Kì thi tốt nghiệp THPT 2020 đang cận kề, nhưng tình hình dịch COVID-19 khiến lãnh đạo ở nhiều địa phương lo lắng về công tác tổ chức thi. Theo đó ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đề xuất phương án bảo quản và chấm sau các bài thi THPT của thí sinh đang nằm trong diện F1 và F2.
> Bộ GD&ĐT: Đề xuất thi tốt nghiệp THPT 2020 hai đợt
> Những vấn đề mới trong kỳ thi THPT 2020 khi dịch COVID-19 trở lại
Đề xuất mới kì tuyển sinh 2020 bảo quản và chấm riêng bài thi diện F1
Ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho hay dù địa phương đã chuẩn bị tốt cho kỳ thi nhưng vẫn còn nhiều bất cập khi xử lý cụ thể việc phân loại thí sinh, tổ chức điểm thi và phòng thi.
Cao Bằng có khoảng 6.000 thí sinh và cán bộ tham gia tổ chức thi. Trong đó, có khoảng 600 thí sinh có liên quan tới yếu tố Đà Nẵng phải tổ chức thi riêng.
Phương án ban đầu của địa phương bố trí 214 phòng thi tại 20 điểm thi. Nhưng nếu thực hiện giãn cách thì số phòng thi sẽ phải tăng lên thành 428 và điểm thi thành 40.
Ông Hòa bày tỏ lo lắng về việc điều chỉnh giãn cách và tổ chức điểm thi riêng sẽ gặp khó khăn ở khâu in sao và bảo quản đề thi.
“Đề thi hiện nay đang trong quá trình in sao và đã có đăng ký theo từng phòng với mỗi túi là 24 đề. Giờ nếu tăng điểm thi và phòng thi thì có thể có nguy cơ lộ đề”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng cho hay, việc bóc tách phân biệt thí sinh diện đối tượng F1, F2 cũng đang gặp khó khăn và cần Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay, tại mỗi điểm thi, TP.HCM đều tổ chức phòng thi để đề phòng tiến hành cách ly các thí sinh diện F1.
Ngoài ra, cũng đã đảm bảo sẽ có một điểm thi dự phòng để phòng trường hợp khi số thí sinh diện F1 quá lớn thì có thể tổ chức thành một điểm thi riêng để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn.
Ông Đức bày tỏ lo lắng về công tác chấm thi sắp tới của TP. HCM khi số lượng bài thi của địa phương lớn. Nếu tập trung tất cả giáo viên các phòng thi vào chấm tại một điểm tập trung thì phải lên đến 600 người. Điều này sẽ vi phạm vào quy định về tập trung đông người và nguy hiểm trong tình hình hiện nay nên cần Bộ GD-ĐT xem xét giải quyết.
Bộ GD&ĐT đề xuất bảo quản và chấm sau bài thi các thí sinh F1
Bố trí chấm điểm bài thi của các thí sinh diện F1 và F2
Trả lời các thắc mắc của địa phương, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, đến thời điểm này, đề thi đã gửi về các địa phương để tiến hành in sao.
Song việc in sao đề cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cực kỳ phức tạp, nhiều công đoạn, đặc biệt là đề thi trắc nghiệm. Do đó, ngay bây giờ, các địa phương phải có những tính toán kỹ lưỡng trong việc tổ chức phòng thi, điểm thi, giãn cách phù hợp để không bị động trong công tác in sao đề thi.
XEM THÊM: Thi THPT 2020: Nên làm gì khi có thí sinh bị nghi nhiễm COVID-19?
Bộ cũng yêu cầu địa phương phải nhanh chóng rà soát, điều chỉnh số lượng điểm thi, phòng thi để in sao số đề thi tương ứng.
“Với những địa phương không có thí sinh trong diện F1, F2, nguy cơ thấp thì các điểm thi hoàn toàn có thể bố trí giãn cách tối đa khoảng cách giữa các thí sinh trong phòng thi là bảo đảm. Hiện nay trong quy chế thi tốt nghiệp THPT đã quy định khoảng cách giũa các thí sinh là 1,2m, như vậy chỉ cần giãn thêm một chút là ổn.
Còn với những vùng nguy cơ cao khi có thí sinh diện F1, F2, nếu có thể tổ chức phòng thi cách ly dự phòng trong điểm thi chung thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều vì có thể sử dụng 2 túi đề thi dự phòng. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải tổ chức điểm thi riêng thì các địa phương cần có phương án báo cáo Bộ GD-ĐT hỗ trợ”, ông Trinh nói.
Ông Trinh cũng lưu ý các địa phương, giả sử trong bối cảnh tổ chức phân loại thi cho thí sinh F1 và F2 thì sản phẩm bài thi của thí sinh có thể trở thành nguồn lây bệnh. “Do vậy, các địa phương phải tính toán kỹ phương án sau khi các em thi xong, bài thi được bảo quản thế nào ở một địa điểm trong hội đồng thi, khu cách ly để vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo khoanh vùng dịch. Những bài thi này có thể sẽ được chấm sau cùng”, ông Trinh nói.
Ông Trinh cho rằng cần thu, bảo quản riêng và tập kết ở một chỗ riêng với sự hỗ trợ của y tế cấp tỉnh để hạn chế tối đa việc lây lan.
Với điểm tập trung chung đối với cán bộ chấm thi môn Ngữ văn, ông Trinh cho hay, nếu trong bối cảnh có nguy cơ thì có thể chấp nhận phương án như mọi năm khi chia nhỏ ra. “Có thể chia tổ ra sau đó thảo luận đáp án chung cho từng tổ này. Như vậy cũng bảo đảm việc thảo luận chung và không ảnh hưởng gì lớn đến việc chấm thi”, ông Trinh đề nghị.
Theo Vietnamnet