Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi THPT 2020 vẫn được diễn ra theo đúng kế hoạch (8-10.8). Song, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số vấn đề mới đã được đặt ra.
> Kế hoạch Thi THPT 2020 tại Đà Nẵng khi vướng dịch COVID-19
> Thi THPT 2020: Phân các đối tượng thí sinh thành 4 nhóm
Lo gian lận thi cử khi đeo khẩu trang vào phòng thi?
Nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, nhằm tránh tình trạng gian lận thi cử khi đeo khẩu trang vào phòng thi, cán bộ coi thi cần được tập huấn kỹ càng. Ông nhấn mạnh: "Việc giám sát chắc chắn sẽ khó hơn, vì vậy công tác tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phát hiện gian lận cho cán bộ coi thi là khâu then chốt, phải được coi trọng hàng đầu”
Cán bộ coi thi cần được tập huấn kỹ lưỡng trong kỳ Thi THPT 2020
Bên cạnh đó, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, những cán bộ coi thi có kinh nghiệm và được tập huấn kỹ sẽ dễ dàng nhận biết ai đang gian lận.
Tâm lý TS và cán bộ có bị ảnh hưởng?
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, lo ngại việc tổ chức thi trong tình hình dịch bệnh đang căng thẳng sẽ ảnh hưởng tâm lý của TS lẫn cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi này. “Phương án chia 4 nhóm đối tượng TS theo F0, F1, F2 và các TS còn lại vẫn không tránh khỏi sự lo lắng về chất lượng của kỳ thi”, tiến sĩ Khang nhận định.
Ngoài ra, ông Khang cho rằng ở những phòng thi của TS F1, F2, cán bộ coi thi chắc chắn sẽ có tâm lý e ngại, lo sợ bị lây nhiễm… Điều đó rất có thể sẽ tác động đến TS khiến các em mất tinh thần làm bài. “Cán bộ coi thi ở những phòng thi đặc biệt cần được tập huấn kỹ, đảm bảo giữ tinh thần thoải mái cho chính mình và TS”, ông Khang đề xuất.
Nói về việc xét đặc cách cho TS thuộc F0, đang điều trị Covid-19, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho hay đương nhiên chiếu theo quy chế thi tốt nghiệp THPT đã được xét đặc cách. Ngoài ra, nếu TS đang thuộc diện cách ly, có nguy cơ cao thì cơ quan y tế cần xác minh để đưa vào diện xét đặc cách nhằm đảm bảo an toàn cho các điểm thi. Tuy nhiên, công tác tổ chức thi cần được thực hiện chi tiết và dự phòng các tình huống phát sinh như TS đang làm bài thì bị sốt, phát bệnh…
Nên làm gì khi TS có thân nhiệt cao?
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Quận Thủ Đức, TP.HCM), ông Phạm Phương Bình cho rằng, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân cũng như cộng đồng, khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, các TS phải đeo khẩu trang. Như vậy, việc nhận diện TS cần phải thực hiện sao cho đảm bảo nghiêm túc. Chẳng hạn, khi giám thị gọi tên TS, trình diện thẻ dự thi thì TS phải tháo khẩu trang để nhận diện, đối chiếu khuôn mặt với hình ảnh. Tuy nhiên, công việc này diễn ra trong thời gian rất ngắn nên để tránh tiêu cực thì trong quá trình coi thi, giám thị cần tăng cường giám sát để phát hiện kịp thời gian lận nếu có.
Kỳ thi THPT 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng
Ông Bình cho biết hiện trường đã vệ sinh phòng học, máy đo thân nhiệt và đang chờ những chỉ đạo cụ thể về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Bình đặt ra vấn đề: “Nếu thực hiện việc đo thân nhiệt TS thì phát sinh thêm lực lượng làm công tác này trong các điểm thi. Vì vậy, các trường đang đề xuất và chờ hướng dẫn để bổ sung nhân lực”.
Đồng thời, khi có trường hợp TS thân nhiệt cao, phải thi ở phòng cách ly, việc phân công giám thị sẽ như thế nào? Trong trường hợp này, nếu giám thị từ chối vì ngại có nguy cơ lây nhiễm cao thì sao? “Nói chung rất nhiều tham số để giải bài toán này mà các cơ quan quản lý cần đặt ra trước khi kỳ thi diễn ra để tránh phát sinh những tình huống bất ngờ, khó xoay xở”, ông Hoàng đề xuất.
Theo Thanh Niên