Sự kiện HOT: TUYEN SINH 2012TUYỂN SINH 2012THÔNG TIN TUYỂN SINH 2012

Xem ngay: Điểm chuẩnđiểm chuẩn đại họcĐiểm thiđiểm thi đại học

Tin liên quan:

 

Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đặt vấn đề trách nhiệm thực hiện chính sách thuế của người dạy thêm vào một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều người cho rằng vấn đề này được đặt ra xuất phát từ thu nhập cao nhờ dạy thêm của giới giáo viên nhưng cũng hồ nghi tính khả thi của quy định.

Giàu nhờ dạy thêm

Cô Th. vốn là một giáo viên dạy Toán ở một tỉnh vùng Đông Bắc, chồng làm công chức một cơ quan nhà nước ở Hà Nội. Cách đây hơn chục năm, cô xin chuyển về một trường THPT ở Hà Nội. Lúc mới chuyển về gia đình cô phải ở nhờ nhà họ hàng. Về sau, cô vay nợ mua được một ngôi nhà nhỏ trong ngõ sâu.

hco them day them, lam giau nho day them, mo lop hoc them

Minh hoạ: lớp học thêm của học sinh tiểu học

 

Cách đây hai năm, không những cô trả hết nợ cũ mà còn mua được thêm một căn hộ chung cư 100m2. Trong một buổi gặp mặt bạn bè dịp Tết vừa qua, cô Th. cho biết cuối năm nay cô sẽ mua một chiếc xe hơi để đi dạy cho đỡ khổ!

 

Khi được bạn bè khen “phát tài” nhờ dạy thêm, cô Th. phân trần: “Trường mình không phải là trường có tiếng tăm, và mình dạy không nhiều lắm nên thu nhập cũng chỉ chừng mực. Đồng nghiệp mình có những người tiền dạy thêm mỗi tháng đủ mua một xe SH!”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cô Th. là một trường hợp khá tiêu biểu phản ánh được thực tế đời sống một bộ phận không nhỏ giáo viên các trường học khu vực nội thành và ven đô Hà Nội.

 

Cô T.H, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Nội nhận xét: “Không kể những giáo viên đắt hàng dạy thêm nhờ uy tín cá nhân của mình, đa phần giáo viên thu bộn tiền vì những lý do tế nhị. Vì vậy mới có nghịch lý là giáo viên các cấp học càng thấp càng kiếm được nhiều tiền nhờ dạy thêm.
Giáo viên dạy THPT khó kiếm tiền từ học sinh của mình nhất vì đối tượng học sinh của họ là các em lớn, có nhận thức xã hội tốt khiến giáo viên e dè hơn khi dạy thêm cho chính học sinh của mình. Nhưng nhờ áp lực kỳ thi đại học mà chỉ cần dạy thêm học sinh bên ngoài, giáo viên THPT vẫn có thể giàu có, đặc biệt là giáo viên các môn Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ. Giáo viên nào không có duyên dạy thêm thì dạy cho các trường dân lập cũng đủ sống dư giả”.

 

Ngoài giáo viên tiểu học, giáo viên dạy các môn Văn, Toán cấp THCS cũng thuộc diện được xã hội đánh giá là “nhà giàu” trong giới giáo viên. Với những trường tiếng tăm và lớp chọn của những trường thường thì “mùa thu hoạch” đến với các giáo viên này là quanh năm. Với những lớp thường của trường thường thì “mùa thu hoạch” chỉ đến khi các thầy, cô dạy học sinh lớp 9.

 

“Từ khi vào học lớp 6 tới giờ 60 bạn lớp cháu đều đặn học thêm các cô tuần 2 buổi, năm nay lên lớp 8 thì tuần 3 buổi. Các cô Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh chia lớp học làm đôi, học hai ca, học phí 30.000 đồng/ học sinh/ ca (2 tiết), chưa kể tiền thuê phòng học. Riêng cô chủ nhiệm dạy mỗi nhóm hai ca. Vị chi mỗi tháng cô thu từ lớp cháu khoảng 9 triệu đồng. Ngoài ra cô còn dạy chính khóa các lớp khác nên cũng dạy thêm luôn cho các lớp đó”, một học sinh trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình kể.

Đánh thuế thu nhập: khó!

Dù nguồn thu đầy tiềm năng như vậy nhưng nhiều giáo viên cho rằng khái niệm thuế thu nhập xa lạ với họ. “Tôi dị ứng với việc thu tiền trực tiếp từ học trò nên ngoài dạy chính tôi dạy thêm ở hai trường công lập.

