>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, học đường
Một trong những thành tố quan trọng của Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là việc soạn thảo sách giáo khoa mới theo đúng mục tiêu của Đề án là chuyển từ dạy chữ sang dạy người.
Giáo sư Đinh Quang Báo trả lời phỏng vấn Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Đinh Quang Báo, thường trực ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 để tìm hiểu rõ hơn về bộ sách mới.
Thưa giáo sư, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ có gì khác biệt với chương trình, sách giáo khoa hiện hành?
Khi đổi mới theo hướng phát triển năng lực người học và dạy tích hợp thì rõ ràng nội dung kiến thức cũng phải thiết kế lại theo logic khác.
Trước đây chúng ta làm sách theo logic môn học của từng lĩnh vực thì bây giờ lấy logic sự phát triển năng lực của trò làm trung tâm và các yếu tố khác phải chịu sự chi phối của logic này.
Chương trình mới không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, động cơ… vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày của học sinh. Vì thế, chương trình mới chủ trương chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống thay vì nặng kiến thức hàn lâm như hiện nay.
Sách giáo khoa theo đó đương nhiên phải thay đổi cả về hình thức, nội dung, đổi mới cả việc đặt tên môn học, các lĩnh vực học tập, cách ra môn học và thể hiện ở văn bản. Tất cả các vấn đề đó đều được phải nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ.
Đổi mới sách giáo khoa phải theo cách cuốn chiếu nhưng lần này sẽ cuốn chiếu theo từng cấp học để đẩy nhanh quá trình thay sách.
Giáo dục Việt Nam trước đề án được kỳ vọng nhất
Phải thay đổi hoàn toàn, từ lấy tri thức khoa học làm tâm sang lấy kỹ năng người học làm trục tham chiếu, trong việc biên soạn nội dung sách giáo khoa, điều này liệu có khó khăn khi các nhà giáo dục Việt Nam đã quá quen với lối tư duy cũ, thưa giáo sư?
Giáo sư Đinh Quang Báo: Đây đang là một vấn đề trọng tâm. Muốn đổi mới phải giải quyết được vấn đề này, phải thay đổi trong nhận thức của người làm chương trình, của người biên soạn sách giáo khoa thì họ mới có thể xây dựng được nội dung mới theo đúng tinh thần của Đề án.
Tuy nhiên, để thay đổi được, để quán triệt được điều đó là rất khó. Họ đã quá quen với tư duy cũ, tôn trọng và lấy logic khoa học của môn học làm chính. Vì thế, khi làm sách, người viết rất chú ý đến việc không được làm chệch choạc logic nội dung môn học, và người ta phải đi từ a đến z một cách cẩn thận, có hệ thống.
Bây giờ ta lại yêu cầu phải lấy logic phát triển năng lực học sinh làm chính. Hai logic này nó có chập nhau không là vấn đề phải trả lời? Về nguyên tắc nó có giao thoa nhưng không chồng khít, có chỗ không thoả mãn. Vì thế khi lấy logic năng lực là chính thì phải hy sinh một phần logic môn học.
Chính bản thân tôi đã vấp phải điều này. Trước đây tôi cũng đã đọc sách giáo khoa nước ngoài xem chương trình của họ và tôi thấy họ không bình thường, chẳng thấy logic gì. Lúc này dạy tế bào, chỗ kia dạy bộ phận, không theo trình tự nào, về logic môn học tôi cho là không đạt yêu cầu, không chấp nhận được...
Nhưng khi lật lại vấn đề tôi lại thấy một logic khác rất chặt chẽ là các hoạt động để tổ chức học trò tìm tòi họ lại sắp xếp rất logic. Tôi đã theo dõi một chi tiết là khái niệm di truyền từ lớp 1 đến lớp 12. Tôi thấy cách diễn đạt ở các cấp học trò đều nhận ra được, nghĩa là khái niệm được diễn đạt phù hợp với năng lực từng bậc học, để học sinh biết vận dụng khái niệm ở tình huống phù hợp chứ không nhất thiết phải đúng chuẩn ngôn ngữ khoa học.
Tôi nghĩ muốn giải quyết vấn đề phải tập trung cao độ các nhà khoa học, phải vận dụng kinh nghiệm nước ngoài vì tình trạng này họ đã gặp.
Sách giáo khoa mới sẽ phải lấy trọng tâm là phát triển năng lực người học. Vậy theo ông, khi viết sách có cần thêm các thành viên khác như nhà tâm lý học chẳng hạn?
Giáo sư Đinh Quang Báo: Chắc chắn là cần thêm, nhưng không thể cả nhà tâm lý, giáo dục học, di truyền học cùng ngồi viết sách giáo khoa mà người viết sách phải ba trong một. Kiến thức sách giáo khoa là giao thoa giữa khoa học sư phạm và khoa học của lĩnh vực môn học.
Đây cũng là một khó khăn khi tập huấn cho người biên soạn sách giáo khoa.
Dạy tích hợp, chương trình mới tăng hay giảm tải?
Rõ ràng có rất nhiều thách thức đối với đội ngũ viết sách giáo khoa và chương trình mới, cả về tư duy và năng lực. Theo giáo sư, hiện đội ngũ các nhà biên soạn sách ở Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu?
Hiện tại chắc là chưa. Bộ đang dày công lựa chọn những người có tư tưởng đổi mới theo hướng này nhưng phải tập huấn. Bộ đã tổ chức đi một chuyến tập huấn rồi và sắp tới sẽ có nữa và có liên tục các chuyến đi để thay đổi tư duy.
Tuy nhiên, cũng không thể trông đợi họ ngay lập tức hoàn thiện mà phải từ từ.
Khó khăn là thế nhưng Đề án đặt mục tiêu có sách mới sau năm 2015, nghĩa là chỉ còn hai năm nữa. Ban soạn thảo liệu có thực hiện kịp tiến độ này, thưa giáo sư?
Giáo sư Đinh Quang Báo: Đó cũng là một lo lắng. Chúng ta vừa vội nhưng cũng không được đốt cháy giai đoạn, vội nên thái độ phải tích cực, tập trung làm cho được, nhưng không phải là vì tiến độ mà làm sơ sài.
Phải lấy việc nghĩ cho kỹ, làm cho chu đáo. Nếu làm dở thì nhanh thành chậm mà không đưa lại kết quả gì.
Tôi nghĩ phải rất quyết liệt mới đi theo được tiến độ mong muốn. Tôi nghĩ mốc này chắc chắn phải phấn đấu để có chương trình chi tiết, hợp lý, song song với đó có những bản thảo về sách giáo khoa để năm học 2016-2017 có quyển sách thí điểm của lớp đầu cấp, phấn đấu đến năm 2021 là có thể hoàn tất việc thay sách.
Theo Phạm Mai, VN plus