Vụ việc nhóm sinh viên Kaito Kid đoán 'trúng' đề thi tốt nghiệp THPT có nguy cơ bị phạt làm dấy lên nhiều tranh luận từ phía học sinh, sinh viên và giáo viên.

Đẩy nhanh tiến độ chấm thi tốt nghiệp THPT phải đi kèm với chất lượng

Đẩy nhanh tiến độ chấm thi tốt nghiệp THPT phải đi kèm với chất lượng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, phải lấy chất lượng chấm thi tốt nghiệp THPT làm mục tiêu số 1.

Đoán 'trúng' đề thi có nguy cơ bị phạt: Giáo viên, học sinh nghĩ gì? - Ảnh 1

Tài khoản Kaito Kid sở hữu hơn 1 triệu lượt theo dõi, sử dụng nhiều từ dễ gây hiểu nhầm như “trộm đề”, “đề real” (đề thật) khi đăng dự đoán đề thi tốt nghiệp THPT

1. Nhiều yếu tố gây hiểu nhầm

Khi được hỏi về sự khác nhau giữa dự đoán đề thi với dự đoán thời tiết hay tỷ số trận đấu bóng đá, Kiều Minh Hùng (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM), từng đạt giải nhì học sinh giỏi văn cấp thành phố, cho hay đoán đề mang cảm tính và may rủi là chủ yếu.
“Dự đoán thời tiết hay tỷ số dựa trên những thống kê có tính chuẩn xác cao, như số liệu đài thiên văn hay thực lực đã được phô diễn từ trước của đội bóng. Còn đoán đề chỉ dựa trên giới hạn quy luật đề đã ra rồi sẽ không ra lại trong 3 năm”, Hùng nêu quan điểm.
Theo Hùng, sở dĩ tài khoản Kaito Kid gây hiểu nhầm đề thi bị lộ là vì 3 yếu tố. Đầu tiên là sự trùng hợp đến khó tin khi 3 năm liên tiếp đoán “trúng” đề văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thứ hai là việc tạo sự kiện “trộm đề” trên trang chủ khiến yếu tố giải trí đi quá xa, làm một số người tin là thật.
“Cuối cùng là sự ẩn danh của Kaito Kid tạo ra hoài nghi về thân phận, khiến dư luận có nhiều gán ghép khác nhau. Vì việc đoán ‘trúng’ đề rất bình thường trong giới học sinh, một số Tiktoker hay KOL cũng có hành động công khai đoán đề và đoán ‘trúng’ trên mạng”, nam sinh kết luận.
Từng đạt giải nhất học sinh giỏi văn cấp thành phố, Lê Phương Uyên (sinh viên ngành báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho rằng việc xử phạt “có phần hơi nặng”, dù quyết định này dựa trên lý do xác đáng là đề thi tốt nghiệp THPT thuộc vào “bí mật quốc gia”, nhóm Kaito Kid lại dùng các từ “trộm đề”, “đề thật”... có thể gây hiểu nhầm không đáng có.
“Nhưng xét cho cùng thì đây chỉ là một cách thức đoán đề có nội dung độc lạ không giống ai, tài khoản Kaito Kid cũng chỉ đoán ‘trúng’ duy nhất tên tác phẩm ra thi là Chiếc thuyền ngoài xa chứ không nêu rõ đề sẽ xuất hiện đoạn trích hay chi tiết nào. Câu hỏi nghị luận văn học là một phạm trù rộng, có rất nhiều phương hướng để ra đề, mở rộng và liên hệ”, nữ sinh viên nói.

Đoán 'trúng' đề thi có nguy cơ bị phạt: Giáo viên, học sinh nghĩ gì? - Ảnh 2

Nhiều thí sinh vui mừng vì “trúng tủ” sau khi hoàn thành bài thi ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

2. Cách học sẽ thay đổi trong chương trình mới

Từ câu chuyện Kaito Kid vướng lùm xùm lộ đề, thạc sĩ Đặng Thị Kiều Oanh (giáo viên ngữ văn Trường Quốc tế Quy Nhơn và một trường THPT tại Quy Nhơn) nhận định tư tưởng học ít, thậm chí là không học nhưng thích đạt điểm cao dẫn đến việc học sinh thích học “tủ”, đoán đề, điều này hoàn toàn không nên.
Thạc sĩ Oanh khuyên: “Học sinh nên khởi đầu sớm, tích lũy tri thức mỗi ngày một ít, cứ từng chút một như thế. Thời đại ngày nay các công ty trả lương theo năng lực chứ không hoàn toàn theo bằng cấp nên chúng ta học để trang bị tri thức, lấy đó làm hành trang vào đời thì sẽ dễ thành công hơn”.
Cũng theo nữ giáo viên, trào lưu đoán đề chỉ còn nở rộ với các em sinh năm 2005 và 2007, hai lứa học sinh cuối cùng còn học sách giáo khoa (SGK) cũ với số lượng tác phẩm văn học nhất định. “Khi các em lên 10 năm nay học chương trình mới với nhiều bộ SGK khác nhau và thi các tác phẩm ngoài SGK, trào lưu này sẽ tự biến mất”, cô Oanh khẳng định.
Khi không còn phải ôn luyện dựa trên ngữ liệu có sẵn trong sách, cô giáo có hơn 17 năm kinh nghiệm đứng lớp cho hay xu hướng học kỹ năng sẽ “lên ngôi”. “Ví dụ như kỹ năng làm phần đọc hiểu, kỹ năng làm nghị luận, kỹ năng phân tích các thể loại tác phẩm nhất định như thơ, truyện. Học sinh sẽ áp dụng những kỹ năng đó để có thể phân tích bất kỳ tác phẩm nào”, thạc sĩ Oanh cho hay.
Cô Oanh tiếp tục: “Nói thì dễ nhưng thực hành rất khó, vì bây giờ nếu lấy một tác phẩm hoàn toàn xa lạ cho giáo viên làm cũng khá mất thời gian. Cho nên để hoàn thành tốt bài thi tốt nghiệp THPT trong chương trình mới, học sinh phải nắm rất vững từng thể loại để áp dụng kỹ năng phân tích phù hợp”.

> Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM công bố điểm chuẩn trúng tuyển các phương thức đầu tiên

> Trường ĐH Sài Gòn: Điểm chuẩn đánh giá năng lực ngành cao nhất lấy 898 điểm

Theo báo Thanh Niên