Thí sinh được chọn một trong sáu bài thi Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn và Tiếng Anh để xét tuyển vào 21 ngành của Đại học Sư phạm TP HCM.
1. Kì thi năng lực chuyên biệt, thí sinh làm bài trên máy tính
Sáng 1/6, hơn 500 thí sinh tham dự ca thi đầu tiên, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm TP HCM ở bốn môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Thí sinh làm bài trên máy tính.
Trước khi vào phòng, giám thị sẽ quét an ninh để đảm bảo các em không mang theo điện thoại, đồng hồ, thiết bị điện tử, trừ máy tính cầm tay. Các em được phổ biến quy chế, hướng dẫn trả lời trên máy tính trước khi làm bài.
Nguyễn Bảo Long (trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia) thi môn Toán với nguyện vọng một vào Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm TP HCM. Long cho biết sẽ dùng ba phương thức xét tuyển vào ngành này, gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT và điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
"Vừa qua, em thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM nhưng kết quả không khả quan, do đó rất kỳ vọng vào kỳ thi này", Long cho biết.
Trong khi đó, Dư Quốc Thuận (THPT Trưng Vương) thi Hóa học với mục tiêu vào Sư phạm Hóa. Thuận cho biết, do điểm học bạ không cao nên sẽ tập trung cho kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt và thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh tại điểm thi Đại học Sư phạm TP HCM được quét an ninh, kiểm tra máy tính cầm tay trước khi vào phòng thi
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Hiệu phó Đại học Sư phạm TP HCM cho biết, khoảng 2.000 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá chuyên biệt ở sáu môn. Đề bám sát chương trình giáo dục phổ thông, 70-80% thuộc chương trình lớp 12, còn lại thuộc lớp 10 và 11.
Bài thi Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học gồm 50 câu hỏi, trong đó 35 câu trắc nghiệm và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn. Thời gian làm bài 90 phút.
Bài thi Ngữ văn gồm 20 câu trắc nghiệm, một bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội theo định hướng mở trong khoảng 600 từ. Thí sinh làm bài trực tiếp trên hệ thống trong 90 phút.
Bài thi Tiếng Anh được thiết kế 180 phút với bốn phần tương ứng các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh bậc 3-5 theo Khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc.
Các bài thi đánh giá năng lực Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học được máy tính chấm tự động. Thí sinh sẽ được biết điểm thi ngay sau khi kết thúc dự thi.
Trong khi đó, bài thi Ngữ văn được chấm tự động phần trắc nghiệm; phần viết luận sẽ chấm hai vòng độc lập, công bố kết quả sau 15 ngày. Với bài thi Tiếng Anh, phần thi nghe và đọc sẽ do máy tính chấm điểm tự động; các phần thi nói và viết cũng được chấm theo hai vòng độc lập.
Theo ông Trung, bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt được sử dụng để xét tuyển theo phương thức kết hợp với kết quả học tập THPT. Theo đó, điểm xét tuyển là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt nhân hệ số 2, cộng với điểm trung bình sáu học kỳ THPT hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển.
Thí sinh xét tuyển vào ngành học nào sẽ đăng ký bài thi tương ứng. Chẳng hạn, bài thi Toán học được xét vào ba ngành: Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Công nghệ thông tin; bài thi Vật lý sử dụng cho ngành Sư phạm Vật lý, Vật lý học; bài thi Sinh học được xét tuyển vào ngành Sư phạm Sinh học. Dự kiến 21 ngành sử dụng phương thức này với khoảng 700 chỉ tiêu.
Ông Trung cho biết thêm, ý tưởng về kỳ thi được hình thành từ nhiều năm trước. Trường dự kiến tổ chức lần đầu trong năm 2021 nhưng phải hoãn lại vì Covid-19. Kỳ thi được kỳ vọng phát hiện những thí sinh có năng lực chuyên biệt cụ thể, phù hợp với tính chất ngành học.
Nữ sinh kiểm tra máy tính trước giờ làm bài thi
2. Trường vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh
Đại học Sư phạm TP HCM dự kiến giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh chính như năm ngoái.
Thứ nhất, trường dành tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ hai, trường xét tuyển, áp dụng cho tất cả ngành, trừ Giáo dục Thể chất và Giáo dục Mầm non: xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập THPT. Với ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất, trường cũng xét tuyển kết hợp với thi tuyển môn năng khiếu.
Cuối cùng là phương thức xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Năm ngoái, điểm chuẩn phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT (sáu học kỳ ở ba môn tổ hợp) dao động 24-29,75. Điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động 19,5-27,15; cao nhất ở ngành Sư phạm Tiếng Anh.
> Chính phủ chỉ đạo về tổ chức thi tốt nghiệp THPT
> Kết quả thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2022 của ĐH Quốc gia TP.HCM
Theo VnExpress