Ngày nay, tật khúc xật đã trở thành căn bệnh phổ biến đối với mỗi thế hệ học sinh và gây ra nhiều phiền toái khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi trong cuộc sống ngày thường. Vậy nên làm gì để bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc tật khúc xạ?
1. Biểu hiện của tật khúc xạ
Để không ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển của trẻ, bạn hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ nhãn khoa nếu phát hiện con có những biểu hiệu sau đây:
- Nheo mắt khi nhìn đồ vật: Đây là dấu hiệu điển hình nhất chứng tỏ con bạn có thể đã bị cận thị hay viễn thị. Nheo mắt là hành động bản năng để bé điều chỉnh lại tầm nhìn của mình.
- Dụi mắt thường xuyên: Dụi mắt có thể là hành động bộc phát khi trẻ cảm thấy mệt hay bực tức điều gì đó. Tuy nhiên, nếu con cần dụi mắt nhiều lần mới có thể quan sát rõ một vật gì đó thì bạn hãy đưa bé đi khám ngay nhé.
- Nhạy cảm với ánh sáng: Nếu ánh sáng mặt trời, ánh sáng từ bóng đèn bình thường khiến trẻ lóa mắt hoặc đau đầu thì đó có thể là dấu hiệu trẻ đã mắc phải bệnh lý nào đó về mắt rồi đấy.
Những điều phụ huynh cần biết để dạy trẻ cách bảo vệ mắt
2. Các tật khúc xạ thường gặp
- Cận thị: Cận thị là tật khúc xạ thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất (66%) trong các loại tật khúc xạ học đường. Khi bị cận thị, bé chỉ nhìn rõ các vật ở gần và thường phải nheo mắt để nhìn rõ nếu đồ vật ở xa. Cận thị quá nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ ở trẻ sau này, đặc biệt nếu để bệnh biến chứng nặng, có thể gây thoái hóa võng mạc, dẫn đến mù lòa.
- Viễn thị: Trái ngược với cận thị, tật viễn thị sẽ khiến mắt nhìn xa rõ hơn nhìn gần. Tuy nhiên, khi viễn thị nặng thì dù nhìn đồ vật ở xa hay gần đều sẽ bị mờ. Đối với trẻ ở đô tuổi đi học, nếu viễn thị không được điều chỉnh sớm sẽ làm giảm chức năng thị giác, ảnh hưởng đến sự tiếp thu của trẻ và gây cảm giác không thoải mái cho trẻ.
- Loạn thị: Loạn thị thường đi kèm với cận thị hoặc viễn thị, có biểu hiện là làm mờ tầm nhìn ở mọi khoảng cách và khiến cho bề mặt vật thể bị cong hoặc biến đổi thành hình dạng tương tự trong phạm vi nhìn. Trẻ bị loạn thị thường bị mờ khi nhìn lên bảng hay đọc nhầm, ví dụ như chữ H đọc thành chữ N, chữ I đọc thành chữ T, v.v
3. Cách chăm sóc mắt cho trẻ
3.1. Bảo vệ điểm vàng của mắt
Theo các chuyên gia nhãn khoa, mắt muốn nhìn rõ vật thì ảnh phải hội tụ đúng trên điểm vàng (trung tâm của võng mạc – nơi quyết định thị lực của mắt). Điểm vàng suy yếu làm cho mắt không nhìn rõ vật, phải tăng cường điều tiết, mắt dễ bị mệt mỏi và xuất hiện các dấu hiệu đau, xót, nhức mắt… Mắt phải điều tiết nhiều sẽ làm cho trẻ tăng nguy cơ mắc tật cận thị.
Ngoài ra, còn làm cho quá trình lão hoá của mắt xảy ra nhanh hơn, thị lực suy giảm dẫn tới bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng khi về già. Vì vậy, muốn mắt nhìn rõ vật và hạn chế mắc tật khúc xạ cần có điểm vàng khỏe mạnh. Trong khi đó, hầu hết các bậc cha mẹ chưa biết cách để bảo vệ điểm vàng cho mình cũng như con cái mình.
Vì vậy, để ngăn ngừa tật khúc xạ ở trẻ, phải đảm bảo 2 yếu tố, đó là tránh mắt phải điều tiết quá nhiều bằng cách duy trì cho trẻ phương pháp học tập khoa học như: ngồi đúng tư thế, đủ ánh sáng, khoảng cách đọc, nghỉ ngơi hợp lý…
Đồng thời, cần bổ sung những chất giúp giác mạc, thủy tinh thể và đặc biệt là điểm vàng của mắt luôn trong trạng thái hoạt động tốt nhất và những hoạt chất giúp tăng cường thị lực cho mắt như: Lutein, Zeaxanthin, Vaccinium, Vitamin A, Vitamin E, Vitamin C, Selen, Kẽm,… Những chất này chỉ có thể có được từ chế độ dinh dưỡng hợp lý hoặc bổ sung bằng cách sử dụng các sản phẩm đặc biệt dành riêng cho mắt từ bên ngoài.
3.2. Kiểm tra mắt định kỳ
Hiện nay, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến, với tỷ lệ mắc khoảng 10 – 15% ở học sinh nông thôn, 30 – 35% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 – 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ, trong đó 2/3 bị cận thị.