 

Trường nào tôi cũng đều ký hợp đồng đàng hoàng hàng tháng tôi lĩnh thêm khoảng 4 triệu đồng mỗi trường. Tôi chẳng bao giờ thấy ai đả động gì đến chuyện đóng thuế cả và cũng chưa bao giờ nghe giáo viên nào nói là phải đóng thuế”, giáo viên một trường THPT công lập trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết.

 

Cũng theo giáo viên này, những giáo viên có thu nhập hàng chục triệu từ dạy thêm cho học sinh của chính mình chưa bao giờ được cơ quan thuế hỏi đến vì ngành giáo dục còn chẳng biết, nữa là ngành khác!

 

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, nhiều giáo viên khẳng định, người thu nhập cao phải chịu thuế thu nhập là đương nhiên. “Đã là giáo viên thì ai cũng đều có lòng tự trọng trước học trò. Bấy lâu nay do quản lý dạy thêm kém nên dạy thêm lành mạnh với dạy thêm không lành mạnh lẫn lộn, nhiều người nói đến dạy thêm cứ như nói đến mặt trái của giáo dục. Việc tham gia đóng thuế thu nhập từ nguồn dạy thêm sẽ giúp giáo viên dễ ăn dễ nói với học trò, ít nhất là họ cũng có căn cứ để học trò tin hoạt động dạy thêm của cô là lành mạnh, được sự cho phép của nhà nước”, cô T.K, giáo viên trường THCS Khương Thượng, quận Đống Đa bình luận.

 

Một số ý kiến khác còn cho rằng chủ trương đánh thuế thu nhập từ dạy thêm của giáo viên sẽ giúp ngành thuế vào cuộc tích cực để có thêm nguồn thu cho ngân sách và điều này tác động tích cực trở lại tới hoạt động dạy thêm.

 

“Từ trước đến nay ngành giáo dục quy định rất nhiều chẳng hạn dạy thêm phải xin phép, dạy thêm phải đảm bảo các điều kiện thời gian, cơ sở vật chất… nhưng nào có ai kiểm tra việc thực hiện các quy định đó! Nhưng nếu giờ ngành thuế cũng vào cuộc thì có thể việc quản lý sẽ được tốt hơn, giáo viên sẽ e ngại hơn để không vi phạm các quy định”, một hiệu trưởng trường THPT nói.

 

Một luồng ý kiến khác (chiếm số đông trong số người được hỏi) đều hồ nghi về tính khả thi của quy định giáo viên dạy thêm phải nộp thuế cũng như khả năng tham gia điều chỉnh của nó tới quản lý hoạt động dạy thêm.

 

“Dạy thêm mang nhiều sắc thái tiêu cực như hiện nay xuất phát từ thực tế nhu cầu học thêm nhiều khi đến lệch lạc của một bộ phận lớn học sinh, phụ huynh. Nhu cầu đó xuất phát từ cách đánh giá, thi cử của chúng ta. Đưa ra hết quy định này đến quy định khác cũng vô ích khi mà cái chung chưa được điều chỉnh, vì người ta sẽ tìm cách “lách” quy định. Không cẩn thận, rồi đến ngày ngoài nạn dạy thêm học thêm tràn lan chúng ta có thêm nạn giáo viên tìm cách “lách” thuế”, thầy Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Vạn Xuân nhận xét.

Giáo viên tiểu học thu nhập bốn - năm chục triệu đồng từ dạy thêm

Theo một phụ huynh có con học lớp 4 trường Tiểu học Trung Tự, quận Đống Đa, con của anh học ngày 2 buổi ở trường, tan học buổi chiều lại đến nhà cô giáo học thêm tuần 2 buổi với giá 80.000 đồng/ học sinh/ buổi. Cả lớp 60 cháu đều theo học (cô chia thành hai nhóm), gọi là lớp cơ bản.
Ngoài ra một số phụ huynh được cô gợi ý nên cho con học lớp nâng cao, tuần một buổi, giá 90.000 đồng/ học sinh/ buổi. Chưa tính lớp nâng cao, mỗi tháng cô thu tiền học thêm từ hai lớp cơ bản là 43 - 48 triệu đồng.

 

Một phụ huynh trường Tiểu học Khương Mai, quận Thanh Xuân thì khoe con gái mình may mắn được học một cô giáo tốt nên chỉ dạy thêm đại trà một tuần một buổi, học phí 300.000 đồng/ tháng. Lớp có 50 học sinh, vị chi cô giáo “thu hoạch” mỗi tháng 15 triệu đồng nhờ dạy thêm chính học sinh của mình, chưa kể các lớp riêng cô mở theo yêu cầu của một vài nhóm phụ huynh.

(Theo: phapluat)

ĐIỂM CHUẨNĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌCĐIỂM THIĐIỂM THI ĐẠI HỌC

TUYỂN SINH ĐHTUYEN SINH -THONG TIN TUYEN SINH

Kênh Tuyển Sinh