểm sử dụng bộ tài liệu dạy - học vật lý lớp 6, 7, 8. Đây là sách do Sở GD&ĐT TP HCM biên soạn nên vào các trường dễ dàng hơn, dù Sở không áp đặt. Ưu điểm nổi trội ở bộ tài liệu là phân bổ rõ ràng giữa hai phần lý thuyết và thực hành.

***Thích thú với sách giáo khoa Tp.Hồ Chí Minh

Bộ GD&ĐT muốn vào trận đánh lớn với năng lượng mới, cần khuyến khích các cơ sở giáo dục, chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo giỏi nghề, giàu tâm huyết biên soạn tài liệu tham khảo cho các cấp học, môn học. Chính họ là những "phép thử” tuyệt vời cho đổi mới căn bản toàn diện tới đây. Từ họ, ngành GD&ĐT sẽ nhận những phản hồi xác đáng, tạo niềm tin rằng chúng ta có thể xây nền móng vững chắc cho bước đột phá đổi mới - hiện đại hóa chương trình SGK.

Các nhà giáo đứng lớp được tiếp cận công khai với nhiều bộ sách mới, phương pháp giảng dạy mới hiện đại sẽ có nhiều cơ hội thích ứng với đổi mới. Chính các chuyên gia này đồng thời sẽ hỗ trợ, tư vấn thích đáng để các trường, các địa phương chọn lựa SGK theo nhu cầu.

Lợi ích nhóm trong biên soạn, in ấn, phát hành SGK phải được triệt tiêu triệt để, một khi thực sự đổi mới GD&ĐT. Đó là đòi hỏi tiên quyết mà Bộ GD&ĐT cần làm sớm, không thể có nói mà không có làm như lâu nay.

Theo tác giả Thanh Lê, Đại đoàn kết