Vì vậy, bác sĩ nhãn khoa tại các bệnh viện mắt khuyến cáo bố mẹ nên đưa con đi khám mắt, kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng – 1 năm/ lần. Kiểm tra mắt giúp bác sĩ có thể nhận biết được các nguy cơ bệnh về mắt, giúp mắt kịp thời được chăm sóc và điều chỉnh thói quen sinh hoạt hợp lý. Khám mắt định kỳ cũng là cách sàng lọc, chỉnh tật khúc xạ và tư vấn cụ thể khi gặp những vấn đề về mắt.
3.3. Cho mắt thời gian nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi thị giác từng lúc, cứ làm việc khoảng 20 phút, trẻ nên để mắt nhìn xa từ 1 đến 2 phút, hoặc nhắm mắt lại 30 giây – 1 phút. Nếu cảm giác bị mờ nhòe đi, cần cho mắt nghỉ lâu hơn. Việc thực hiện hoạt động này sẽ giúp mắt dễ chịu và giảm căng thẳng cho mắt.
Không nên học tập bằng mắt quá 60 phút, nên khuyến khích trẻ vui chơi ngoài trời và tập thể dục giữa các tiết học, tránh đọc truyện, chơi game trong giờ giải lao. Ánh sáng phòng học nên được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên. Nếu không, phụ huynh phải duy trì đủ ánh sáng bằng hệ thống đèn, tránh việc học và đọc bị khuất bóng.
3.4. Giữ vệ sinh cá nhân thật tốt
Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ thực hiện vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, sử dụng khăn mặt riêng, rửa mắt bằng nước sạch, rửa tay bằng xà phòng, không nên dùng tay bẩn dụi vào mắt, phòng tránh ruồi… để phòng bệnh đau mắt đỏ, mắt hột.
Không cho trẻ chơi các trò chơi nguy hiểm như: đánh khăng, đánh nhau, sử dụng các vật sắc nhọn, bắn ná thun, bắn bi… nếu trúng phải dễ làm tổn thương đến mắt.
Khi có dị vật vào mắt phải đến cơ sở y tế khám ngay. Không nhỏ bất cứ thuốc gì vào mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3.5. Lưu ý về độ sáng
Suy luận một cách logic thì chiếu sáng tốt sẽ giúp chúng ta không phải nhìn gần vào tài liệu, đồng tử co vừa phải, thể mi không bị co quắp quá đáng. Vô hình trung cận thị do việc nhìn gần thái quá đã bị ngăn chặn nếu ta thực hiện tốt khâu này. Đèn vàng hay đèn quả lê hoặc đèn compac xem ra có vẻ không quan trọng nữa. Đơn giản chỉ là chiếu sáng tốt mà thôi.
Nguồn sáng cho trẻ ở nhà nên để ở phía sau và trên cao. Nếu không thì cũng không nên để trực diện dễ gây chói lóa và sinh nhiệt. Ngoài công suất chiếu sáng (đơn vị là lux) thì độ rọi foot candella cũng rất quan trọng.
Độ rọi tối thiểu Emc là khái niệm quen dùng của các nhà thiết kế hệ thống chiếu sáng. Chiếu sáng trong lớp học thích hợp là 320-400 lux. Bóng đèn huỳnh quang mắc song song với hệ thống cửa sổ, balad điện tử được khuyến cáo cho chiếu sáng lớp học, tuy nhiên cũng nên tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời.
3.6. Tư thế ngồi học
Tư thế ngồi học phụ thuộc nhiều vào hệ thống bàn ghế và độ chiếu sáng. Nhìn chung nên để mặt trẻ cách sách vở khoảng 35-40cm, mặt bàn nên có độ vát khoảng 15-20 độ so với phương nằm ngang để trẻ khỏi cúi gằm. Tư thế tốt còn làm trẻ học đỡ mệt mỏi, tránh gù vẹo cột sống sau này.
3.7. Vệ sinh mắt trước khi ngủ
Khi ngủ, bạn cần phải tránh những nơi nhiều ánh sáng vì chúng sẽ ảnh hưởng tới thị giác, gây hưng phấn tới não gây khó ngủ. Bạn cũng cần phải ngủ ở những nơi thông thoáng vì mắt cũng rất cần oxy. Trước khi ngủ, bạn nên tập thói quen lau mắt bằng khăn sạch hay cũng có thể dùng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ.
3.8. Dùng thuốc nhỏ mắt
Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt hàng ngày sẽ giúp chúng ta bổ sung những chất dinh dưỡng mà chế độ ăn uống không đáp ứng đủ. Thế nên, hãy lựa chọn các sản phẩm thuốc nhỏ mắt có chứa nhiều dưỡng chất như vitamin, chondroitin sulfate, acid amin… để làm dịu mắt khi mỏi mệt, nuôi dưỡng và phòng ngừa các bệnh về mắt.
3.9. Che chắn cho mắt khi ra ngoài
Khi đi ra ngoài, chúng ta nên trang bị cho mình loại kính râm có khả năng chống tia UVA, UVB và giảm độ sáng chói tốt. Vì nếu chiếu trực tiếp vào mắt, các tia UVA, UVB có thể gây bỏng mắt, nóng rát mi mắt, khiến mắt cộm, ngứa, khô rát.
Tình trạng này kéo dài có nguy cơ dẫn đến mù loà. Ngoài ra môi trường ánh sáng quá mạnh sẽ khiến mắt phải nheo và điều tiết liên tục, từ đó dễ gây mỏi mắt.
3.10. Tránh khói thuốc
Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp, khói thuốc còn là tác nhân dẫn đến tình trạng khô mắt và suy giảm thị lực.
> Khi con đã lớn, cha mẹ tuyệt đối không nên làm những hành động này
> Dạy trẻ cách xử lí khi bị lạc
Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp